Kelvin Kiptum và hành trình phi thường từ cậu bé chăn dê đến kỷ lục gia marathon thế giới

Sự kiện: Chạy bộ - marathon

Vụ tai nạn thương tâm tại Thung lũng Rift đã cướp đi sinh mạng của Kelvin Kiptum. Tuy nhiên di sản anh để lại trong làng điền kinh sẽ không bao giờ bị lãng quên, cũng như câu chuyện về cậu bé chăn dê trở thành kỷ lục gia thế giới.

Kelvin Kiptum và hành trình phi thường từ cậu bé chăn dê đến kỷ lục gia marathon thế giới - 1

Hầu hết các vận động viên marathon huyền thoại đến từ Kenya, hoặc gốc Kenya. Và Thung lũng Rift chính là thánh địa, nơi sản sinh ra các ngôi sao chạy đường dài.

Có rất nhiều thứ cấu thành nên điều này, từ độ cao 2.133m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa đến tộc người Kalenjin, theo Trung tâm Nghiên cứu Cơ Copenhagen, có thể chạy nhanh hơn 90% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng chính là động lực.

Kể từ tấm huy chương đầu tiên, khi Kip Keino giành Vàng nội dung 1.500 mét tại Thế vận hội 1968 dù bị nhiễm trùng túi mật, ý nghĩ chạy để đổi đời được gieo mầm. Hàng ngàn người bắt đầu tập luyện cùng nhau, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho nhau, biến Thung lũng Rift thành lò luyện các chân chạy cự ly dài khổng lồ. Từ sáng sớm tới đêm khuya, những đứa trẻ đã dậy và chạy, mang theo giấc mơ trở thành Kip Keino, Eliud Kipchoge, Brigid Kosgei, Faith Kipyegon hay Pamela Jelimo trong tương lai.

Những cậu bé ở Thung lũng Rift tập luyện miệt mài để trở thành những ngôi sao điền kinh trong tương lai. (Ảnh: Getty Images)

Những cậu bé ở Thung lũng Rift tập luyện miệt mài để trở thành những ngôi sao điền kinh trong tương lai. (Ảnh: Getty Images)

Cũng là một người Kalenjin ở Thung lũng Rift, Kelvin Kiptum có đầy đủ các điều kiện để bước ra thế giới thông qua chạy bộ. Truyền cảm hứng cho Kiptum chính là ông anh họ làm pacer (người dẫn tốc) cho VĐV nổi tiếng người Ethiopia, Haile Gebrselassie.

Thế nhưng gia cảnh quá nghèo không cho phép anh vứt bỏ tất cả để tham gia vào lò luyện marathon. Hàng ngày Kiptum phải chăn dê và cừu quanh rừng Kaptagat. Tuy vậy giấc mơ vẫn cháy trong anh, nhất là những lần chứng kiến các ngôi sao tập luyện.

“Tôi đã từng xem Kipchoge chạy, sau đó mơ mộng một ngày nào đó mình sẽ giống anh ấy”, Kiptum chia sẻ. Anh cũng tự tập, trên đôi chân trần, quanh đàn dê của mình.

Trong một thời gian dài, Kiptum tự tìm thời gian để tập luyện bên cạnh công việc chăn thả gia súc. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trong một thời gian dài, Kiptum tự tìm thời gian để tập luyện bên cạnh công việc chăn thả gia súc. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Cho đến một ngày năm 2009, Kiptum nhìn thấy Gervais Hakizimana tập chạy dốc ở rừng Kaptagat. Anh đã tới để xin lời khuyên. Họ gặp lại nhau lần nữa vào 6 năm sau, năm 2015, Kiptum lại đến hỏi han về phương pháp tập luyện. Hakizimana gửi cho anh toàn bộ giáo án tập luyện, đồng thời hướng dẫn chi tiết về cách chạy, ăn, ngủ đúng phương pháp.

Vấn đề là bố Kiptum muốn con trai đi theo con đường khác. Ông yêu cầu Kiptum tập trung học hành để trở thành thợ điện, thay vì trở thành một VĐV chạy bộ, đồng thời càng trở nên cương quyết khi anh không đạt được thành tích nào khả quan trong những cuộc đua địa phương.

Sự kiên trì của Kiptum cuối cùng cũng được đền đáp. Theo dõi con trai không ngừng nỗ lực, bố anh thậm chí còn nhắc nhở con trai dậy tập đúng giờ, lúc trời còn tối đen. Và Kiptum sẽ chạy trên những cung đường quanh co ở Thung lũng Rift trên đôi chân trần.

Kiptum và HLV Gervais Hakizimana, người cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn ngày 10/2.

Kiptum và HLV Gervais Hakizimana, người cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn ngày 10/2.

Năm 2018, khi 18 tuổi, Kiptum trở lại giải Eldoret Half Marathon, nơi anh từng thất bại năm 13 tuổi, và giành chiến thắng với thành tích 62 phút 1 giây. Chiến quả đầu tiên mang tới sự tự tin để anh tham dự đấu trường quốc tế, Lisbon Half Marathon vào năm 2019. Anh đứng thứ năm với thành tích cá nhân tốt hơn nhiều, 59 phút 54 giây. Trong năm này Kiptum cũng tham gia 6 cuộc đua khác tại Bắc và Tây Âu, trước khi trở về quê nhà Kenya để lên ngôi ở giải Kass Half Marathon.

Bước ngoặt trong sự nghiệp Kiptum là thời gian Hakizimana mắc kẹt ở Kenya trong đại dịch Covid. Hakizimana chính thức trở thành HLV của Kiptum, đồng thời khuyến khích anh tập luyện cho các cuộc đua full marathon.

Để sẵn sàng, Kiptum theo đuổi một giáo án khủng khiếp. “Nếu như mỗi tuần Kipchoge chạy từ 180 đến 220km thì Kiptum chạy từ 250 đến 280, có khi hơn 300km”, Hakizimana nói, “Như trong ba tuần chuẩn bị cho London Marathon vào tháng 4/2023, cậu ấy chạy hơn 300km mỗi tuần”.

Kelvin Kiptum và hành trình phi thường từ cậu bé chăn dê đến kỷ lục gia marathon thế giới - 5

Kelvin Kiptum và hành trình phi thường từ cậu bé chăn dê đến kỷ lục gia marathon thế giới - 6

Kiptum và 3 lần về nhất, đồng thời phá kỷ lục các cuộc thi Valencia Marathon 2022, London Marathon 2023 và Chicago Marathon 2023.

Kiptum và 3 lần về nhất, đồng thời phá kỷ lục các cuộc thi Valencia Marathon 2022, London Marathon 2023 và Chicago Marathon 2023.

Điều đặc biệt, Kiptum không có thời gian cho việc nghỉ ngơi hàng tuần. Chính Hakizimana cũng phát hoảng, khuyên anh nên giảm bớt cường độ. Hakizimana cho biết: “Cậu ấy luôn nói với tôi về những kỷ lục gia thế giới và mong muốn tạo dựng kỷ lục của riêng mình một cách nhanh chóng. Tôi cố nói với cậu ấy, rằng trong 5 năm nữa cậu ấy sẽ hoàn thành mục tiêu, và rằng nên bình tĩnh để có thể theo đuổi môn điền kinh lâu dài”.

Như đã biết, Kiptum vẫn kiên định với cách thức tập luyện điên cuồng. Bằng cách này, từ một VĐV vô danh, anh trở thành ngôi sao marathon thế giới trong một thời gian ngắn. Trong khoảng 10 tháng vắt qua hai năm 2022 và 2023, Kiptum về nhất ở Valencia Marathon, London Marathon và cuối cùng là Chicago Marathon. Thành tích lần lượt là 2 giờ 1 phút 53 giây, 2 giờ 1 phút 25 giây rồi 2 giờ 35 giây, nhanh hơn Kipchoge 34 giây để thiết lập kỷ lục thế giới mới.

Kiptum thiết lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung marathon với thành tích 2 giờ 35 giây.

Kiptum thiết lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung marathon với thành tích 2 giờ 35 giây.

Chi tiết thành tích của Kiptum tại Chicago Marathon.

Chi tiết thành tích của Kiptum tại Chicago Marathon.

Với đà này, Kiptum hoàn toàn có thể trở thành VĐV Marathon đầu tiên hoàn thành chặng đua dưới 2 giờ. Rotterdam Marathon vào tháng 4/2024 dự kiến là nơi anh chinh phục cột mốc vĩ đại đó, trước khi tới Olympic Paris 2024 và tranh tài với chính thần tượng, huyền thoại Kipchoge.

Sân khấu đã sẵn sàng để Kiptum tỏa sáng. Thật đáng buồn, anh sẽ không bao giờ tới. Vụ tai nạn thương tâm tại Thung lũng Rift đã cướp đi sinh mạng của VĐV 24 tuổi cùng HLV Hakizimana. Anh nằm lại chính nơi anh nuôi dưỡng ngọn lửa chạy bộ và mài giũa tài năng.

Bây giờ nhìn lại, cảm tưởng như Kiptum biết trước sự nghiệp ngắn ngủi của mình. Vì vậy đã tập luyện như thể không có ngày mai và nhanh chóng ghi dấu ấn trước khi lên thiên đường. Những dấu ấn đó sẽ không bao giờ bị lãng quên, cũng như câu chuyện về cậu bé chăn dê trở thành kỷ lục gia thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

(Tin thể thao, tin điền kinh) VĐV Kelvin Kiptum qua đời ở tuổi 24 nhưng chân chạy người Kenya đã để lại di sản đồ sộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hải ([Tên nguồn])
Chạy bộ - marathon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN