Khi Olympic cũng "ao làng hóa" như SEA Games
Trên thực tế, tính "ao làng" không chỉ xuất hiện ở những kỳ Đại hội thể thao cấp khu vực hay châu lục. Nhìn về quá khứ và hiện tại, lịch sử hình thành và phát triển Olympic cũng bao gồm không ít giai đoạn "ao làng hóa", khi nước chủ nhà luôn cố gắng đưa những môn thể thao mình có lợi thế vào chương trình thi đấu.
Lacrosses, Cricket là môn gì?
5 năm trước khi chính thức khai mạc, Olympic 2028 đã hoàn thiện về mặt cơ bản chương trình thi đấu. Ban tổ chức giải cho biết họ hoan nghênh việc đưa vào Thế vận hội Los Angeles những môn thể thao mới. Cuối cùng, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã đưa ra một danh sách khiến phần lớn người hâm mộ thể thao cảm thấy lạ lẫm.
Lacrosse được đưa vào Olympic 2028 dù đây là môn thể thao rất lạ lẫm với số đông.
Theo thông báo từ IOC, những môn thể thao mới xuất hiện tại Olympic 2028 gồm có Lacrosses, Cricket, Flag Football, Squash, Bóng chày và Bóng mềm. Đây đều là những môn có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, hoặc phổ biến ở khu vực này. Với độc giả đại chúng, hẳn là họ sẽ phải lên các trang tìm kiếm để tra cứu xem Lacrosses hay Cricket được chơi như thế nào.
Trên thực tế, những môn thể thao trên dường như đều có chung một xuất phát điểm với. Lacrosses có luật chơi gần giống khúc côn cầu (hockey), chỉ khác là các cầu thủ sẽ chuyền bóng cho nhau bằng một cái vợt nhỏ cán dài có lưới ở đầu. Flag football tương tự bóng bầu dục, Squash giống quần vợt, Cricket cũng dùng gậy đánh như bóng chày, bóng mềm.
Ở chiều ngược lại, nhiều môn thể thao được đưa vào danh sách ứng cử viên cho Olympic 2028 đã bị loại. Phần lớn trong số đó là các môn võ như Kickboxing, Muay và Karate. Jujitsu không được đưa vào danh sách bầu chọn do môn võ này chưa có Liên đoàn thể thao chính thức quản lý ở cấp độ thế giới.
Về một góc độ nào đó, việc các môn võ mới không được đưa vào chương trình thi đấu Olympic là điều dễ hiểu. Thế vận hội vốn rất khắt khe với võ thuật, khi tính "thể thao" và "thực chiến" vốn mâu thuẫn nhau và trở thành đề tài gây tranh cãi. Nhưng đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, với nhiều môn thể thao giàu truyền thống bậc nhất Olympic có thể bị khai tử.
Nâng tạ là một trong những môn thi đấu xuất hiện từ Olympic cổ đại. Những người làm thể thao thời kỳ cuối thế kỷ 19 đã hệ thống hóa nâng tạ thành cử tạ và đưa nó vào Thế vận hội đầu tiên, diễn ra vào năm 1896. Kể từ năm 1948 đến nay, cử tạ luôn nằm trong chương trình thi đấu Olympic. Nhưng môn thể thao này suýt chút nữa bị loại bỏ, và chỉ tiếp tục xuất hiện khi IOC bỏ phiếu bầu.
Bóng chuyền giờ là một phần lịch sử Olympic, dù vốn là môn “ao làng”.
Một môn thể thao giàu truyền thống khác của Olympic cũng có nguy cơ không xuất hiện tại Thế vận hội Los Angeles là Boxing. IOC đã tước quyền quản lý môn Boxing cấp độ Olympic của Hiệp hội Boxing thế giới (IBA). Thay vào đó, IOC sẽ tự tổ chức thi đấu môn này, đồng thời thành lập một tổ chức mới do họ chi phối.
Theo thông báo từ IOC, IBA thiếu minh bạch trong việc tổ chức thi đấu và quản lý tài chính. Nhưng trên thực tế, chính IOC cũng vướng vào cáo buộc tương tự khi điều hành Boxing. Tại Olympic Tokyo, một võ sĩ chủ nhà phải ngồi xe lăn sau trận đấu nhưng vẫn được công bố giành chiến thắng.
Đến ASIAD 19, giải đấu được tính vòng loại Olympic, nhiều trận đấu có võ sĩ Nhật Bản và Trung Quốc cũng để lại kết quả gây tranh cãi. Trên thực tế, nhiều trọng tài do IOC điều phối làm nhiệm vụ tại ASIAD 19 mới lần đầu làm việc ở một giải cấp độ quốc tế, chưa hề có kinh nghiệm điều khiển, hay chấm điểm một trận đấu Boxing thành tích cao.
"Ao làng" từ châu Á
Năm 1959, Nhật Bản giành quyền đăng cai Olympic 1964. Kỳ Thế vận hội diễn ra tại Tokyo năm ấy là cơ hội để người Nhật cho thấy sức phát triển thần kỳ hậu chiến tranh. Nhưng ở phương diện thể thao, Olympic Tokyo cũng giúp Nhật Bản vận động thành công 2 môn thể thao được yêu thích tại quốc gia này vào chương trình thi đấu Thế vận hội: Judo và Bóng chuyền.
Cử tạ là môn các nước Đông Á và Đông Nam Á có thế mạnh tuyệt đối.
Vốn là môn thể thao bắt nguồn từ Mỹ, bóng chuyền được du nhập vào Nhật Bản đầu thế kỷ 20 và nhanh chóng phổ biến tại đây. Trong kỳ Olympic đầu tiên, Nhật Bản giành 1 HCV, 1 HCĐ bóng chuyền. Nhưng sau gần 6 thập niên tồn tại và phát triển, bóng chuyền không còn là mỏ vàng của riêng người Nhật hay một vài quốc gia nào nữa. Nó đã trở thành di sản Olympic.
Judo là một thành công khác của những nhà vận động hành lang thể thao Nhật Bản. Trước đó, Thế vận hội chỉ xuất hiện 2 môn võ là Boxing và Vật. Vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của IOC, Judo đã tồn tại đến tận ngày nay tại các kỳ Olympic. Nhưng tham vọng "địa phương hóa thể thao" của Nhật Bản không chỉ có vậy.
Tại Olympic Tokyo 1964, Nhật Bản còn cố gắng đưa bóng chày và kiếm đạo vào chương trình thi đấu chính thức. Tuy nhiên, tất cả đều hạ xuống thành môn thể thao biểu diễn, không tính vào thành tích chung. Mỹ là đội tuyển duy nhất cử đội bóng chày sang đấu với Nhật Bản năm đó. Kiếm đạo không thể xuất hiện như một môn chính thức, khi Olympic vẫn còn đó môn đấu kiếm.
Đến Olympic Tokyo, Nhật Bản tiếp tục vận động thành công để đưa Karate vào chương trình thi đấu chính thức. Nhưng đây có lẽ cũng là lần cuối cùng môn võ này xuất hiện ở Thế vận hội. Paris 2024 và Los Angeles 2028 nhanh chóng loại bỏ Karate khỏi danh sách bình bầu, khi họ có nhiều lựa chọn khả dĩ hơn.
Hành trình đưa những môn thể thao "ao làng" ra thế giới của Hàn Quốc gặp khó khăn nhiều hơn Nhật Bản, nhưng cũng rất thành công. Năm 1988, Hàn Quốc đưa cầu lông và Taekwondo vào chương trình thi đấu, với tư cách là môn biểu diễn. Đến Barcelona 1992, cầu lông trở thành môn chính thức. Taekwondo phải đợi lâu hơn một chút, đến Olympic Sydney 2000.
Căn nguyên của "ao làng"
Một trong những lý do khiến IOC có ý định loại cử tạ khỏi chương trình thi đấu Olympic là bởi môn thể thao này vướng phải nhiều bê bối doping thời gian gần đây. Nhưng có một nguyên nhân sâu xa hơn thế. Kể từ thập niên 60, cử tạ là môn được các nước Đông Âu thống trị. Bước sang thế kỷ 21, ngôi vương thuộc về châu Á.
Taekwondo phải tăng tính thể thao, giảm độ sát thương đối kháng để tồn tại ở Olympic.
