Kết thúc cuộc đua xe đạp nhân ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Trái ngọt muộn cho “chàng xe lôi”

Cuối cùng Đông cũng có được quả ngọt, Đông mừng đến không nói thành lời, mừng như ngày Đông giúp được người em mình mỗi khi đăng quang, mừng như ngày Đông biết mình sẽ không còn là người đạp xe lôi nữa để trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Xuất thân khó khăn, hai anh em đạp xe lôi để kiếm sống và được phát hiện rồi trở thành cuarơ, Đông chưa bao giờ quên điều đó, Đông luôn tự nhủ, phải cố bằng hai, bằng ba người khác để chứng minh, việc mình thành cuarơ không chỉ vì may mắn. Biết em mình, Trịnh Phát Đạt có tố chất leo đèo, Đông luôn chấp nhận làm “máy kéo” cho Đạt ở tất cả các cuộc đua dù nếu ở một đội đua khác, Đông được đồng đội hỗ trợ thì cũng hay chẳng kém. Chính các huấn luyện viên cũng nhận định, Đạt nổi tiếng là đúng, nhưng để có đến bốn chiếc áo đỏ Vua leo núi, sức Đông đóng góp trong đó không ít. Từ những thành công, anh em Đông, Đạt góp mặt vào lứa được coi là thế hệ vàng của môn đua xe đạp gồm Trương Quốc Thắng, Mai Công Hiếu, Nguyễn Nam Cực, Lưu Quốc Vinh trong đội tuyển quốc gia một cách xứng đáng.

Khi hỏi chuyện, Đông luôn cười rất lành và nói, môn nào cũng vậy mà anh, cũng cần có người hỗ trợ, anh không hỗ trợ cho em thì người ta cười chết. Rồi đời vận động viên đầy màu sắc thành công cũng trôi qua. Cả Đông lẫn Đạt đều nghĩ, chí ít sau cống hiến của mình phần đời còn lại sẽ được gắn với xe đạp, sẽ có thể sống tốt. Nào ngờ, đến khi giải nghệ cả Đông mới thấm câu, đời vận động viên bạc lắm vì ghế ít nhưng người nhiều. Trịnh Sang Đông được câu lạc bộ phân cho làm… tài xế lái xe. Đông kể: “Em đổ bệnh hoài. Cứ nhớ đường đua, nhớ xe đạp và thấy tiếc những gì tích luỹ được sau hơn chục năm làm vận động viên mà buồn. Mỗi lần thấy vận động viên chuẩn bị đi đua là suy sụp”.

Kết thúc cuộc đua xe đạp nhân ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Trái ngọt muộn cho “chàng xe lôi” - 1

Trịnh Sang Đông đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình với bầu Thanh. Ảnh: Tất Đạt

Rồi cơ may cũng đến, năm 2010 khi đi cùng đoàn đua cúp Truyền hình cho đỡ nhớ, Đông được ông Võ Viết Thanh, ông bầu của đội đua ADC Vĩnh Long ngỏ lời mời về làm công tác huấn luyện. Trịnh Sang Đông kể lại: “Lúc đó em mừng hết lớn, cứ nghĩ tới việc lại được làm xe đạp là mất ngủ”. Trịnh Sang Đông xin nghỉ khỏi Đồng Tháp để về với bầu Thanh. Dù chỉ làm trong êkíp ban huấn luyện thôi nhưng với Đông, như vậy là “quá đã rồi”, ấy là chưa kể chế độ đãi ngộ tốt hơn giúp Đông nuôi được gia đình chứ không phải cứ loay hoay mưu sinh như khi làm tài xế. Ở cuộc đua Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trịnh Sang Đông được giao toàn quyền nắm đội khi mà huấn luyện viên trưởng Nguyễn Huy Hùng đã tập trung ở đội tuyển quốc gia. Đông vừa mừng vừa lo, Đông coi đây là canh bạc quyết định để thực hiện lời hứa với bầu Thanh, giúp Hồ Minh Phúc đoạt áo vàng ở giải đấu này. Có những đêm Đông mất ngủ chỉ vì lo, lúc tay đua Hồ Minh Phúc chính thức lấy áo đỏ Vua leo núi và đoạt luôn áo vàng, đội đua ADC Vĩnh Long lấy luôn danh hiệu nhất đồng đội, Đông lặng cả người. Có gì đó trôi qua tâm trí Đông “như ngày hai anh em còn đua và em giúp thằng Đạt có được danh hiệu”.

ADC lần đầu tiên thâu tóm danh hiệu ở một giải đua nhiều đến vậy, khiến chính các huấn luyện viên đội đua khác cũng thừa nhận, ADC Vĩnh Long đã “khó chơi” hơn rồi vì đội đua này đều quân, giờ thêm người làm huấn luyện tốt thì các đội khác mệt mỏi lắm.

Có thể với nhiều người, đó là vinh quang, nhưng với Đông, có lẽ đó là sự trả ơn ngọt ngào nhất cho niềm tin của ông bầu đặt cho mình và cũng là động lực cho Đông tiếp tục gắn mình với xe đạp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Đạt (sgtt.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN