Kiếm tiền giỏi như Công Vinh, Tiến Minh
Trong lịch sử thể thao Việt Nam, tiền đạo Công Vinh và tay vợt Tiến Minh thuộc số ít VĐV đủ sức tạo dựng thương hiệu và có thể kiếm được nhiều tiền từ tài năng, sự khổ luyện
Như một sự trùng hợp thú vị, trong ngày mà tiền đạo Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang chơi bóng ở Nhật Bản dưới màu áo CLB Consadole Sapporo, tay vợt hạng 7 thế giới Nguyễn Tiến Minh cũng được định giá 44.000 USD để khoác áo CLB Pune Vijetas tham dự Siêu cúp các CLB cầu lông Ấn Độ. Cả hai sẽ cùng xuất ngoại vào tháng 8 này với tư cách những người mở đường đi đấu thuê, điều còn xa lạ với thể thao Việt Nam.
Tiến Minh, VĐV Việt Nam hiếm hoi lọt vào top 10 thế giới ở các môn không thể cân. Ảnh: QUANG LIÊM
Bản thân Công Vinh và Tiến Minh chắc chắn rất tự hào bởi để trở thành những VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu với mức lương cao, họ đã phải tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu để đạt tới ngưỡng đỉnh cao của sự nghiệp. Điểm chung dễ thấy giữa Công Vinh và Tiến Minh là khả năng thích ứng với áp lực thành tích và dư luận. Như khi Tiến Minh được mời dự giải Siêu cúp các CLB Ấn Độ với số tiền đấu giá khởi điểm là 25.000 USD (sau này Minh được trả 44.000 USD), đã có không ít chỉ trích nhắm vào tay vợt số 1 Việt Nam khi cho rằng anh chỉ chăm chăm thi đấu nước ngoài vì tiền thưởng. Tương tự, khi Công Vinh đồng ý sang thi đấu cho CLB Consadole Sapporp với mức lương 7.000 USD/tháng, đã xuất hiện hàng loạt phân tích cho rằng tiền đạo xứ Nghệ sai lầm vì khoản tiền đó có thể lớn ở Việt Nam nhưng quá nhỏ so với chi phí đắt đỏ ở Nhật... Tuy nhiên, vượt trên hết, cả hai đều đã đạt được mục đích chung, trở thành những người mở đường của thể thao Việt Nam: VĐV chuyên nghiệp trước mắt phải giỏi kiếm tiền và sống được với nghề.
Chuyên gia cầu lông Huỳnh Ngọc Liên hôm 23-7 phân tích khá sâu sắc về nét tương đồng giữa Tiến Minh và Công Vinh: “Ở Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng chỉ có 3 VĐV đủ tầm cỡ để trở thành ngôi sao, tức là khi nổi tiếng, họ không những phải thể hiện được phong độ ổn định trong thời gian dài mà bắt buộc phải biết vượt qua sức ép dư luận. Hội tụ những điều kiện đó chỉ có kỳ thủ Lê Quang Liêm, tiền đạo Công Vinh và tay vợt Tiến Minh. Như Tiến Minh chỉ chơi cầu lông chuyên nghiệp từ năm 24 tuổi, giờ đã 31 tuổi nhưng năm nào cũng có danh hiệu quốc tế. Những nỗ lực bền bỉ đó đã tạo nên thương hiệu cho Minh trong làng cầu lông quốc tế nên chuyện 1 CLB Ấn Độ trả gần 1 tỉ đồng để anh về thi đấu có 2 tuần cũng là bình thường. Tương tự, Công Vinh sang Nhật đâu phải chỉ vì khoản lương 7.000 USD/tháng. Điều anh sẽ đạt được sau đó là danh tiếng. Lúc đó, tự động các nhà tài trợ sẽ tìm đến Công Vinh để mời quảng cáo, đồng nghĩa thu nhập của cậu ấy sẽ tăng nhiều lần”.
Thành công của Công Vinh hay Tiến Minh là chuyện hiếm của thể thao Việt Nam, vốn còn chập chững trên con đường chuyên nghiệp, chưa tự nuôi sống mình.