Kinh điển sẽ không có tên Federer?
Nếu Federer bị loại cũng không có gì bất ngờ.
Nhìn lại nửa chặng đường đầu tiên
Cuối cùng Nole cũng để thua một set ở Roland Garros 2013. Set thua của Djokovic đến từ trận đấu với Philipp Kohlschreiber, số 19 thế giới và chỉ cao có 1m78 nhưng chơi trái một tay.
Thách thức được cho là có thể gây khó khăn nhiều cho Djokovic, là Dimitrov, hóa ra lại bị hóa giải khá đơn giản trước đó, ở vòng ba.
Dimitrov đã không thể duy trì phong độ như anh đã đạt được ở Madrid Masters, còn ở chiều ngược lại, Djokovic ổn định hơn và biết khắc phục sức ép phải thắng bằng một lối chơi chậm rãi hơn (chỉ thực hiện có 13 điểm trực tiếp).
Djokovic không có được phong độ hủy diệt như 2011
Nhưng, Djokovic cho thấy anh không còn đủ khả năng thắng nhẹ nhàng bất cứ ai nằm ngoài top 10. Năm 2011 chỉ còn là kỷ niệm, và có lẽ, sẽ là mãi mãi.
Nếu có thể so sánh, Djokovic ở thời điểm hiện tại chỉ tương đương với năm 2012, khi ở vòng 4 Roland Garros năm ngoái, anh thắng Seppi (Italy) sau khi bị thua trước hai set.
Thua hai set trước là điều có thể đã lặp lại khi Kohlschreiber sau khi thắng trong set 1, đã có thêm nhiều cơ hội để thắng set 2, nhưng cuối cùng lại bỏ phí cả sáu điểm break trong khi Djokovic chỉ có một cơ hội tương tự và tận dụng thành công.
Vấn đề của Djokovic nằm ở chỗ, anh không thể liên tục gây sức ép lên đối thủ từ cú giao bóng của mình. Bốn trận, Nole mới có 10 cú ace và có tới bốn lỗi kép. Và các cú trả giao bóng của Nole không được đẩy tới cảnh giới cao nhất để anh có thể tấn công ngay trở lại.
Dù vậy, kết quả ấy, nếu tính thêm cả trận tứ kết kéo dài năm set mà Djokovic cũng suýt thua ở Roland Garros năm ngoái trước Tsonga, cho thấy một điều: kể từ khi tay vợt người Serbia vươn lên ngôi số 1 thế giới, anh hầu như không thể bị đánh bại bởi các tay vợt nằm ngoài top 4 ở các giải Grand Slam.
Như thể có một chân lý ở đây, là các tay vợt nằm ngoài top 4 chỉ có thể chơi thứ tennis "khủng bố" - luôn tấn công mạnh mẽ và lúc nào cũng nhằm vào hai đường dây dọc và đường dây cuối sân để đánh - trong cùng lắm là hai set. Chơi tốt trong cả ba set để thắng ở Grand Slam đòi hỏi một nền tảng thể lực bền bỉ và tâm lý vững vàng vượt trội.
Mặt khác, đó cũng là vì Nole vẫn duy trì được những phầm chất quan trọng, như khả năng giành điểm từ cú giao bóng hai không bao giờ xuống dưới mức 50%, và ở trận đấu vòng 4 là cách xử lý trong những điểm quyết định (dù hiệu số ghi điểm/đánh hỏng của anh là -4 thì anh vẫn thắng Kohlschreiber có hiệu số 48/48).
Còn Nadal hai trận liên tiếp thắng với tỉ số 3-0, đó cũng là thời điểm anh không còn phải đương đầu với các đối thủ cao từ 1m9 trở lên. Fognini cao 1m79 ăn được của Nadal 14 game. Nishikori cao 1m78 thắng được Nadal 8 game.
Nhưng trận đấu với Fognini, Nadal cũng chơi không thuyết phục, tương tự như việc anh vất vả đương đầu với Daniel Brands (Đức) ở vòng 1 rồi Martin Klitzan (Slovakia) ở vòng 2.
Nadal đã từng vượt qua Fognini ở Rome Masters mà chỉ thua bốn game, nên có thể thấy Nadal suy yếu hơn so với chính anh ở tám giải đấu trước (bảy giải đất nện).
Một bằng chứng khác cho thấy điều này là sự vất vả của anh trước Klitzan. Nadal hoang mang trước tay vợt người Slovakia không hẳn là vì khả năng đè bóng sớm, chơi tấn công tự tin bằng cả trái lẫn phải, mà Nadal lúng túng khi Klitzan cũng thuận tay trái. Anh không thể đánh thuận tay nhồi trái quen thuộc, mà phải né trái đánh phải chéo sân hoặc đánh trái dọc dây rồi từ đó mới có cơ hội để chọn bóng tấn công.
Nadal liệu có thể vào gặp Djokovic?
Nhưng đây không phải lần đầu tiên Nadal gặp một đối thủ chơi tay chiêu giống anh.
Nadal chỉ thở phào khi anh thắng dễ dàng hơn trước Nishikori, người có cú trái chân co chân duỗi khi bật cao lên như Marat Safin ngày nào, nhưng vẫn không đủ để đè bóng của Nadal, và trong một ngày không đẹp trời, đã không thể lấy cú thuận tay bù đắp.
Federer: Khi không còn được gặp những đối thủ "hạng ruồi", hay chính xác hơn là những tay vợt phải vượt qua vòng loại, huyền thoại người Thụy Sĩ lập tức gặp khó khăn.
Julien Benneteau thực ra đã có thể làm Federer vất vả hơn nhiều ngay từ vòng ba nếu như anh không bị chấn thương chân khiến anh gặp khó khăn khi di chuyển.
Nhưng vấn đề của Federer cũng chẳng thể che giấu được khi anh gặp Gilles Simon. Thắng dễ dàng set 1 rồi thua dễ dàng hai set sau cho thấy anh không có sự ổn định.
Federer thắng ở set thứ năm trước Simon cũng không chứng tỏ huyền thoại người Thụy Sĩ đã mạnh mẽ trở lại và bền bỉ. Mấu chốt của trận đấu nằm ở việc Simon phải chơi năm set trong hai trận đấu trước, và trận còn lại cũng là bốn set, nên thất thế.
Nếu Federer bị loại cũng không phải bất ngờ
Federer sẽ phải đương đầu với thử thách thực sự là Tsonga, một trong hai tay vợt lọt vào tới tứ kết mà không thua set nào.
Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau mà Federer bị đánh giá thấp hơn hẳn về mọi phương diện. Lần gặp gần nhất ở tứ kết Australian Open 2013, Federer thắng sau năm set. Đó là sự mở đầu cho lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình Federer phải chơi hai trận đấu kéo dài năm set trong hai vòng đấu liên tiếp. Và kết cục ở trận tiếp theo phản ánh đúng bản chất của một tay vợt đã bước qua thời đỉnh cao: anh thua Murray trong trận đấu tay vợt người Anh vượt trội về thể lực.
Tsonga sẽ chỉ thua một khi anh tự bắn vào chân mình như cái cách các đồng hương của anh lần lượt gục ngã từ các vòng trước, như Monfils thua trước Tommy Robredo sau khi đã thắng trước hai set, như Gasquet thua trước Wawrinka theo cách tương tự.
Nhưng nếu Tsonga thành công trong việc ngáng đường Federer trước ngưỡng cửa bán kết (giống như anh làm ở Wimbledon 2011), sẽ không phải là bất ngờ.
Được coi là bất ngờ ở vòng tứ kết này nếu như Robredo thắng Ferrer, hay Wawrinka thắng Nadal và Tommy Haas thắng Djokovic.
Federer bị loại cũng không bất ngờ
Trong cả ba trận đấu ấy, cơ hội chiến thắng của Robredo là rất ít, không chỉ bởi anh 31 tuổi lại vừa trải qua ba trận kéo dài năm set liên tiếp, mà Ferrer đang có phong độ cực tốt, chưa thua set nào. Việc tránh được cả Nadal và Djokvic là cơ hội cực tốt để anh lần đầu tiên trong sự nghiệp vào tới trận chung kết Grand Slam.
Wawrinka cũng không có nhiều cơ hội để tạo nên cuộc lật đổ vĩ đại, bởi thứ nhất là anh bất lợi về thể lực so với Nadal, và việc chơi trái một tay của anh dễ trở thành mồi ngon cho lối đánh nhồi bóng sâu và xoáy.
Tommy Haas đang đi vào lịch sử, trở thành người đầu tiên trên 35 tuổi vào tới tứ kết Grand Slam kể từ Agassi năm 2005. Nhưng khó có thể nào Haas đánh bại Djokovic thêm một lần nữa. Ở lần gặp gần nhất tại Miami Masters, Haas trở thành người nhiều tuổi nhất đánh bại được số 1 thế giới trong suốt 30 năm qua. Trong suốt quãng thời gian thống trị tennis thế giới ba năm qua, Djokovic chỉ thua từ hai trận đối đầu liên tiếp trở lên trước đúng một người: là Nadal ở mùa đất nện 2012.
Chỉ có điều, Haas sẽ không thua bạc nhược như Dimitrov. Kinh nghiệm và sự hoàn chỉnh của cú quả sẽ giúp anh tạo ra nhiều khó khăn cho số 1 thế giới. Thậm chí, Djokovic khá ngại những cú cắt bóng siết thì Haas lại rất giỏi ở kỹ năng này. Thắng một set có lẽ không phải là quá sức với Haas.
Rồi sẽ kết liễu trái một tay
Nhưng như thế sẽ không đủ để anh cứu vãn cho số phận của các cú trái một tay ở Roland Garros từ vòng tứ kết. Tám trong số 16 tay vợt ở vòng bốn giải đấu này chơi trái một tay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên (trong đó có việc Murray và Del Potro cùng vắng mặt). Rồi bốn trong số họ đi tiếp vào tứ kết là điều kỳ diệu không tưởng.
Độ tuổi ấy ít nhiều cho thấy nó chỉ là sự lựa chọn của một thế hệ tennis đã bắt đầu hoặc chuẩn bị lùi vào quá khứ. Người trẻ nhất trong số các
"trái một tay" là Wawrinka cũng đã 28 tuổi, trong khi Federer và Robredo cùng 31 tuổi, còn Haas là 35.
Chưa hết, trong số 16 tay vợt dưới 23 tuổi đứng trong nhóm 133 tay vợt hàng đầu ATP hiện nay, chỉ có đúng một người chơi trái một tay, là Dimitrov.
Liệu sau vòng đấu này liệu có tài năng trẻ nào sẽ không dao động với niềm tin rằng đó chỉ là vấn đề tuổi tác, còn những người vĩ đại nhất tennis Kỷ nguyên Mở, đều chơi trái chỉ với một tay.