Kiên nhẫn với á quân ASIAD
Hành trình trở lại những sân chơi quốc tế của á quân nội dung 56kg nam môn cử tạ ASIAD năm 2014 Thạch Kim Tuấn thực sự không hề dễ dàng. Tuy vậy, giới chuyên môn vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào đô cử này kể cả mới đây Thạch Kim Tuấn không thành công tại Giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ quốc gia 2022, đang diễn ra ở Hà Nội.
Thể thao Việt Nam chọn mục tiêu nào cho ASIAD, Olympic? U21 Việt Nam thi đấu ASIAD 2022: Khi lực lượng U23 không đủ uy tín
Giai đoạn khó khăn
Như người trong nghề và chính Thạch Kim Tuấn nhìn nhận, từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay, đã có quá nhiều khó khăn dồn đến với đô cử này. Rõ nhất là việc những đô cử thuộc diện đầu tư trọng điểm của ngành Thể thao như Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên ít được tham dự các giải quốc tế để cọ xát, tăng cường bản lĩnh thi đấu.
Đô cử Thạch Kim Tuấn từng thất bại tại Olympic Tokyo vì không thành công trong cả 3 lần nâng tạ nội dung cử đẩy.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo diễn ra cách đây hơn 1 năm của đô cử thành phố Hồ Chí Minh này. Khi đó, Thạch Kim Tuấn và đồng đội dự tranh vòng loại Olympic Tokyo tại Uzbekistan.
Đến khi về nước, cũng như nhiều đồng đội, Thạch Kim Tuấn phải cách ly y tế tập trung hơn 40 ngày. Chính quãng thời gian trong nơi cách ly tập trung quá dài, cộng với việc thiếu dụng cụ tập luyện, chế độ dinh dưỡng ở mức vừa phải đã ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị thi đấu tại Olympic Tokyo.
Đến khi rời khu cách ly, Thạch Kim Tuấn chỉ có hơn một tháng để chuẩn bị thi đấu tại Olympic Tokyo. Quãng thời gian đó không đủ để tích lũy thể lực, sức mạnh, lại thêm chấn thương vai, lưng dẫn đến việc Thạch Kim Tuấn thi đấu không thành công ở Olympic Tokyo. Tại đây, anh chỉ hoàn thành phần thi cử giật trong khi cử hỏng ở cả 3 lần tại phần thi cử đẩy.
Điều đó đã để lại tiếc nuối không nhỏ với nhà quản lý. Bởi theo tính toán, với nền tảng của Tuấn, anh hoàn toàn có thể đạt mức cử tổng là 298kg để giành ít nhất là HCĐ. Thực tế, tại Olympic Tokyo, đô cử giành HCĐ chỉ đạt mức cử tổng là 294kg. Đến khi thống kê lại, người ta mới nhớ đến việc Thạch Kim Tuấn từng cử hỏng cả 3 lần ở nội dung cử đẩy tại Olympic Rio 2016, còn tại Tokyo 2020, anh cũng thất bại 3 lần cử đẩy.
Cũng vì chấn thương mà Thạch Kim Tuấn không thể tham dự hai giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia năm 2021 là Giải vô địch cử tạ quốc gia và Giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ quốc gia. Trong khi đó, kết quả hai giải đấu là căn cứ xét tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games 31. Việc này cũng khiến anh lỡ cơ hội tham dự SEA Games 31 dù từng rất mong được một lần thi đấu tại SEA Games diễn ra ở Việt Nam.
Hồi đầu năm 2022, Thạch Kim Tuấn từng nói về việc gác lại những thất bại trong năm 2021 để hướng đến ASIAD lần thứ 19 năm 2022 vào tháng 9. Nhưng rồi ASIAD 19 cũng lùi ngày tổ chức đến tháng 9-2023. Trong thời gian chờ đợi được tham dự những sự kiện quốc tế lớn như SEA Games năm 2023 hay ASIAD lần thứ 19, Thạch Kim Tuấn vẫn kiên nhẫn tập luyện dù phong độ chưa bao giờ ở mức tốt nhất. Dù vậy, anh vẫn mong muốn tham dự các sân chơi, dù chỉ là quốc nội để kiểm tra phong độ.
Cũng vì thế, đô cử này đã tham dự Giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ quốc gia 2022 theo diện kiểm tra thành tích chứ không tranh huy chương. Tương tự trường hợp của Thạch Kim Tuấn là đô cử từng giành ngôi Á quân ASIAD năm 2018 Trịnh Văn Vinh. Trong khi Trịnh Văn Vinh thi đấu ổn định với tổng cử 300kg thì Thạch Kim Tuấn lại không được như vậy.
Anh chỉ nâng tạ thành công ở phần thi cử giật với thành tích tốt nhất là 125kg. Đến phần thi cử đẩy, Thạch Kim Tuấn cử hỏng trong cả 3 lần thi với các mức tạ lần lượt là 150kg, 155kg và 157kg. Đây đều là những mức tạ không quá khó để chinh phục với đô cử này khoảng 8 năm trước. Nhưng đến lúc này, những mức tạ ấy lại quá “nặng” so với phong độ của anh.
Có đáng lo không?
Chứng kiến Thạch Kim Tuấn thi đấu tại hạng 61kg nam ở Giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ quốc gia 2022, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng nhận định: “Đến lúc này chưa thể khẳng định Thạch Kim Tuấn không còn cơ hội tranh chấp vị trí tại đội tuyển quốc gia dự các giải quốc tế. Đây không phải là lúc Thạch Kim Tuấn đạt điểm rơi phong độ nên không đáng lo”.
Theo tính toán, có thể Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 mới là nơi để Thạch Kim Tuấn chọn điểm rơi sau cả năm trời không thi đấu. Đó là bài toán cho cả Ban huấn luyện đội cử tạ thành phố Hồ Chí Minh cũng như Thạch Kim Tuấn. Bởi nếu thi đấu không thành công thì xem như cơ hội dự SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5 tới hoặc ASIAD 19 vào tháng 9 tới sẽ khó tìm đến đô cử này.
Ông Đỗ Đình Kháng cũng nói thêm về trường hợp đô cử Trịnh Văn Vinh. Theo ông Kháng, đô cử người Bắc Ninh này đang cần khẳng định bản thân cũng như lấy sự tự tin cho bản thân trong thời gian thực hiện án kỷ luật từ Liên đoàn Cử tạ thế giới. Cho nên, dù chỉ thi đấu kiểm tra nhưng Trịnh Văn Vinh vẫn đủ động lực như lúc thi đấu tranh huy chương, dẫn đến đạt thành tích tốt như vậy.
Rõ ràng, sự quyết tâm theo đuổi hạng 61kg của Thạch Kim Tuấn đang mang lại nhiều hiệu ứng tích cực về lực lượng của nội dung thế mạnh của cử tạ Việt Nam. Người trong nghề, nhà quản lý vẫn đang kiên nhẫn chờ đô cử này sẽ trở lại thực sự ấn tượng, để tạo môi trường cạnh tranh hơn nữa cho các đô cử khác cùng hạng cân. Quan trọng là chính đô cử này sẽ quyết tâm và thực hiện khát vọng trở lại mạnh mẽ đến mức nào.
Chưa thể so sánh cụ thể Theo Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng, ở thời điểm hiện tại, chưa thể so sánh một cách cụ thể về Thạch Kim Tuấn với Trịnh Văn Vinh khi các đô cử này có cách tiếp cận khác nhau khi thi đấu dù chỉ là kiểm tra thành tích. Chỉ biết rằng, ở hạng 61kg nam, cử tạ Việt Nam đang có nhiều lựa chọn nhân sự khi bên cạnh Trịnh Văn Vinh, Thạch Kim Tuấn còn có Ngô Sơn Đỉnh, Nguyễn Trần Anh Tuấn. (Minh Khuê) |
Lực sĩ K’Dương phá 3 kỷ lục thanh thiếu niên thế giới hạng 55 kg nam tại giải cử tạ vô địch châu Á 2022.
Nguồn: [Link nguồn]