Khai mạc giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Xe đạp lên voi

Không phải bóng chuyền, cũng chẳng phải bóng bàn, cầu lông hay võ thuật… môn xe đạp đang dần chiếm vị thế thượng phong, chỉ sau bóng đá. Nó như một sự níu kéo kỷ niệm xưa, như một cách rèn luyện thể thao bỗng trở thành thời thượng. Và cũng nhờ đó, đua xe đạp chuyên nghiệp “lên hương”.

Hơn bao giờ hết, việc bảo vệ môi trường sống đang được cả thế giới quan tâm nhất là khi chứng kiến sức tàn phá của cơn bão mang tên Hải Yến. Những phong trào như “giờ trái đất”, đi bộ tuần hành và giảm thiểu khí thải đang được coi như một trong những cách hữu hiệu để cứu trái đất đang bị tàn phá đến suy kiệt. Và ở Việt Nam, khi mà việc đi xe đạp điện trở thành mối hiểm hoạ cả về an toàn giao thông lẫn môi trường, khi các bình điện thải ra gây độc hại thì đi xe đạp được coi là phương án tốt nhất.

Ở các đô thị, ngày càng nhiều người quan tâm đến việc chọn cho mình cách thức rèn luyện thể thao có tính cộng đồng cao hơn. Thay vì “chui” vào các phòng tập với máy lạnh gắn chung quanh, nhạc xập xình, có khá đông người chọn cách tổ chức một nhóm dùng xe đạp. Đạp đi làm, đạp đi dã ngoại, với họ đó không chỉ đơn giản là rèn luyện thể lực mà còn là một trong những nỗ lực tự thân để bảo vệ môi trường. Rất nhiều người đã bất ngờ khi có đến hơn 400 tay đua phong trào của hơn 40 đội đua trong và ngoài nước tham dự giải đua lần đầu tiên tổ chức mừng ngày 2.9 tại TP.HCM. Hoá ra, phong trào xe đạp đang hình thành lớn mạnh dần ở các khu đô thị và ở cả những quan chức tưởng chừng chỉ lên xe, xuống ngựa.

Khai mạc giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Xe đạp lên voi - 1

Tính quảng bá tốt hơn, phong trào trong dân đang lên cao khiến môn xe đạp thu hút doanh nghiệp hơn hẳn các môn thi đấu trong nhà. Ảnh: Hoàng Hùng

Chính việc phát triển sâu, rộng và liên quan mật thiết đến tính thời sự nóng bỏng như môi trường đã giúp bộ môn xe đạp lấy điểm trong mắt các nhà tổ chức lẫn các doanh nghiệp tài trợ. Nói một cách nào đó, phong trào xe đạp đang chứng minh việc xã hội hoá thể thao là có thể nếu như việc gắn kết phong trào với sân chơi chuyên nghiệp trở nên mật thiết hơn.

Lộ trình thi đấu:

Chặng 1 (17.11): TP.HCM – Phan Thiết (167km)

Chặng 2 (18.11): Phan Thiết – Phan Rang (157km)

Chặng 3 (19.11): Phan Rang – Nha Trang (106km)

Chặng 4 (20.11): Nha Trang – Đà Lạt (99km)

Chặng 5 (21.11): Vòng quanh hồ Xuân Hương – Đà Lạt (52km)

Chặng 6 (22.11): Đà Lạt – Bảo Lộc (98km)

Chặng 7 (23.11): Đồng Nai – Hóc Môn (128km).

Một ví dụ rất rõ ràng, nếu như trước đây chỉ có cuộc đua xe đạp do đài Truyền hình TP.HCM tổ chức tạo được tiếng vang, thu hút được tài trợ nhờ việc phát sóng quảng cáo trên truyền hình thì giờ đây đã khác. Giải Nam Kỳ Khởi Nghĩa do đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức đã lớn mạnh lên, cung đường được kéo dài chẳng kém cạnh gì giải đấu của HTV. Phía nhà tổ chức cũng cho rằng, có được sự phát triển này chính là do các nhà tài trợ đã mặn mà.

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các doanh nghiệp thừa hiểu họ đang nhận được gì từ sự tài trợ này. Tên tuổi của họ gắn liền với việc bảo vệ môi trường, phát triển phong trào xe đạp, đó là chưa kể những lợi ích về mặt quảng bá thương hiệu suốt chiều dài cung đường mà đoàn đua đi qua. Điều này không phải môn thi đấu nào cũng có được, nhất là ở những môn thi đấu tập trung trong nhà, số lượng khán giả hạn chế bằng số ghế ngồi.

Và có một bất ngờ nho nhỏ với không ít người hâm mộ thể thao, bầu Tuấn, một trong những người tiên phong trong phong trào bóng đá chuyên nghiệp bằng đội bóng Hoà Phát Hà Nội. Người cũng từng gây chấn động với tuyên bố giải tán đội bóng để phản ứng việc trọng tài thổi còi “méo”. Ông bầu ấy, giờ đây chuyển qua một môn thể thao khác hẳn, nhập và bán xe đạp “xịn” tại TP.HCM với lý giải, phong trào xe đạp đang lên lắm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Đạt (sgtt.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN