Trận đấu nổi bật

felix-vs-sebastian
Adelaide International
Felix Auger-Aliassime
2
Sebastian Korda
1

Hy vọng mới của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32

Sự kiện: SEA Games 32

Sau một kỳ SEA Games rực rỡ trên sân nhà, đội tuyển điền kinh Việt Nam chuẩn bị hướng đến kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á tiếp theo với một đội hình trong giai đoạn chuyển giao. Nòng cốt đội tuyển giờ đây là những cô, cậu bé mới ở tuổi mười tám, đôi mươi.

Tuổi trẻ, tài cao

Hơn 2 thập niên đã trôi qua, điền kinh Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 tại nội dung chạy 800m nữ. Từ Phạm Đình Khánh Đoan đến Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng, Đỗ Thị Thảo lần lượt mang về Huy chương vàng (HCV) cho Việt Nam ở đấu trường SEA Games ở nội dung trên. Sau đó đến lượt Vũ Thị Ly, Đinh Thị Bích và Khuất Phương Anh trở thành người kế tục các đàn chị.

Bùi Thị Nguyên được ví như ngôi sao mới của điền kinh Việt Nam trên đường chạy vượt rào.

Bùi Thị Nguyên được ví như ngôi sao mới của điền kinh Việt Nam trên đường chạy vượt rào.

Trước thềm SEA Games 32, Đinh Thị Bích và Khuất Phương Anh chắc chắn sẽ vắng mặt. Nhưng việc họ không tiếp tục thi đấu quốc tế dường như không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch duy trì thế độc tôn trên đường chạy 800m. Tre già măng mọc, điền kinh Việt Nam lập tức có thêm những gương mặt tài năng thay thế bộ đôi này.

Ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Nam Định trình làng đến 3 gương mặt kế tục Đinh Thị Bích là Bùi Thị Ngân, Nguyễn Thị Thu Hà và Trần Thị Duyên. Đều là những vận động viên (VĐV) thuộc lứa sinh năm 2001- 2002, nhưng 3 chân chạy nói trên đã giúp Nam Định thống trị quốc gia ở các nội dung 800m nữ và 800m tiếp sức đồng đội nữ.

Tại một giải điền kinh quốc gia, hiếm khi nào 3 vị trí giành huy chương lại đến từ các VĐV thuộc cùng một địa phương. Nhưng đó chính là cách Nam Định khẳng định vị thế của họ trên đường chạy 800m nữ. Bùi Thị Ngân giành HCV, Nguyễn Thị Thu Hà về nhì, Đinh Thị Bích đứng thứ 3 và Trần Thị Duyên xếp thứ 4.

Việc không giành được 1 trong 2 vị trí dẫn đầu có vẻ là nguyên nhân khiến Đinh Thị Bích không được tập trung lên đội tuyển quốc gia lần này. Nhưng với tư cách của một đàn chị, hẳn cô cũng cảm thấy vui mừng. Giờ đây, những người em mới 21, 22 tuổi đã đủ trưởng thành để gánh vác trên vai những nhiệm vụ lớn.

Trên các cự ly chạy trung bình và dài như 800m, việc sở hữu tài năng thuần túy đôi khi là chưa đủ để chiến thắng. VĐV cần có sự phối hợp ăn ý với nhau theo đội, nhóm để giành kết quả tốt. Đó là điều nhóm VĐV Nam Định đã thể hiện ở kỳ Đại hội vừa qua, và Bùi Thị Ngân, Nguyễn Thị Thu Hà sẽ tiếp tục làm tốt trên đội tuyển quốc gia.

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng của các vận động viên được siết chặt để ngăn sự cố doping như SEA Games 31.

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng của các vận động viên được siết chặt để ngăn sự cố doping như SEA Games 31.

Một gương mặt cũng mới vụt sáng của điền kinh Việt Nam thời gian qua là Lương Đức Phước. VĐV mới 21 tuổi của Đồng Nai từng gây bất ngờ khi giành HCV SEA Games 31, vượt qua đàn anh Trần Văn Đảng. Đến Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 vừa qua, Đức Phước cũng nhanh chóng ẵm cú đúp HCV 800m và 1.500m nam.

Tài không đợi tuổi

Lê Tú Chinh vừa được triệu tập trở lại đội tuyển điền kinh sau khi hoàn toàn bình phục chấn thương, nhưng suất tham dự SEA Games cho "nữ hoàng" vẫn chưa chắc chắn. Cô sẽ phải cạnh tranh với những người đàn em tài năng không kém là Trần Thị Nhi Yến (Long An) và Hoàng Dư Ý (Quân Đội), những chân chạy chưa bước sang tuổi đôi mươi.

Ngày Tú Chinh vắng mặt, nội dung 100m nữ Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 trở thành cuộc đấu tay đôi giữa Nhi Yến và Dư Ý. VĐV đoàn Quân đội có thành tích ấn tượng hơn ở vòng ngoài, khi cô thiết lập mốc 11 giây 70. Đáng tiếc là phong độ đó không được Dư Ý tiếp tục thể hiện trong ngày chung kết, khi thành tích của cô tụt xuống còn 11 giây 81.

Tận dụng phong độ thiếu ổn định của đối thủ, Nhi Yến đã vượt lên trong ngày chung kết để về nhất với thời gian 11 giây 75. Con số này tương đương thành tích cô thể hiện tại vòng ngoài (11 giây 76). Sau Tú Chinh, điền kinh Việt Nam đã xuất hiện thêm 2 chân chạy ngắn đầy tiềm năng. Một người có khả năng xuất thần, người còn lại thi đấu ổn định.

Tấm huy chương vàng của Nhi Yến là bất ngờ lớn nhất ở môn điền kinh Đại hội 2022.

Tấm huy chương vàng của Nhi Yến là bất ngờ lớn nhất ở môn điền kinh Đại hội 2022.

Nhi Yến còn gây ấn tượng mạnh cho giới chuyên môn bởi trong ngày đăng quang ngôi vô địch Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, cô vẫn chưa tốt nghiệp cấp 3. Chân chạy sinh năm 2005 đến từ Long An khiến khán giả bất ngờ bởi gương mặt trẻ trung và có phần ngây thơ. Kết thúc bài thi, cô bé 17 tuổi thậm chí còn không tin là mình đã vô địch.

Bên cạnh tố chất tốt, một trong những lợi thế giúp Nhi Yến thi đấu tiến bộ trong thời gian ngắn là bởi cô được học từ những người giỏi nhất. Hiện tại, Nhi Yến tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG ) TP Hồ Chí Minh, bên cạnh đàn chị Tú Chinh. Cô cũng được HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, cựu vô địch quốc gia trực tiếp chỉ dạy.

Có một điểm thú vị về các vận động viên tại Trung tâm HLTTQG TP Hồ Chí Minh là họ không bao giờ được đối xử như ngôi sao. Mọi tuyển thủ ở đây đều không có phòng riêng. Họ sẽ ở ghép cùng các vận động viên trẻ, cũng như sinh viên trường Đại học Thể dục thể thao để duy trì nếp sinh hoạt tập thể, khiêm tốn vì cái chung.

"Nếu có việc, phải bước ra vào phòng ký túc vào đầu giờ trưa, em sẽ cố gắng hạn chế đi lại ở mức thấp nhất có thể. Nếu buộc phải đi, em cũng sẽ không gây tiếng động, bởi việc đó sẽ làm mọi người mất giấc ngủ trưa". Chia sẻ thật lòng của Tú Chinh cho thấy hình ảnh hoàn toàn trái ngược của một ngôi sao thể thao trong mắt người hâm mộ.

Và những ngôi sao trong bóng tối

Họ có thể là những VĐV chưa quá nổi danh với truyền thông đại chúng, nhưng sở hữu thành tích rất đáng nể trong thời gian gần đây. Nguyễn Hữu Toàn (Quảng Trị) là một trong những VĐV như thế. Thi đấu ở môn ném lao, VĐV sinh năm 2001 đã bất ngờ đánh bại đương kim vô địch SEA Games Nguyễn Hoài Văn để giành HCV Đại hội Thể thao Toàn quốc.

4 chân chạy hàng đầu quốc gia nội dung 800m nữ đều là vận động viên Nam Định.

4 chân chạy hàng đầu quốc gia nội dung 800m nữ đều là vận động viên Nam Định.

Kha Thanh Trúc (Nghệ An), Bùi Thị Nguyên, Bùi Minh Dương (Quân đội) cũng là những VĐV rất đáng chú ý trên đường chạy ngắn. Thanh Trúc năm nay 22 tuổi, giành Huy chương đồng nội dung chạy 100m nữ. Nhưng bước sang nội dung chạy 200m nữ, cô đánh bại Nhi Yến để giành vị trí đứng đầu với khoảng thời gian ít hơn đối thủ khá nhiều.

Bùi Thị Nguyên, Bùi Minh Dương cũng là những gương mặt trẻ đáng chú ý của điền kinh Quân đội. Cô gái 22 tuổi Bùi Thị Nguyên tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng sau SEA Games 31. Nhà đương kim vô địch Đông Nam Á chinh phục HCV Đại hội với thành tích 13 giây 38, nhanh hơn hồi thi đấu SEA Games là 13 giây 51.

Những gương mặt mới ở đội tuyển Việt Nam cho thấy bên cạnh những VĐV giàu kinh nghiệm, chúng ta đang sở hữu nhiều tài năng trẻ đáng chú ý. Họ không mất nhiều thời gian để tiến bộ như thế hệ trước đây, mà nhanh chóng khẳng định bản thân qua các giải đấu quốc gia, khu vực và quốc tế. Dường như chính những người làm công tác huấn luyện cũng muốn tre già măng mọc, để lứa VĐV kế cận sớm tiếp bước đàn anh, đàn chị.

Một lý do khác giúp điền kinh Việt Nam "không thiếu" tài năng là bởi xu hướng phát triển mạnh mẽ của các giải phong trào. Bên cạnh Nhi Yến, 2 gương mặt vô danh bất ngờ trở thành tâm điểm của điền kinh Việt Nam là Lê Thị Tuyết và Nguyễn Thị Ninh. Những cô gái từng tham gia chạy việt dã vì sở thích cá nhân, nay trở thành nhà vô địch marathon Đại hội, phá kỷ lục quốc gia với thành tích dưới 2 giờ 50 phút.

Thành tích của Lê Thị Tuyết và Nguyễn Thị Ninh không chỉ phá sâu kỷ lục Đại hội, mà còn tốt hơn rất nhiều so với VĐV vừa giành HCV SEA Games (2 giờ 55 phút 28 giây). Đó là minh chứng cho thấy những tài năng của điền kinh Việt Nam có thể là bất cứ ai, đến từ bất cứ nơi nào. Họ có thể trở thành VĐV đỉnh cao với xuất phát điểm là những chân chạy phong trào.

Tuyển điền kinh Việt Nam tránh lặp lại sai lầm như SEA Games 31

Kết thúc SEA Games 31, có thông tin cho thấy nhiều thành viên đội tuyển điền kinh Việt Nam dương tính với doping. Đây là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất của thể thao Việt Nam nhiều năm qua. Danh tính những VĐV này được giữ kín. Nhưng ở thời điểm hiện tại, một số VĐV bị tình nghi dùng doping tại SEA Games 31 đã không tham dự các giải đấu trong nước, bao gồm Đại hội thể thao Toàn quốc.

Để tránh lặp lại sai lầm như ở SEA Games 31, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã liên tục nhắc nhở các VĐV về việc sử dụng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng đúng quy cách. Mọi loại thuốc bổ VĐV sử dụng đều phải thông báo cho bác sĩ đội để tìm hiểu về thành phần, hoạt chất trong thuốc liệu có chất cấm hay không. Đây là việc làm tối quan trọng vì những giải đấu chuẩn bị diễn ra.

Năm 2023, điền kinh Việt Nam sẽ tranh tài ở nhiều giải đấu lớn như SEA Games 32, ASIAD 2023, và Asian Indoor Games. Một số giải đấu được tính thành tích cho vòng loại Olympic Paris, với khung tiêu chuẩn khắt khe hơn rất nhiều so với trước đây. Vì thế, việc sử dụng thuốc và chế độ ăn uống càng được chú ý kỹ càng.

Trước đó ở ASIAD 2018, điền kinh Việt Nam từng gây bất ngờ khi giành được 2 HCV. Việc lặp lại thành tích này là nhiệm vụ rất khó với các VĐV Việt Nam.

“Ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh & chiến tích gây “sốt” điền kinh VN và quốc tế

(Tin thể thao, tin điền kinh) Từng suýt giải nghệ vì bệnh tật, chân chạy chỉ cao 1m53 Nguyễn Thị Oanh đã vượt qua tất cả khó khăn để tạo nên nhiều chiến tích vang dội cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN