Khi Djokovic lại làm siêu nhân

Đúng, đó là cách tốt nhất để kết thúc một mùa giải như Djokovic đã nói khi anh đè bẹp Nadal trong trận chung kết World Tour Finals.

Tỉ số 6-3, 6-4 không phản ánh hết sự vượt trội của Djokvic. Còn những con số khác cho thấy sự áp đảo khủng khiếp của tay vợt số 2 so với số 1.

Chẳng hạn, khi Nadal mới chỉ có một cú winner sau năm game đấu, Djokovic đã có tới sáu cú winner rồi. Cú winner của Nadal lại chỉ là một pha trả giao bóng từ cú trái hai tay tương đối bất ngờ. Còn sáu cú winner của Djokovic có cả trái tay lẫn thuận tay, cả dọc dây lẫn chéo sân.

Hoặc như chúng ta có thể hiểu, tennis không phải là đấm bốc, nhưng một khi ai đó tạo nên khoảng cách quá lớn về điểm số giành được trong cả trận đấu, thì kẻ thua cuộc chẳng có điểm tựa nào để tự bào chữa: Nadal chỉ giành được 52 trong tổng số 119 điểm của trận đấu, ít hơn Djokovic tới 15 điểm.

Khi Djokovic lại làm siêu nhân - 1

Djokovic xuất sắc hơn Nadal về mọi mặt trong trận chung kết World Tour Finals

Và thêm cả những con số không lẻ tẻ chút nào nữa: Djokovic có tới 11 cơ hội để bẻ gãy game của Nadal, tận dụng thành công ba, trong khi Nadal chỉ có ba, và tận dụng được một.

Lý do có thể được nhắc tới đầu tiên từ phía Nadal là một khi người ta thả anh vào trong một cái sân có mái che, tay vợt người Tây Ban Nha chỉ là cái bóng của anh.

Đúng. Trong tổng số 60 lần đăng quang kể từ khi chơi chuyên nghiệp năm lên 15 tuổi, Nadal mới chỉ có hai danh hiệu đoạt được khi tham gia các giải đấu trong nhà. Cái đầu tiên cách nay tám năm, ở Madrid trên sân cứng. Và cái thứ hai là mới đây, tại Brazil năm 2013 trên mặt sân... đất nện.

Nhưng không hẳn. Nadal đã thắng bốn tay vợt top 10 trong tuần qua cũng ở sân trong nhà, trong đó anh thắng Ferrer giống như đã từng làm trong các lần họ gặp nhau ở sân đất nện hay sân cứng ngoài trời. Nadal cũng bảo vệ được thành tích chưa từng thua Wawrinka một set đấu sau gần một thập kỷ chạm trán. Nadal chỉ mất một set vào tay Berdych, người chơi bóng bạt rất hay. Và Nadal đã thắng đơn giản Federer, người từng là Vua sân trong nhà và đã cải thiện cả tâm lý lẫn phong độ trong vòng gần một tháng qua.

Trước trận chung kết, ca tụng khả năng thích nghi, hay nói đúng hơn là sự tiến bộ của Nadal khi thi đấu sân trong nhà có nhiều người, trong đó có Federer, và chính bản thân Nadal. Anh khẳng định, khi anh chơi tốt, anh vẫn có thể thành công.

Nadal thua toàn diện trước Djokovic trong lần thứ 39 (22-17, nhiều nhất thế giới) còn bởi Djokovic đã chơi một trận đấu gần như hoàn hảo, tự tạo cho mình hàng loạt các chìa khóa để mở ra cánh cửa chiến thắng.

Chìa khóa 1 của Djokovic: trả giao bóng

Trước giải đấu, Djokovic có tự nói về bản thân, rằng anh như trở lại với năm 2011. Đây chính là một trận đấu như thế (chứ không phải ba trận vòng bảng, hay tại Bắc Kinh và cũng chẳng phải Thượng Hải dù anh đều vô địch tại đó).

Suốt ba năm qua, thế giới tennis chứng kiến và tôn vinh cú trả giao bóng của Djokovic ở vị trí số 1 trong lịch sử (vượt lên cả Agassi), chúng ta cũng được chứng kiến nó ngay từ những giây phút đầu tiên của trận đấu.

Đó là lý do tại sao Nadal đối diện với ba break point ngay trong game đầu tiên anh cầm giao bóng. Nadal thậm chí có hai cú giao bóng đầu tiên cực tốt, nhưng các cú trả giao bóng của Djokovic đều cắm vào vạch cuối sân. Và chỉ cần tới điểm thứ hai, Djokovic đã tận dụng được.

Djokovic không chỉ trả bóng siêu hạng trong vài thời điểm, mà gần như xuyên suốt cả trận. Điều này khiến cho Nadal dù giao bóng một vào sân tới 73% nhưng lại chỉ ăn điểm được 26 lần trong 45 lần thành công đó. Và các cú giao bóng hai nhằm thẳng vào người Djokvic cũng không phát huy tác dụng như trước (chỉ ăn điểm 30%).

Và điều này cũng khiến Nadal mắc tới bốn lỗi giao bóng kép, trong đó có tình huống anh bị bẻ giao bóng ở game thứ tám của set một. Cụ thể hơn, Nadal phải đẩy tốc độ cú giao bóng hai lên rất cao với hy vọng không bị Djokovic tấn công trở lại ngay từ cú trả giao bóng.

Bảng điện tử trên sân có lần ghi nhận cú giao bóng hai của Nadal lên tới 93mph (150kmh) - một chỉ số hiếm gặp từ tay vợt người Tây Ban Nha, bóng đi ra ngoài, và là một lỗi kép. 

Khi Djokovic lại làm siêu nhân - 2

Nole trả giao bóng cực kỳ xuất sắc

Chìa khóa 2 của Djokovic: Đẩy Nadal vào thể khủng hoảng tâm lý

Suốt ba năm qua, khi Djokovic nổi lên như một thế cực trong số ít các tay vợt hàng đầu, người ta nhớ tới anh điều gì nhất? Chắc chắn phải có chuỗi bảy trận liên tiếp thắng Nadal từ 2011 cho tới 2012.

Nadal đã trả lại món nợ ấy từ các trận thắng trong năm 2013 và trước đó là trận chung kết Roland Garros 2012.

Nhưng trả xong không có nghĩa là không còn ám ảnh. Khi Nadal chứng kiến một Djokovic-siêu-nhân trở lại, anh không thể không bối rối.

Giờ thì có thêm cơ sở đề suy luận rằng anh đã thua Ferrer trong trận bán kết ở Paris Masters cách đây gần chục ngày có một trong các lý do, là không muốn đối đầu quá sớm và liên tục với Djokovic ở trận chung kết. Thua liền hai trận (đã thua ở Bắc Kinh) là một phát súng bắn vào niềm tin trước khi phải vượt qua Djokovic để đạt mục tiêu: Lần đầu vô địch World Tour Finals. 

Nhưng chạy trời không khỏi nắng. Bị bẻ game giao bóng từ rất sớm, Nadal hoàn toàn bị động trong trận chung kết ở London. Set hai, Nadal cũng bị bẻ game ở tỉ số 1-2.

Sau cả hai thời khắc ấy, Djokovic chơi bóng càng tự tin hơn, thanh thoát hơn và hầu như không có một chút bối rối nào cả khi bị Nadal bẻ một game ở trong set một.

Và cũng như một hệ quả tất yếu, Nadal chỉ có vài đường bóng là giống của anh, như cú smash ở thế lưng xoay về phía đối thủ, hay cú passing trái tay chéo sân, rồi cú bỏ nhỏ "mắt lác".

Cần phải nhắc thêm một điều nữa, là Nadal không thể gượng nổi dậy dù cho khán giả ở London ủng hộ anh nhiều hơn so với sự cổ vũ dành cho Djokovic.

Chìa khóa 3 của Djokovic: Làm Nadal thối chí

Ở game bị bẻ gãy khi cầm giao bóng ở set hai, Nadal không mắc lỗi giao bóng kép nữa. Nhưng vẫn là trong tình thế 0-40, bởi những pha phòng thủ kinh điển của Djokovic đã khiến cho anh bất lực trong nỗ lực tấn công để thay đổi thế trận.

Trong số ba điểm Nadal mất đó, có hai lần anh đánh ra ngoài (lỗi tự đánh hỏng) khá dễ dãi. Cả hai lần đó, Nadal đều né trái đánh phải chéo sân, bóng gần như liếm vào góc vuông cuối sân nhưng Djokovic vẫn đáp trả cực khó, bóng vừa xoáy, vừa mạnh, và có điểm rơi gần sát vạch cuối sân.

Djokovic đã làm cực tốt điều mà chú và là HLV của Nadal đã dạy tay vợt người Tây Ban từ tấm bé, là hãy buộc đối thủ phải ra đòn thêm vài đường bóng nữa và khi đó, đối thủ sẽ tự dâng điểm (và chiến thắng).

Điều kỳ diệu là Djokovic phòng thủ ở tư thế anh luôn ôm sân, chứ không phải lùi sâu như Nadal vẫn làm bao năm qua. Vị trí không tưởng ấy giúp Djokovic chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công cực nhanh, và khi Nadal tạo ra các đường bóng không đủ dài, Djokovic đều bước vào sân để ra tay.

Và nếu cần thêm một dẫn chứng nữa, thì nó là pha bóng mà những ai mê Djokovic nếu không được xem tình huống ấy sẽ phải nuối tiếc: Anh di chuyển cực nhanh từ đầu bên này sang đầu bên kia để cứu quả volley rất siết của Nadal, tạo ra cú lốp buộc đối thủ phải lật ngược trở lại, rồi chiến thắng trong pha chơi cầu lông ở trên lưới.

Khi Djokovic lại làm siêu nhân - 3

Chiến thắng hoàn toàn xứng đáng của Djokovic

Chìa khóa 4 của Djokvic: Nadal tự trao cho đối thủ

Bên cạnh sự xuất sắc của Djokovic, sai lầm duy nhất về mặt chiến thuật của Nadal trong trận đấu này chỉ là việc anh chọn vị trí trả giao bóng: Nadal đã dùng bài trên sân đất nện để dùng cho sân cứng cực nhanh, đó là đừng lùi sâu.

Trên mặt sân nhanh, những cú giao bóng ra mang càng làm cho việc đứng lùi sâu trở nên khó khăn hơn. Nadal vất vả ngay cả trong việc đưa vợt chạm vào bóng ở các pha giao bóng đúng ý đồ của Djokovic, chứ chưa nói tới việc trả giao bóng khó.

Sự lựa chọn này đi ngược lại hoàn toàn những gì Nadal đã làm trong năm nay, trước tất cả các đối thủ, như cách anh đứng ôm sân trả giao bóng ở US Open, rồi vòng bảng World Tour Finals. Ngay cả khi đối đầu với Federer, Nadal cũng điều chỉnh qua từng thời điểm cực tốt, bằng cách đứng lùi ở ô chẵn (số 1), rồi ôm sân ở ô điểm lẻ (số 2).

Dẫu vậy, với Nadal, anh có thể tiếc vì lần thứ hai lỡ cơ hội đăng quang ở World Tour Finals (lần đầu vào chung kết thua Federer năm 2010), thì thất bại này cũng là điều được báo trước.

Như ở bài viết trước, World Tour Finals quả đúng là giải đấu không có người thất bại. Nadal chưa bao giờ là chính anh ở giai đoạn cuối mùa (tính từ sau US Open). Và anh có thể an ủi bằng niềm vui lớn - kết thúc năm với vị trí số 1. Còn Djokovic, anh luôn là người xuất sắc trong giai đoạn này (trừ phi anh đã quá no nê thành tích trước đó) để gặt hái các danh hiệu: Lần thứ ba lên ngôi giải tám cây vợt xuất sắc, nhưng trong năm 2011 vĩ đại thì cũng thất bại ở đây. 

Ngay cả Federer, người dừng bước ở bán kết cũng có niềm tin ở mùa giải tiếp theo.

Năm sau sẽ là một năm khác... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
ATP World Tour Finals 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN