Trận đấu nổi bật

yoshihito-vs-carlos
Australian Open
Yoshihito Nishioka
0
Carlos Alcaraz
3
novak-vs-jaime
Australian Open
Novak Djokovic
3
Jaime Faria
1
kei-vs-tommy
Australian Open
Kei Nishikori
1
Tommy Paul
3
alejandro-vs-felix
Australian Open
Alejandro Davidovich Fokina
3
Felix Auger-Aliassime
2
casper-vs-jakub
Australian Open
Casper Ruud
1
Jakub Mensik
3
pedro-vs-alexander
Australian Open
Pedro Martinez Portero
0
Alexander Zverev
3
paula-vs-talia
Australian Open
Paula Badosa
2
Talia Gibson
0

Khi Djokovic "bật" Federer

Chỉ vì chơi không tốt trong vài đường bóng quyết định mà Federer đã đánh mất cơ hội vô địch ATP World Tour Finals lần thứ bảy trước một Djokovic tiếp tục chứng tỏ tài lội ngược dòng.

Trong số những khoảnh khắc quyết định của từng game đấu và trận đấu, thì điểm số cuối cùng là lúc Federer chơi hay nhất, với sự quyết đoán khi dấn từng bước vào trong sân, và tự tin mở rộng góc đánh thêm từng tấc. Tiếc cho Federer nhưng lại mừng cho Djokovic, người trong cả trận đấu đã từng nhiều lần cho mọi người thấy cơ thể anh như thể được đúc bằng cao su, đã vươn hết cỡ mà vẫn tung ra được cú passing trái tay đi từ ngoài sân vào trong vừa mạnh vừa chính xác.

Điểm số thứ 191 ấy đã khép lại trận chung kết thực sự xứng đáng để khép lại mùa ATP 2012 với chiến thắng thuộc về Djokovic với tỉ số 7-6 (6), 7-5.

190 điểm trước đó, Federer giành 95 điểm và Djokovic cũng chỉ giành được đúng ngần ấy số điểm. Nó là một trong những chỉ số cho thấy trận chung kết giữa số 1 và số 2 thế giới ở thời điểm hiện tại là tương đối cân bằng. Và như chúng ta đã thấy biết bao lần, từ các cuộc thư hùng giữa những ngôi sao hàng đầu, đặc biệt là bộ Tứ, thắng thua chỉ được phân định thông qua một vài điểm số.

Khi Djokovic "bật" Federer - 1

Federer bị khai thác triệt để những quả trái một tay

Federer đã thua hầu hết những điểm như thế, ngoại trừ hai đường bóng. Đầu tiên là cú thuận tay chéo sân buộc Djokovic phải đánh rúc lưới khi Djokovic cầm giao bóng ở tỉ số 5-4 set 1, để cân bằng tỉ số 5-5.

Tiếp theo là trong loạt tiebreak gồm 14 điểm, Federer cũng lại chỉ chơi xuất thần ở một pha bóng: Khi Djokovic lên lưới chống cú bắt volley ngắn, anh đẩy bóng vặn lưng Federer thì bất ngờ huyền thoại người Thụy Sĩ di chuyển ngược lại tung ra cú líp bóng ở một vị trí cực khó (gần như lưng xoay lại phía lưới).

Thực ra, Federer đã có những cơ hội rất lớn để thắng trận chung kết này. Từ việc anh dẫn trước 3-0 trong set 1, rồi 3-1 trong set 2, hay 40-15 ở game thứ mười mà anh đang cầm giao bóng để thắng set 2 và lôi Djokovic vào set đấu thứ ba.

Federer thua trong những khỏanh khắc quyết định

Vậy điều gì đã khiến một người như Federer lại không thể bước ra khỏi "quỹ đạo chết" sau khi đã mở ra được những ngả đường chiến thắng, tương tự như Murray, Tsonga và Del Potro khi đối đầu với Djokovic ở ngay giải đấu này?

Federer đã tạo ra tám cú ace trong trận đấu này, nhưng hầu hết những điểm số đó đều đến trong những thời điểm thiếu tính quyết định. Anh hầu như phải giao bóng hai ở các game cuối và cả trong loạt tiebreak, hoặc bóng một cũng không dồn ép được đối phương để tấn công.

Thành thử, một trong những hình ảnh mà người yêu anh muốn thấy nhất từ Federer trong trận đấu này là phải chơi tốc hành đã không xuất hiện. Trong lúc giằng co của set hai, Federer chỉ có hai lần ghi điểm trong cái nháy mắt, kiểu giao bóng hóc hiểm rồi sau đó tung cú thuận tay dứt điểm trực tiếp.

Mà các loạt bóng càng nhiều lần chạm vợt, game đấu càng kéo dài thì bất lợi càng thuộc về Federer, không chỉ là vì thể lực thua sút hơn, mà còn cả một vết hằn sâu trong tâm lý sau bao lần Djokovic đã làm nên những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước chính anh (bán kết US Open hai năm liên tiếp 2010-2011).

Federer đã chứng tỏ rất nhiều lần, anh vẫn dẻo dai và đủ sức chơi 5 set, nhưng trong trận đấu này, sức bật và sức mạnh của anh giảm sút rõ trong set hai, và nó ảnh hưởng tới khả năng trả giao bóng. Nếu như set 1, anh ghi tới 11 điểm sau 15 lần Djokovic giao bóng hai, thì ở set 2, anh chỉ ghi được năm điểm sau cũng ngần ấy cơ hội.

Khi Djokovic "bật" Federer - 2

Dù phải xoạc hết cỡ, nhưng Djokovic vẫn có thể phản đòn hiểm hóc

Djokovic có phong độ tốt nhất

Và tới lượt Djokovic, anh cho thấy sau Nadal, anh là người giỏi nhất trong việc khai thác cú trái một tay của Federer. Cả trận, Djokovic cố gắng nhồi bóng sang bên trái, kiên nhẫn chờ đợi Federer tự đánh hỏng và chỉ tăng tốc, đổi góc hoặc xuyên chéo ra mang dứt điểm.

Trong game đấu mà Djokovic bẻ gãy game giao bóng của Federer để lần đầu vươn lên dẫn trước trong set 1 (5-4), tay vợt người Serbia chơi phòng thủ tám điểm và chỉ tấn công trong hai đường bóng.

Cả trận, Djokovic không dưới hai lần thể hiện khả năng bay người cứu bóng (dù bất thành). Xen kẽ vào đó không thiếu những tình huống mà anh xoạc hết chân để chống đỡ.

Và như đã nói ở trên, trong điểm cuối cùng (thứ 191), Djokovic cũng ghi điểm trong tư thế phòng ngự miệt mài ở phía sâu đường cuối sân.

Rõ ràng là thứ tennis phòng thủ, chỉ đánh quyết liệt từ cuối sân của Djokovic đã đạt tới hiệu quả tối đa. Anh làm cho Federer không thể lên lưới, hoặc khi lên rồi thì khả năng giành điểm chỉ là 50-50. Rất giống với cái cách mà Nadal từng hành hạ Federer khốn khổ.

Djokovic đã chuẩn bị cho giai đoạn cuối của mùa giải kỹ lưỡng, và anh là người đạt trạng thái thể lực tốt nhất trong số những ngôi sao hàng đầu. Có lẽ, ngôi số 1 thế giới là mục tiêu tối thượng với anh. Và việc phải giành được các danh hiệu là nhiệm vụ phải hoàn thành sau khi anh đã trắng tay liên tục ở các giải lớn chỉ vì chơi không tốt trong những trận quyết định.

Nhờ thế, ngay cả khi đã mất thăng bằng khi đấu với Federer trên sân O2, chỉ đủ vươn người ra với bóng, thì Djokvic vẫn thực hiện được vài cú bắn lưới rất xoáy và đi chéo qua tầm với của Federer.

Và nhờ thế mà Djokovic vô địch giải đấu khép lại một năm đấu đã được chứng minh là khoảng cách giữa các tay vợt hàng đầu là rất mong manh, nên ai có phong độ tốt ở thời điểm cụ thể đều có thể thắng tất cả các tay vợt còn lại.

Khi Djokovic "bật" Federer - 3

Chức vô địch xứng đáng của tay vợt số 1 thế giới

Và đôi điều đọng lại

Nhưng giải mã Djokovic giờ đây là một nhiệm vụ không dễ. Ngay cả trên phương diện tâm lý, thể lực bởi có một thực tế đến sau các con số thống kê là, càng bị dẫn điểm, càng sắp thua, Djokovic chơi càng tốt.

Dĩ nhiên là chúng ta vẫn chưa quên việc Djokovic chơi tệ ra sao trong những trận quyết định ở US Open, Wimbledon và Olympic trước đó. Nhưng năm trận ở London tuần qua, anh bị dẫn trước tới bốn trận (chỉ thắng suôn sẻ trước Berdych), nhưng vẫn lần lượt thắng Tsonga, Murray, Del Potro và Federer.

Liệu có phải là trục trặc về tâm lý hay không, kiểu như phải đợi tới khi không còn gì để mất mới vùng lên dữ dội. Nhưng nó không thể là may mắn. Đó là kết quả của sự chuẩn bị rất tốt về mặt thể lực cũng như tinh thần của Djokovic (bất chấp có tin ảnh hưởng từ vấn đề sức khỏe của cha anh). Và dường như khi Djokovic tự tin, anh có thể tạo ra cho đối thủ vô vàn thách thức, thậm chí khó chịu.

Chỉ tiếc là, cái cách Djokovic làm để chứng tỏ anh tự tin, anh đã là tay vợt lớn, là hành động đi quá những nguyên tắc bất thành văn trong các cuộc đấu đỉnh cao. Là cái bĩu môi rất dài (dù biết rằng đó là ngôn ngữ cơ thể để thể hiện sự kinh ngạc) của Djokovic khi Federer vặn người đánh thuận tay chéo sân không tưởng khi Federer gỡ hòa 6-6 trong loạt tiebreak. Là cái vỗ tay của Djokovic khi Federer bung trái dọc dây khi cả hai giẳng co với các cú đánh trái tay chéo sân.

Nếu Djokovic dành những hành động đó cho Tsonga, Murray hay Del Potro, thì đó là phản ứng logic. Nhưng là với Federer, một tượng đài, một cha đẻ của vô số những kỷ lục vĩ đại, một tên tuổi mà các bậc tiền bối cũng phải kính nể, thì việc vỗ tay khen ngợi một cú bung trái dọc dây như biết bao cú bung trái khác Federer đã từng làm trong sự nghiệp dường như lại là một sự đánh giá thấp bậc đàn anh.

Chẳng cần phải làm điều đó thì ai cũng thấy Djokovic đã rất lớn rồi, đã là người hơn tất thảy xứng đáng với ngôi số 1 thế giới hiện tại, và là tay vợt có bảng thành tích dày cộp nhất trong năm 2012, để trở thành ứng viên lớn nhất cho danh hiệu Tay vợt của năm mà ATP sẽ công bố trong ít ngày tới.

Hoặc chỉ có thể xem như là điều bình thường nếu trong chiến thuật mà HLV của anh vạch ra trước các trận đấu (nhất là khi quan trọng) cho một Djokovic tinh quái lại bao gồm cả những hành vi biểu lộ cảm xúc có chủ đích mà chúng ta hay gọi là "diễn" để tác động tâm lý đối thủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN