Khi Federer "bắn mũi tên" về phía Nadal

Có vẻ như Federer cần phải dùng cả “võ miệng” để dọn đường cho trận tái đấu với Nadal trên mặt sân cỏ.

Từ câu chuyện “mất view” và luật chơi

Một ai đó trong cuộc họp báo ở Wimbledon đã hỏi Federer về vấn đề thời gian để chuẩn bị cho cú giao bóng của Nadal sau khi Lukas Rosol đã khơi gợi vấn đề cũng trong một cuộc họp báo. Nếu như Rosol lôi vấn đề ấy ra sau một trận thua thì Federer tiếp nối để hy vọng có một trận thắng.

Chính bởi thế Federer khi được hỏi đã như được gãi đúng chỗ ngứa, đã công khai chỉ trích đích danh Nadal, và nhìn nhận vấn đề trên mấy góc độ.

Thứ nhất là “mất view”, làm giảm tỉ lệ khán giả xem truyền hình. Federer nói rằng bản thân anh cũng không kiên nhẫn để có thể xem cả trận. Chậm đưa bóng vào cuộc khiến Federer với tay lấy điều khiển chuyển kênh.

Thứ hai là thiếu công bằng, vì luật quy định không có loại trừ với bất cứ tay vợt nào.

Thứ ba là cần phải có một cái đồng hồ bấm giờ hiện diện trên sân để thực thi luật.

Vậy, có thật là “mất view” hay không khi các khán giả xem Nadal đồng nghĩa với việc phải xem anh ta vén tóc, móc quần, quệt mũi trước mỗi lần giao bóng?

Câu trả lời là không, nếu nhìn vào chỉ số theo dõi truyền hình của các kênh phát sóng trực tiếp các trận có Nadal. Trận chung kết Australian Open 2012 lập kỷ lục trận chung kết dài nhất giữa Nadal và Djokovic (5 tiếng 53 phút) là một trong những trận có tỉ lệ theo dõi  trực tiếp qua truyền hình lớn nhất ở Mỹ.

Vi phạm luật đôi khi là một phần tất yếu của cuộc chơi, và có thể được chấp nhận ở một mức độ nhất định.

Bất cứ trọng tài nào đưa ra cảnh báo cho một tay vợt “câu” khoảng 10-20 giây sau khi anh ta vừa thực hiện loạt “rally” với 20 lần chạm vợt mỗi người, di chuyển ngót nghét 100m đều bị coi là cứng nhắc.

Khi Federer "bắn mũi tên" về phía Nadal - 1

Federer ám chỉ Nadal luôn ''câu giờ'' mỗi khi anh thực hiện động tác giao bóng

Có lẽ, một bộ phận nào đó trong số người hâm mộ, dù xem trực tiếp hay ngồi trước màn hình (nhất là những người chơi tennis một cách nghiêm túc) cũng chấp nhận điều đó với thái độ tích cực.    

Trước câu hỏi rằng giữa hai trận đấu, một diễn ra rất nhanh với các đường bóng tốc hành với một diễn ra chậm hơn với nhiều pha đôi công, thì người hâm mộ trung lập chọn trận đấu nào hẳn mỗi chúng ta cũng có câu trả lời cho riêng mình. 

Hay luật của ATP quy định cho các giải nằm trong hệ thống ATP Tour là thời gian giữa hai điểm là 25 giây, còn luật của ITF (Liên đoàn Quần vợt Thế giới) quy định cho các giải Grand Slam là 20 giây cũng có những ý nghĩa đáng để xem xét. 

Ở đây có vẻ như phi logic khi những giải đấu chơi theo thể thức năm set thắng ba lại có thời gian nghỉ ngắn hơn các giải đấu ba set thắng hai. Nhưng ITF và ATP là hai tổ chức khác nhau và họ chưa bao giờ có ý định phải tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Và chính sự khác biệt này lại chỉ ra một điểm, rằng giới hạn thời gian cũng chỉ là tương đối.

Chính bởi thế, ngay từ đầu mùa 2014, thời điểm mà các tổ chức quản lý quần vợt đều siết chặt luật thời gian giữa hai điểm, thì các trọng tài vẫn được khuyến khích áp dụng nó một cách mềm dẻo. 

Bài của Vua sân cỏ?

Federer từng lấy phòng họp báo làm cơ hội để tấn công Nadal về chuyện vi phạm luật thời gian giữa hai điểm năm 2012. Huyền thoại người Thuỵ Sĩ nói “Tôi không tưởng tượng được làm thế nào mà bạn lại có thể đấu với Nadal trong một trận đấu kéo dài bốn tiếng mà người ta lại không phạt Nadal lấy một lần”.

Kể từ đó tới nay, tần suất Federer chỉ trích Nadal trở nên thường xuyên hơn và gay gắt hơn, dù cho cựu số 1 thế giới thường cũng chỉ sắm vai một khán giả truyền hình trong những trận đấu mà truyền thông đề cập và muốn anh đánh giá. 

Những chỉ trích này là chuyện cực hiếm trong giai đoạn 2010 trở về trước, dù quãng thời gian ấy, Federer gặp Nadal thường xuyên hơn, và bản thân phong cách của Nadal gần như không đổi – vẫn rất nhiều thủ tục trước khi giao bóng. 

Vậy, đằng sau các cuộc tấn công trong phòng họp báo ấy của Federer là gì? Để anh muốn ATP và ITF trở nên công bằng hơn? Có lẽ là không.

Federer chưa bao giờ được các tay vợt khác đánh giá cao trên cương vị đại diện cho các tay vợt trong Hội đồng VĐV. Anh hoàn toàn đứng ngoài các cuộc chiến đòi hỏi tăng tiền thưởng cho những vòng đấu đầu tiên để các tay vợt nằm ngoài top 50 có thể sống được với nghề. Và anh cũng chưa bao giờ đứng ra ủng hộ các tay vợt  kéo dài thời gian nghỉ giữa hai mùa giải. 

Mũi tên mà Federer nhắm đến liệu có phải là để đón đầu một cuộc chạm trán với Nadal ở bán kết Wimbledon, nơi mà lần cuối cùng họ gặp nhau là trận chung kết năm 2008?

Khi Federer "bắn mũi tên" về phía Nadal - 2

Có vẻ như Federer đang dùng “võ miệng” để dọn đường tái đấu với Nadal trên mặt sân cỏ

Nadal và Federer đã ở cùng một nhánh bốc thăm. Cả hai đã vượt qua ba vòng đấu với mức độ thuyết phục khác nhau. Federer chơi theo phong cách của tàu tốc hành, chưa để thua set nào. Còn Nadal cả ba trận đều thua set đầu, rồi sau đó mới bốc lên để thắng liền ba set tiếp theo.

Federer ở vòng bốn gặp Tommy Robredo, người đã chiến thắng trong cuộc chạm trán ở vòng bốn US Open 2013. Sân cỏ khác đất nện và sự ổn định của Federer vẫn ấn tượng hơn so với tay vợt cũng đã ngoài băm người Tây Ban Nha. Sẽ là bất ngờ nếu Federer không thể đi tiếp, thậm chí không thể vào tới bán kết.

Nadal ở vòng này gặp Kyrgios (người Úc), tay vợt mới 19 tuổi, đầy tiềm năng với lối chơi tấn công bóng bạt mạnh mẽ. Kyrgios có thể tận dụng ưu thế thể hình để hoá giải phần nào các cú bóng xoáy của Nadal, và giao bóng chiếm ưu thế. Nhưng khi cỏ ngày càng trụi đi (giúp nadal di chuyển thoải mái hơn, và bóng nảy cao hơn) và càng đi sâu, Nadal càng ổn định (từ năm 2006 tới nay, cứ sống sót đến tuần thứ hai, Nadal đều vào tới chung kết), thì Nadal sẽ tiến đến gần Federer hơn.

Một cuộc đối đầu giữa họ sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử tennis có một trận đấu giữa một người nắm trong tay 17 chức vô địch với một người có 14 danh hiệu Grand Slam.

Giữa họ giờ đây không còn là những người bạn nữa. Giữa họ giờ đây không cần phải giữ thái độ ngoại giao nữa. 5 trận liên tiếp Federer thua Nadal (Lần cuối cùng Federer thắng cách nay đã hơn 2 năm) thì Vua sân cỏ có cay mũi cũng là dễ hiểu bởi huyền thoại cũng chỉ là người. Cũng như Nadal đã thay đổi thái độ với Djokovic sau khi anh gần như đã mất tất cả vào tay đối thủ trong năm 2011 và đầu 2012 (đúng như cáo buộc của cha Djokovic).

Gây được dù chỉ một chút sức ép tâm lý lên Nadal, buộc các trọng tài phải áp luật một cách chặt chẽ đặng mang lại một vài phần trăm cơ hội chiến thắng, phải chăng Federer đang tranh thủ phóng ra những mũi tên từ phòng họp báo là vì thế?

Video Federer đánh bại Giraldo tại vòng 3 Wimbledon 2014:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN