Karatedo VN: “Mỏ vàng” lo sắp bị cạn
Trong vòng 1 thập kỷ gần đây, chưa bao giờ Karatedo Việt Nam lại hướng đến SEA Games với nhiều nỗi lo như lúc này do những xáo trộn về lực lượng. Môn võ vẫn được coi như “mỏ vàng” của TTVN có vẻ như đã cạn kiệt khi mất đi những võ sỹ đã thành danh trên đấu trường quốc tế.
Thừa mà vẫn… thiếu
Xét về số lượng Karatedo Việt Nam có lực lượng khá lý tưởng với gần 40 võ sỹ ở 2 đội tuyển Kumite (đối kháng) và Kata (quyền), chưa kể một lượng kế cận khá hùng hậu đang tập trung ở các đội tuyển trẻ quốc gia tại Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, trong sự dư thừa về con người vẫn có những cái thiếu ở những vấn đề cụ thể của môn thi đấu này.
Ở đội tuyển Kumite, trong tay HLV Lê Công có tới hơn chục võ sỹ trải đều ở các hạng cân đối kháng nằm trong số 13 nội dung thi đấu của SEA Games 27, nhưng đại đa số đều ở dạng tiềm năng và hầu hết chưa có được thành tích nổi bật. So với những tên tuổi đã thành danh của đội Kumite như Vũ Thị Nguyệt Ánh (HCV ASIAD 14, HCV SEA Games 26 hạng-50kg), Lê Bích Phương (HCV ASIAD 14, HCV SEA Games 26 hạng -55kg) hay mới nhất là Thạch Thị Trang (HCV SEA Games 26 hạng -68kg) thì trình độ lẫn kinh nghiệm quốc tế đều còn khoảng cách nhất định. Vì thế, trường hợp chấn thương đứt bán dây chằng chéo trước gối phải của Lê Bích Phương trước thềm SEA Games 27 giống như một cú đòn mạnh mẽ vào đội Kumite, khi trước đó Thạch Thị Trang đã nghỉ thi đấu để tập trung cho việc học đại học. “Đây là một điều không may đối với cá nhân Lê Bích Phương và cả đội Kumite trước thềm SEA Games 27. Tuy nhiên, Bích Phương nghỉ để điều trị dứt điểm chấn thương nhằm chuẩn bị cho các nhiệm vụ tại ASIAD 17 vào năm 2014 là điều quan trọng hơn”, HLV Lê Công cho biết.
Không có những trụ cột trước thềm SEA Games hay nói một cách khác Karatedo Việt Nam mất đi những gương mặt đã được kiểm chứng qua thực tế nên lực lượng “thừa” mà vẫn “thiếu” là như vậy.
Hoàng Ngân (bên trái) và Nguyệt Ánh (bên phải) hai niềm hy vọng của Karatedo tại SEA Games 27
Bị “chấn thương” giờ là niềm hi vọng
Trong bối cảnh nhân sự có nhiều biến động, một giải pháp gần như mang tính bắt buộc của Karatedo Việt Nam là trông đợi vào các cựu binh vừa trải qua chấn thương và việc gọi trở lại Vũ Thị Nguyệt Ánh để thế chỗ Lê Bích Phương là một ví dụ điển hình. Nữ võ sỹ Quân đội này đã trải qua một ca phẫu thuật dây chằng và sụn gối hồi cuối năm ngoái và từng mất gần 6 tháng đầu năm 2013 dành cho quá trình hồi phục nhưng giờ đây cô vẫn trở thành một trong những hi vọng lớn nhất của đội Kumite, khi tên tuổi và tài năng của Nguyệt Ánh đã được khẳng định ở sân chơi này.
Tương tự là trường hợp của Nguyễn Hoàng Ngân ở đội Kata. Nữ võ sỹ vẫn được gọi là “Nữ hoàng” của Karatedo Việt Nam đã phải rời thảm đấu từ cuối năm 2010 do đứt dây chằng gối và từng đứng trước nguy cơ phải chia tay sự nghiệp cho chấn thương quá nghiêm trọng. Song với nỗ lực rất lớn của bản thân, sau hơn 2 năm xa thảm đấu Hoàng Ngân vẫn được trao cơ hội dự SEA Games 27 nhờ những dấu mốc thành tích rất đáng khen ngợi tại giải Hàn Quốc mở rộng (HCB cá nhân), giải quốc tế Hanau – Đức (HCV cá nhân, đồng đội) trong năm 2013.
Đằng sau những tấm huy chương không chỉ là ý chí, nghị lực chiến thắng chính mình của Hoàng Ngân hay Nguyệt Ánh mà các nhà chuyên môn có cơ sở để quyết định đặt niềm tin vào họ. Lý do quan trọng nhất là chưa một võ sỹ nào khác ở đội tuyển Karatedo hiện tại có thể vượt qua cái bóng của những tên tuổi này từ đấu trường trong nước cho đến khi ra quốc tế.
Karatedo Việt Nam chờ đợi gì ở SEA Games 27?
Xen lẫn giữa 5 kỳ SEA Games trong 10 năm qua là 2 kỳ ASIAD và ở những đấu trường này, Karatedo luôn là môn được coi như “cứu cánh” cho TTVN với những đóng góp hết sức quan trọng về thành tích tác động trực tiếp đến thứ hạng chung cuộc toàn đoàn, mà thấy rõ nhất tại 2 kỳ ASIAD gần đây nhất. Nhưng những dấu mốc trong quá khứ không thể đem lại sự lạc quan lớn cho Karatedo Việt Nam tại Myanmar trong ít ngày tới đây sau những biến cố rất lớn về lực lượng.
Tại SEA Games 27, thầy trò đội tuyển Karatedo đặt mục tiêu giành 2-3 HCV trong tổng số 17 nội dung của chương trình thi đấu và trọng trách này được chia sẻ một phần cho đội Kata. Thông qua mục tiêu này, một điều rất dễ nhận thấy là việc tái lập thành tích 3 HCV, 8 HCB, 3 HCĐ mà Karatedo Việt Nam từng giành được ở SEA Games 26 đang trở thành một thách thức không nhỏ. “Các võ sỹ sẽ phải nỗ lực rất lớn để vượt qua những khó khăn ở Myanmar trong bối cảnh lực lượng đội tuyển có những thiếu hụt đáng tiếc. Ngoài 2 đối thủ chính là Malaysia và Indonesia, cũng không thể coi nhẹ Myanmar với lợi thế chủ nhà” , ông Vũ Sơn Hà – Trưởng bộ môn Karatedo Tổng cục TDTT chia sẻ.
Tại giải vô địch Đông Nam Á 2013 vừa kết thúc tại Philippines vào hồi tháng 4, đội tuyển Karatedo từng giành 6 HCV, 7 HCB, 12 HCĐ và nhiều người đang tự hỏi, liệu có sự bi quan về chỉ tiêu của đội ở SEA Games hay không. Trên thực tế, 2 sân chơi này luôn có độ chênh rất lớn và mọi sự so sánh đều khập khiễng. Một ví dụ đơn giản để thấy, trong 5 kỳ SEA Games gần đây hầu như nước chủ nhà nào cũng đều giành hầu hết số HCV trong số 4 bộ huy chương ở nội dung Kata. Vì đây là nội dung biểu diễn và được chấm điểm dựa trên cảm tính (hoặc có thể là ưu ái) của các trọng tài. 13 nội dung đối kháng thì cách chấm điểm, tính điểm công bằng và khách quan hơn nhưng không thể “đếm cua trong lỗ” khi dự báo. Vì việc có giành được thành tích cao hay không còn phụ thuộc rất lớn vào những lá thăm đầy may rủi trong lúc bốc thăm chia cặp thi đấu.