"Các nước phát triển không có cơ hội cạnh tranh huy chương môn cử tạ với khu vực Đông Á và Đông Nam Á", nhật báo The Independent của Anh bình luận. Bên cạnh những khác biệt về vóc dáng và thể chất, tờ báo Anh nhìn nhận thắng vào sự thật: Cử tạ là môn thể thao vất vả, kham khổ, và chỉ có sự cần mẫn của người châu Á mới giúp họ bứt phá trong môn này.
Trong những năm đầu thế kỷ 21, Thái Lan và Philippines đã có nhà vô địch Olympic trong môn cử tạ. Việt Nam, Indonesia đã có HCB. Ở chiều ngược lại, thành tích của các nước phát triển, vốn được xem như cường quốc thể thao, ngày càng giảm sút đi. Một số biện pháp hạn chế cơ hội kiếm HCV cho khu vực châu Á được đưa ra như nâng hạng cân tối thiểu, nhưng không gây ra tác động lớn.
Tại Olympic Tokyo, Trung Quốc thống trị môn cử tạ khi giành 7/14 HCV. Canada là nước phát triển duy nhất của khu vực Âu Mỹ có nhà vô địch cử tạ Olympic. Mỹ, Anh, Italia và nhiều nước khác chỉ có HCB và HCĐ. Họ gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với những đô cử châu Á, ngay cả trong một số hạng cân lớn.
Câu chuyện của Pháp, nước đăng cai Olympic Paris 2024 là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy chủ nhà không bao giờ muốn tổ chức những môn không có lợi cho mình. Bóng chày vốn được đưa vào chương trình thi đấu một vài kỳ Thế vận hội vừa qua, nhưng Pháp gạt bỏ. Họ biết mình không thể cạnh tranh huy chương với các cường quốc trong môn thể thao vốn lạ lẫm với người Pháp.
Việc Pháp thẳng tay xóa bóng chày khỏi chương trình thi đấu Olympic đã khiến Mỹ, chủ nhà Thế vận hội 2028 chật vật vận động đưa môn này trở lại. Mỹ phải tổ chức bóng chày Olympic, xứ cờ hoa chính là nước có nhiều người chơi môn thể thao này nhất. Các cầu thủ bóng chày Mỹ cũng xem việc lên tuyển giờ đây là nghĩa vụ quốc gia, Olympic không phải nơi dành cho dân không chuyên.
Điều chỉnh để tồn tại
Trước thực trạng phát triển môn Taekwondo, công chúng từng đánh giá môn quốc võ của Hàn Quốc đang dần mất chất "võ thuật" và trở thành thể thao vận động đơn thuần. Thiết bị điện tử được đưa vào chấm điểm thay cho trọng tài, những đòn đá tính điểm cũng ngày một nhẹ đi, tính thực chiến không còn được như trước... dẫn đến nhận định Taekwondo giờ "mất chất".
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với góc nhìn đó. Theo đánh giá của những người làm chuyên môn, việc đưa thiết bị điện tử vào chấm điểm đã giúp hạn chế tối đa sai sót trong công tác trọng tài. Những tranh cãi, khiếu nại trong môn Taekwondo liên quan đến trọng tài, vì thế gần như không bao giờ xuất hiện.
Ngoài ra, việc thể thao hóa võ thuật trong Taekwondo cũng là một phần giúp cho môn võ này tiếp tục tồn tại trong chương trình thi đấu Olympic. Tại Thế vận hội Tokyo, môn Karate từng để lại một số hình ảnh không mong muốn, khiến môn võ này bị gắn mác bạo lực, thiếu tinh thần thể thao như tôn chỉ Olympic đặt ra.
Vì lý do trên, Taekwondo buộc phải thực hiện những điều chỉnh theo hướng thể thao hóa. Điều này càng được đẩy nhanh hơn trong vài năm gần đây khi công nghệ video hỗ trợ trọng tài được áp dụng. Trong trận đấu, huấn luyện viên có quyền khiếu nại, yêu cầu các trọng tài xem lại tình huống ra đòn của vận động viên để tính điểm.
Ít ngày tới, đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ bước vào tranh tài tại Giải vô địch bắn súng châu Á năm 2023, cũng là nơi xét vé dự Olympic 2024. Sau tấm vé đầu tiên dự Olympic...
Nguồn: [Link nguồn]