Khi không ai "với tới" Djokovic
Djokovic hiện đã tạo nên một khoảng cách bao xa so với những tay vợt hàng đầu khác?
Sự cải thiện đó vẫn được duy trì khi gặp Djokovic, thậm chí trong trận chung kết tốc độ nói trên là 151kmh. Nhưng tỉ lệ ăn điểm bóng hai của Murray cả trận đấu chỉ là 35%, set 1 tệ nhất là 20% còn set 2 và 3 là 36,8 và 37,5%. Tất cả đều thấp hơn so với tỉ lệ trung bình 48,6% của Murray ở các giải đấu và trước mọi đối thủ.
Vấn đề là Djokovic trả giao bóng xuất sắc. Thế nên, Murray vốn có tâm lý không tốt lại muốn có những cú giao bóng có điểm rơi khó hơn bình thường để không bị phản đòn. Như ở loạt tiebreak của set 3. Murray thực hiện hai cú giao bóng hai nhằm thẳng vào người Djokovic và sâu, nhưng cả hai lần đều là lỗi kép.
Như vậy là Djokovic đã đánh bại cả số 2, số 3 và số 7 thế giới trên con đường vô địch Australian Open lần thứ sáu. Tất nhiên là thể thức bốc thăm phân nhánh loại trừ cơ hội để số 1 thế giới gặp đủ các hạt giống hàng đầu ở một giải, nhưng ngay cả khi có một kết quả bốc thăm khó khăn hơn thì đánh bại Djokovic ở Grand Slam tại thời điểm này là cực khó.
Nole đang trên đường trở thành tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại
Djokovic ở một tầm rất xa
Wawrinka, số 4 thế giới rõ ràng không có được phong độ tốt nhất nữa. Anh nổi lên trong hai năm gần đây và có lẽ đó là lý do mà ít người chú ý tới một hạn chế là nay anh đã 31 tuổi (sinh tháng 3/1985).
Milos Raonic, tay vợt chơi ấn tượng nhất Australian Open năm nay đã thực sự chín về lối chơi, cải thiện mọi kỹ năng, từ trái, thuận tay tới trả giao bóng rồi tràn lưới, nhưng điều quan trọng nhất để được tôn vinh ở Grand Slam phải là thể lực thì anh vẫn cần tích lũy thêm nữa.
Rafael Nadal sau trận chung kết thua Djokovic ở Dubai có nói rằng, để đánh bại được tay vợt người Serbia thì ai đó cần phải chơi rất điên rồ, hoặc Djokovic gặp chấn thương.
Nhưng Djokovic lại quá dẻo dai để vượt qua những trở ngại về thể lực. Trong năm năm qua, có một lần Djokovic bị chấn thương nhẹ ở cổ tay, rồi sau đó cũng trở lại trong trạng thái hoàn hảo. Cách đây 2-3 năm, đôi khi Djokovic tưởng như bị lật cổ chân sau những tình huống đổi hướng đột ngột, nhưng chỉ sau vài tích tắc, mọi thứ lại ổn thỏa.
Djokovic lại quá bản lĩnh và đủ tinh quái để có thể chế ngự tâm lý đối phương. Mà tennis là cuộc chơi của tâm lý. Sự tự tin làm Djokovic trở nên đáng gờm hơn, thoải mái thi triển kỹ năng trong khi các tay vợt khác thì bối rối, hoang mang nên việc chơi đúng với năng lực của họ là thách thức.
Sự vượt trội của Djokovic so với phần còn lại có lẽ được phản ánh khá chính xác qua số điểm trên bảng xếp hạng ATP. Khoảng cách 7.845 điểm mà Djokovic tạo ra với Murray (16.790/8.945) là một kỷ lục giữa số 1 và số 2 tính từ thời điểm ATP bắt đầu nhân đôi số điểm thưởng ở các giải đấu. Khoảng cách lớn nhất trước đó được ghi nhận là khi Federer hơn Nadal khoảng 3.500 điểm, tương đương với khoảng 7.000 điểm hiện nay.
Khoảng cách ấy làm người ta tin rằng khoảng cách về tổng số danh hiệu Grand Slam của Djokovic (11 danh hiệu) với những người đứng trên anh có thể được thu hẹp nhanh chóng.
Sánh ngang với tiền bối Roy Emerson với 12 danh hiệu có lẽ không phải là mục tiêu cuối cùng. Mà cái đích khả thi là 14 danh hiệu của Nadal và Sampras, trước khi mơ tới cột mốc rất cao và rất xa được tạo bởi Federer là 17 danh hiệu.