Khó có SEA Games sạch
SEA Games 28 tại Singapore được hứa hẹn là SEA Games sạch nhưng việc bỏ hàng loạt môn thế mạnh của nhiều đoàn khác lại khiến các quốc gia nghi ngờ.
Trên các báo Singapore ra hôm qua (28-2), ông Lawrence Wong - Bộ trưởng đặc trách văn hóa - thể thao - cộng đồng - thanh niên Singapore tiếp tục khẳng định: “Singapore không tổ chức như các kỳ SEA Games 2007, 2011 phía chủ nhà Indonesia và Thái Lan đưa quá nhiều môn truyền thống của họ vào đại hội; cũng chẳng như SEA Games 22 chủ nhà Việt Nam đưa môn cầu chinh và lặn với hàng chục bộ huy chương hay Myanmar đưa môn Chinlone và Kempo vào để tăng huy chương cho chủ nhà…”.
Thế nhưng những ngày qua, nổi cộm nhất trong cuộc họp Hội đồng SEA Games là việc “trả giá” xem có đưa vào hay không môn vật và cử tạ tại SEA Games 28 - hai môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Ngoài ra, những môn cũng bị đe dọa sẽ loại bỏ là bóng đá nữ, cầu mây nữ, Pencak Silat nữ, Karatedo và xe đạp địa hình…
Cử tạ là môn trong hệ thống Olympic, đồng thời cũng là thế mạnh của thể thao Việt Nam có thể bị loại bỏ ở SEA Games 28. Ảnh: CTV
Qua rất nhiều kỳ SEA Games trước đây, nhiều quốc gia đăng cai khi bắt tay vào chuẩn bị hay lên tiếng rằng khi mình tổ chức sẽ không bao giờ đưa môn lạ vào để gom huy chương như cách nhiều quốc gia đăng cai hay làm. Thế nhưng khi cờ đến tay thì mạnh nước nào nước đó phất sao cho có lợi cho quỹ huy chương của mình.
Lần này, phía chủ nhà tuyên bố sẽ biến SEA Games 28 thành SEA Games sạch theo tinh thần Olympic nhưng cái cách dọa bỏ những môn thế mạnh của những đoàn khác lại rất giống với kịch bản cũ.
Thay vì Hội đồng SEA Games đấu tranh vì cái chung để lấp bớt phần trũng của ao làng Đông Nam Á nhằm hướng đến sự phát triển thể thao của khu vực thì đằng này lại cứ kèn cựa, trả giá lẫn nhau ở cái sân chơi làng. Rõ nhất là sự đoàn kết vì tiến bộ trong Hội đồng SEA Games vì cái chung gần như là không có. Rõ nhất là điệp khúc nếu góp ý không được, các vị hội đồng dọa tẩy chay hoặc rủ nhau gây sức ép rồi “kết bạn” để vận động hành lang sao cho có lợi cho việc thu huy chương của đoàn mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nói: “Đến bây giờ tôi có thể khẳng định là Singapore sẽ tổ chức 36 môn cho SEA Games 28. Ngày 29-4 tới đây tôi sẽ có mặt ở Singapore đề xuất hai môn Vovinam và vật đưa vào thi đấu. Đoàn Indonesia cũng đề xuất đưa vào hai môn võ, trong đó có Kempo. Việc những môn không phải là thế mạnh hay những nội dung không phải thế mạnh của Singapore bị đề nghị loại cũng đúng thôi. Chả lẽ họ tổ chức ra để các nước khác đến gom huy chương à (?!)”.
Vì thế mà càng có cơ sở để tin là khó có một SEA Games sạch như hứa hẹn.
Việt Nam tính đến lộ trình đăng cai SEA Games 31-2021 Tại hội nghị triển khai công tác Ủy ban Olympic Việt Nam đã thông báo sắp tới Hội đồng Thể thao Đông Nam Á sẽ phê chuẩn kế hoạch đăng cai tổ chức SEA Games 29-2017 tại Malaysia, SEA Games 30-2019 tại Brunei còn hai SEA Games 31 và 32 sẽ lần lượt giao cho Việt Nam, Campuchia đăng cai. Tại SEA Games này, các môn thi đấu chính sẽ diễn ra tại TP.HCM và ngay từ bây giờ phía Việt Nam sẽ phải đầu tư một khoản tiền lớn để nâng cấp, xây mới nhiều công trình thể thao với mục tiêu giành ngôi nhất toàn đoàn. Cũng hội nghị trên, Ủy ban Olympic Việt Nam khẳng định lại mục tiêu tổ chức ASIAD 18-2019 và dự kiến Việt Nam sẽ chi hơn 120 triệu USD cho công tác tổ chức; phấn đấu đoạt 10-15 HCV để lọt vào top 10 châu Á. NG.HUY |