Kình ngư Ánh Viên đạt ngưỡng hay đầu tư nửa vời?
Dù là VÐV được đầu tư nhiều nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, thành tích chuyên môn của kình ngư Nguyễn Ánh Viên vẫn không có sự đột biến, nếu không muốn nói là đi xuống trong thời gian qua.
Ánh Viên đang tham dự Giải vô địch thế giới (FINA World Championship) 2019 diễn ra tại Gwangju, Hàn Quốc. Ngay trong ngày ra quân, kình ngư Việt Nam đã không thể vượt qua vòng loại ở hai cự ly sở trường 200m hỗn hợp cá nhân và 400m tự do.
Thành tích của kình ngư Ánh Viên đã chững lại, nếu không muốn nói thụt lùi so với vài năm trước. Ảnh: VSI
Ở nội dung 200m hỗn hợp, Ánh Viên thi đấu ở lượt thứ tư cùng 9 kình ngư khác. Nữ vận động viên (VĐV) sinh năm 1996 cán đích cuối cùng với thời gian 2 phút 17 giây 79, kém thành tích tốt nhất của cô tới 6 giây (được thiết lập tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á năm 2017).
Chung cuộc, Ánh Viên đứng thứ 26 trong tổng số 36 VĐV tham dự nội dung này và bị loại. Đáng lưu ý, thời gian 2 phút 17 giây 79 cũng chính bằng thông số mà Ánh Viên đạt được ở đấu trường ASIAD 2018, nơi thành tích của cô được đánh giá đi xuống trầm trọng.
Tương tự, ở nội dung 400m tự do, Ánh Viên hoàn thành đường đua với thời gian 4 phút 13 giây 35. Kình ngư Việt Nam xếp thứ 19 trong tổng số 43 VĐV tham gia tranh tài và không đoạt vé vào vòng trong.
Trả lời Tiền Phong hôm qua, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục Thể thao) Nguyễn Trọng Hổ cho biết, FINA World Championship được coi là cữ dượt, kiểm tra chỉ số chuyên môn tập luyện của Ánh Viên. Đấu trường chính của VĐV sinh năm 1996 trong năm nay là SEA Games 30 tại Philippines vào cuối năm, với mục tiêu 7-9 HCV. Nếu đẩy cao thành tích ở giải đấu này lên, mục tiêu cuối năm của Ánh Viên sẽ bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hổ, sau kỳ ASIAD “trắng tay”, kế hoạch tập luyện của Ánh Viên đã được xem xét lại và điều chỉnh. Cô vẫn tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV Đặng Anh Tuấn, nhưng có thêm hai chuyên gia người Mỹ. “Thành tích của Ánh Viên tại SEA Games 2019 sẽ là tiền đề, chân đế, sau đó được vót nhọn để hướng đến các mục tiêu ở năm sau”, ông Nguyễn Trọng Hổ cho biết.
Ðầu tư nửa vời?
Trên thực tế, Ánh Viên đang là VĐV được Nhà nước đầu tư nhiều nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Theo báo cáo của Tổng cục TDTT hồi đầu năm, kinh phí để đưa Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn sang Mỹ tập huấn trong năm nay (chưa kể kinh phí của đơn vị chủ quản Quân đội) là 170.000-180.000 USD (cao hơn số tiền cả bộ môn điền kinh với vài chục VĐV được cấp để thực hiện nhiệm vụ giành 13-15 HCV SEA Games).
Trước đó, để thực hiện mục tiêu giành HCV ASIAD 2018, Ánh Viên cũng đã được cấp kinh phí 350.000 USD. Thế nhưng, dù được đầu tư tiền tỷ, thành tích của Ánh Viên không hề cải thiện, thậm chí còn đi xuống trong hai năm trở lại đây. Thất bại cay đắng tại ASIAD 2018 đã khiến Ánh Viên trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. VĐV từng được ví như “viên ngọc quý” của thể thao Việt Nam, dù được đầu tư mạnh mẽ, nhưng thành tích bỗng sa sút bất ngờ.
Mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn gây sốc khi phát biểu rằng, việc Ánh Viên không cải thiện được thành tích là do đã có tuổi và đạt ngưỡng. Nữ VĐV 23 tuổi khó có thể có bước tiến vượt ngưỡng ở sân chơi châu lục hay thế giới, nhưng vẫn cần đầu tư trọng điểm để thâu tóm vàng ở đấu trường SEA Games.
Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra là: liệu có một cái “ngưỡng” nào dành cho một VĐV mới 23 tuổi, đang ở độ chín của sự nghiệp hay không? Hay thành tích của Ánh Viên đi xuống là do sự đầu tư không đúng cách của ngành thể thao? Bởi nếu đã được đầu tư qua Mỹ đào tạo thì nên có một đội ngũ chuyên nghiệp, và đích nhắm phải là tầm châu lục và thế giới, mới phát huy hết tài năng của Ánh Viên. Trong khi đó, Ánh Viên chỉ được đầu tư nửa vời, chủ yếu vẫn tập với HLV Đặng Anh Tuấn hoặc thuê các chuyên gia ngoại ít danh tiếng.
Ánh Viên đã thi đấu ở 2 nội dung 200m hỗn hợp và 400m tự do tại vòng loại giải bơi VĐTG.