Khi Nadal làm "bò tót trên sân băng"

Sự kiện: Wimbledon 2024

Nadal thua sốc Darcis không chỉ vì Wimbledon là giải đấu của những bất ngờ.

Từ lịch sử tới hiện tại

Năm ngoái, một phần tư tổng số hạt giống bị loại ngay từ vòng 1. Và một nửa số tay vợt hạt giống còn lại cũng chỉ trụ lại được cho tới vòng ba.

Năm 2011, cũng lại có tới 20 tay vợt hạt giống bị loại từ vòng ba hoặc sớm hơn.

Thực ra, thích ứng với Grand Slam trên sân cỏ là một thử thách trải dài theo năm tháng. Mặt sân càng nhanh càng dễ tạo bất ngờ, bởi đôi khi các tay vợt chỉ cần giao bóng tốt là họ đã có cơ hội. Hoặc khi các tay vợt lớn thi đấu dưới sức, họ sẽ dễ dàng phải trả giá.

Một trong những cú sốc vĩ đại nhất của lịch sử Wimbledon là trận thua của tay vợt từng được coi là số 1 mọi thời đại trên mặt sân cỏ, Pete Sampras ngay từ vòng 2 ở Wimbledon 2002 bởi một tay vợt vô danh, George Bastl trên sân số 2.

Vòng đấu năm ấy, danh sách những người thua thảm không dừng lại ở đó. Andrea Agassi cũng thất bại trước Srichaphan, người khi ấy mới chỉ xếp thứ 67 ATP rồi sau này mới trở thành người châu Á đầu tiên và duy nhất cho tới nay lọt vào top 10 thế giới. Và hạt giống số 2 Marat Safin sau đó cũng bị loại bởi tay vợt người Bỉ Oliver Rochus khi đó chỉ xếp 63 thế giới khi thi đấu trên sân trung tâm.

Đêm qua Oliver Rochus ngồi trên khán đài, trong khu kỹ thuật của Steve Darcis, không chỉ cổ vũ tinh thần, mà anh còn kín đáo đưa ra những chỉ dẫn để tay vợt người đồng hương tạo nên một trong những cuộc lật đổ ngoạn mục nhất trong lịch sử giải đấu này khi thắng Nadal chỉ sau ba set.

Thất bại này còn hơn cả một sự gợi nhớ tới trận thua đau của Nadal ngay từ vòng hai năm ngoái trước Lukas Rosol cũng ở Wimbledon. Nếu như năm 2012 Nadal còn thắng được hai set, thì lần này anh thua 6-7, 6-7 và 4-6.

Thích ứng trên sân cỏ là công việc đầy thách còn được nhìn nhận trên góc độ khác nữa, là những người đã vô địch Roland Garros thường hiếm khi vô địch được Wimbledon trong cùng một năm.

Đó chính là lý do tại sao, kể từ thời của Bjorn Borg tới nay, mới chỉ có hai người vô địch được Roland Garros rồi lại vô địch tiếp Wimbledon trong cùng một năm, Nadal là người đầu tiên vào năm 2008 và Federer năm 2009.

Pete Sampras, nạn nhân của cú sốc nói trên, cũng chưa bao giờ làm được điều đó, và khiến cho anh ngay lập tức bị hạ bệ khỏi danh hiệu tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại ngay khi Federer san bằng kỷ lục 14 Grand Slam bằng việc đăng quang ở Roland Garros 2009.

Khi Nadal làm "bò tót trên sân băng" - 1

Nadal sớm phải dừng cuộc chơi vì không còn là chính mình trước Darcis

Darcis - kẻ hủy diệt những gã khổng lồ

Nadal đã rất cẩn trọng khi biết rằng anh sẽ đụng phải Darcis ngay từ vòng một. Tay vợt đã bước qua tuổi 29 người Bỉ dù chỉ xếp hạng 135 thế giới, nhưng lại là một sát thủ của những tay vợt lớn, một khi anh được chơi trên mặt sân có tốc độ bóng đi nhanh.

Olympic London 2012 chưa xa, Darcis hạ Tomas Berdych, người trong gần nửa thập kỷ qua luôn có mặt trong top 10 thế giới và đã vào tới chung kết Wimbledon 2010.

Trong cuộc họp báo trước giải, Nadal nói rằng Darcis là một tay vợt toàn diện, tức là không có điểm yếu, dù cho anh cao chưa tới 1m8 và lại chơi trái một tay (thần tượng Sampras và coi Rochus là người có ảnh hưởng tới sự nghiệp của anh).

Nadal còn nói không khách sáo rằng, anh sẽ phải chơi thứ tennis giàu tính chiến đấu ngay từ đầu trận đấu.

Rõ ràng là Nadal đã không chủ quan với thông số từ đầu năm mới chỉ thắng 2 trận và thua 6 trận trong khuôn khổ ATP của Darcis.

Và những dự cảm của Nadal nhanh chóng trở thành hiện thực. Nadal chỉ có hai điểm break point trong khi Darcis có tới tám cơ hội bẻ gãy game giao bóng của Nadal trước khi hai tay vợt bước vào lọat tiebreak trong set 1.

Darcis giao bóng không mạnh nhưng chính xác tới từng centimet, đặc biệt là khi anh nhằm vào góc chữ T. Darcis không ngại bung trái đôi công với cú thuận tay của Nadal và những cú thuận tay của Darcis là mẫu mực cả về điểm tiếp bóng (anh ôm sân đón bóng nảy cao) lẫn tính chiến thuật. Cú cắt trái của Darcis cả khi trả giao bóng cũng như trong các loạt đôi công ở cuối sân gợi nhớ lại cách mà Steffi Graf (24 Grand Slam) thực hiện cách nay hơn một thập kỷ ở các giải nữ.

Kỳ diệu hơn tất thảy là tâm lý của Darcis. Anh điềm tĩnh như thể mình là một tay vợt lớn, không run rảy khi đứng trước cơ hội chiến thắng ở các set và cả trận đấu. Anh không nao núng khi bị bẻ gãy game giao bóng ở thời điểm quyết định (tỉ số 5-6 trong set hai, hay trước đó bị bẻ gãy game ở set một với tỉ số 6-6 rồi vẫn chơi loạt tiebreak hoàn hảo).

Khi Nadal làm "bò tót trên sân băng" - 2

Darcis đã có một trận đấu hoàn hảo từ cú quả cho đến chiến thuật thi đấu

Nadal chỉ là cái bóng của anh

Nhưng, nếu Nadal không có vấn đề, có lẽ bất cứ ai nằm ngoài top 10 cũng không thể thắng nổi anh dù cho họ chơi với tất cả khả năng.

Nadal trong trận đấu với Darcis trên sân cỏ không khác gì chú bò tót bị thả vào sân băng, như cách ví von mà Maria Sharapova từng tự nhận xét về mình khi cô thi đấu và di chuyển vụng về trên mặt sân không phải sở trường, sân đất nện.

Sự chậm chạp của Nadal và các bước di chuyển không hợp lý của anh trên mặt sân cỏ ở Wimbledon trái ngược hoàn toàn so với sự linh hoạt, mạnh mẽ của chính anh trên mặt sân đất nện khi anh đánh bại Novak Djokovic chỉ cách đây hai tuần.

Ở trên sân cỏ, Nadal buộc phải đứng gần vạch baseline hơn dù cho vị trí anh chọn vẫn là quá xa so với các chuyên gia sân cỏ khác hoặc cả khi so với Darcis. Vị trí ấy không dễ cho anh tấn công.

Ở trên sân cỏ, bóng của Nadal không nảy cao như ở đất nện, và các cú nhồi trái của anh trở nên vô hiệu.

Ở trên sân cỏ, bóng đi rất nhanh và chuội, nên Nadal, một bậc thầy về né trái đánh phải đã nhiều lần thiếu chân ở kỹ năng này và mắc lỗi liên tục, trong khi anh lại không đủ tự tin trong việc sử dụng cú trái.

Người viết từng nói rằng, Nadal thường gặp khó khăn ở những vòng đầu và chỉ là chính mình khi anh tiến vào sâu sau khi đã thích nghi được với mọi sự thay đổi của sân cỏ. Hôm qua là như vậy (và Nadal không vượt qua được), do mặt cỏ của sân Wimbledon chưa bị giày xéo nhiều nên tốc độ bóng rất nhanh (sang tuần thứ hai, trụi cỏ và đôi khi bóng chậm và nảy cao như sân đất nện)

Nhưng mọi thử thách ấy Nadal đã từng trải nghiệm và vượt qua rồi. Kể cả cách xử lý bóng cận chân, như cách anh ứng phó với các cú trả giao bóng sâu của Djokovic ở Roland Garros 2013.

Tương tự là những sự chuẩn bị quen thuộc. Một ngày trước trận đấu, Nadal đã có buổi tập với người bạn thân của anh, tay vợt người Argentina, Juan Monaco. Họ dành riêng ra 30 phút để chơi một trận đấu mà cả hai chỉ được sử dụng cú cắt bóng. Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một trận đấu trên mặt sân đất nện. Nhưng, một trong số 24 lỗi tự đánh hỏng của Nadal và là lỗi chí mạng lại là cú cắt trái đơn giản khi anh đang có set point trong set thứ hai.

Hai tuần trước giải đấu, Nadal không chơi ở Gerry Weber như dự kiến để dành thời gian hồi phục. Và một tuần trước giải đấu, Nadal tuân thủ nguyên tắc của anh và ông chú Toni Nadal đã đề ra trong suốt một thập kỷ qua: không thi đấu để lấy điểm rơi cho Grand Slam.

Nhưng Nadal quá chậm chạp, nặng nề như thể anh đã vắt kiệt sức ở chín giải đấu trước đó (tám đất nện, chín trận chung kết và bảy danh hiệu). Anh không thể tung ra các cú bóng đủ uy lực, đủ độ sâu để hóa giải Darcis luôn đứng ôm sân.

Và ở trận đấu ấy còn là một hình ảnh không quen thuộc khác của Nadal từng nổi tiếng về ý chí: Anh gần như buông trong set ba (bị bẻ ngay game đầu), sau khi đã tỏ ra nản chí khi bỏ lỡ những cơ hội để xoay đổi thế cục trận đấu ở set hai.

Thất bại này khó làm cho những ai theo dõi tennis qua một quá trình coi Nadal thực sự là "con bò tót" trên sân băng. Vì anh đã lọt vào tới bốn trận chung kết và vô địch hai lần ở Wimbledon, trong đó có cuộc lật đổ Federer khi huyền thoại Thụy Sĩ ở đỉnh cao phong độ (năm 2008) - giàu thành tích thứ hai trong số các tay vợt đương đại.

Nhưng, nó lại gợi nhớ lại năm 2012 khi Nadal thua và phải nghỉ suốt bảy tháng sau đó vì chấn thương đầu gối. Liệu có thể tin rằng việc Nadal đã phải tiêm vào đầu gối thứ thuốc chống viêm nhiễm trước khi bước vào thi đấu cũng chỉ giống như bao lần khác các bác sĩ đã làm cho anh (trước trận chung kết Wimbledon 2008 cũng thế)?

Sự hoài nghi và lo lắng mới chính là vấn đề lớn nhất từ Nadal lúc này, chứ một trận thua sốc suy cho cùng cũng chỉ "đẻ" ra những nỗi thất vọng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Wimbledon 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN