Thật khó để lựa chọn một góc cạnh nào đó để khắc hoạ sự nghiệp của Sharapova. Bởi Sharapova là hiện thân của gần như tất cả.
Chỉ gần như thôi, vì có ít nhất một ngoại lệ: Sharapova không có một người bạn thực sự nào trong số hàng ngàn những tay vợt nữ đã và đang xuất hiện từ 2004.
Năm 2018, khi được hỏi về sự cô độc của mình, Sharapova điềm nhiên trả lời: “Tôi không có ý định tìm bạn ở trên sân quần vợt”.
Thể thao là cuộc đời, xưa nay người ta vẫn nói như thế: Người nghèo nhất là người ít bạn nhất. Thành công của tennis thật ra không nhất thiết phải đánh đổi bằng tình bạn.
Federer đã có được Nadal chơi trên sân bóng đá Cape Town trình diễn tennis trước sự chứng kiến của 5 vạn khán giả, quyên được khoảng 3,5 triệu USD cho Quỹ từ thiện của mình.
Nhưng, sự cô đơn của Sharapova có thể xuất phát một phần nào đó bằng sự thành công, cách thành công và con đường dẫn tới thành công của cô.
* Từ cô bé 350 USD tới nữ hoàng 350 triệu USD
Tháng 7/2004, thế giới thể thao chứ không chỉ tennis chứng kiến một trong những cuộc lật đổ vĩ đại nhất: Cô gái 17 tuổi (sinh năm 1987) Sharapova quật ngã Serena Williams chỉ sau 2 set và cho đối thủ 5 game trong trận tennis Wimbledon – giải đấu danh giá nhất của môn thể thao này.
Tuổi trẻ, sắc đẹp, sự quả cảm, tài năng khiến cho chiến thắng của Sharapova có ý nghĩa lớn lao, như một trái bom truyền thông, khi mà Serena lúc đó đã có 6 danh hiệu vô địch, với 5 trong số đó giành được trong 2 năm 2002 và 2003.
Serena lý giải nguyên nhân thất bại đến từ chấn thương, nhưng không mấy người tin vào điều đó. Serena lúc ấy cũng mới chỉ 23 tuổi, được chờ đợi sẽ thách thức mọi kỷ lục, bị nhìn như một kẻ thất bại đáng thương.
Chỉ sau danh hiệu kỳ vĩ ấy đúng 1 ngày, trang báo BBC đưa tin, đã có cả tá nhà tài trợ đang xếp hàng chờ chữ ký của Sharapova.
Trước khi bước vào giải đấu, Sharapova có khoảng 5 nhà tài trợ, 2 trong số đó có giá trị tổng cộng 1,3 triệu USD (từ Nike và Prince).
Bài báo ước tính, Sharapova có thể kiếm được khoảng 130 triệu USD trong 10 năm tiếp theo từ tài trợ quảng cáo.
Ước tính trở thành sự thật, và còn hơn thế. Mỗi tháng tiếp theo, trung bình Masha có thêm một nhà tài trợ. Tháng 12/2004, Masha ký với Tag Hauer, hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ tiếp tục ký hợp đồng với cô cho tới 2015. Nike tăng giá trị hợp đồng lên theo cấp số nhân và tới 2010 cô ký hợp đồng 10 năm với hãng này trị giá 8,5 triệu/năm.
Số tài sản của Sharapova ngày hôm nay là 325 triệu USD, với 13 năm liên tiếp là VĐV nữ có thu nhập cao nhất hành tinh, và tỉ lệ giữa tiền thưởng và tiền quảng cáo thường dao động trong khoảng 1-4 đến 1-6. Tức là cứ 1 đồng tiền thưởng, Sharapova có thể kiếm được trung bình 5 đồng tiền tài trợ. Thậm chí, nếu Sharapova không kiếm nổi đồng tiền thưởng nào, tiền tài trợ vẫn sẽ tiếp tục chảy vào tài khoản của cô.
Vì cuộc đời từ khi ấu thơ và sự nghiệp của Sharapova ngay từ lúc non trẻ đã là một câu chuyện phi thường.
* Sự cô độc của cô gái mở đường cho thế giới
7 tuổi theo bỏ quê hương nước Nga theo cha qua Mỹ. Cả 2 cha con chỉ có vài trăm đô làm lưng vốn. Rồi được HLV huyền thoại Nick Boletteri nhận vào Học viện đào tạo với phí 0 đồng. Ông lựa chọn Masha vì tiềm năng, ý chí, khát vọng. Ông muốn chắp cánh cho cô trở thành nhà vô địch Grand Slam.
Học viện IMG của Bolettieri được đền đáp bằng danh tiếng mà Masha mang lại cho nó. Thành công của Masha mở ra một xu hướng mới cho tennis thế giới: Các tài năng trẻ từ khắp nơi đổ về đó tham gia vào học viện với ước mơ thành công giống như Masha.
Liệu có quá lời không khi nói rằng một phần nào đó Sharapova đã gián tiếp vẽ lại bản đồ tennis thế giới, khi ngày một nhiều những nhà vô địch tennis đến từ các nước Đông Âu; cơ hội được huấn luyện trong môi trường lý tưởng đã khiến cho các tay vợt có ý chí hơn đã vượt lên phía trước so với các tay vợt Mỹ?
Thành công càng vang dội. Tiền thưởng càng lớn. Tiền tài trợ ngày một nhiều. Masha càng trở nên cô độc.
Cô không được người Mỹ đón nhận. Cô bị quần vợt Nga xa lánh. Các nữ tay vợt Đông Âu khác cay cú.
Khi đấu với người đồng hương Maria Kirilenko, Masha bị đối thủ khiêu khích bằng trò lấy cạnh vợt gõ xuống mặt sân cạch cách để phản đối lại tiếng hét quá lớn của cô.
Khi Masha bị cấm thi đấu 2 năm vì sử dụng doping vào tháng 3/2016 (sau đó được Toà án Thể thao CAS giảm xuống còn 15 tháng), người trong làng banh nỉ hân hoan chiếm đa số.
Khi Masha trở lại sau án cấm, cô vấp phải sự kêu gọi phản đối từ các tay vợt khác, trong đó có Radwanska, một tay vợt Ba Lan, chỉ trích rằng quyền bảo vệ thứ hạng xếp hạng không bao giờ nên dành cho một người mới bị phạt vì gian dối.
4 năm sau danh hiệu Wimbledon 2004, Sharapova mới đủ tự tin và chấp nhận vượt qua những mâu thuẫn với các tay vợt Nga khác để khoác áo tuyển Nga ở Fed Cup.
Thêm 8 năm sau nữa, Sharapova “chiến thắng” trong cuộc tranh cãi liệu cô có xứng đáng là người cầm cờ cho đoàn Thể thao Nga ở Olympic London.
11 năm sau đó, Sharapova mới cảm thấy thoải mái khi chơi các trận Fed Cup trên đất Nga, khoác chiếc áo màu đỏ truyền thống, chơi từng điểm với sự hò reo của CĐV nhà.
Masha lần đầu tiên nói về cuốn hộ chiếu của cô, tuyên bố sẽ không bao giờ đánh đổi quốc tịch Nga của mình lấy bất cứ thứ gì.
Đó có lẽ là nguồn cảm hứng sinh ra từ việc cô được lựa chọn là một trong những người rước đuốc ở Thế vận hội mùa Đông tổ chức ở Sochi, nơi cả gia đình cô đã sơ tán khỏi quê nhà nơi chỉ cách Chernobyl thảm hoạ hạt nhân vài chục km.
Có lẽ những gian khó, việc tennis trở thành con đường sống duy nhất của cả gia đình cô trong nhiều năm đã hình thành nên một Sharapova chơi mỗi một trận tennis giống như là mở ra đường sống của cuộc đời cô, của gia đình cô.
* Và thứ tennis của cuộc đời
Trong thứ tennis của cô đượm màu chiến đấu, kích hoạt bởi những tiếng thét vang dội làm chia rẽ sâu sắc thế giới tennis, cả trên khán đài xuống tới sân đấu.
Nó cũng là một trong hai nguyên nhân dẫn tới Sharapova trở thành “nữ hoàng lỗi kép”: Chấn thương bả vai cản trở động tác vung vợt lên cao, rồi tiếp bóng không còn tròn trịa, trong khi cơ thể cồng kềnh của cô (cao 1m88) làm cô vốn dĩ đã chậm hơn các đối thủ, và tâm lý phải thắng những trận đấu cuộc đời, đã tạo ra áp lực nặng trĩu.
Lỗi kép không phải là điểm yếu duy nhất của Masha. Cô không có những bước di chuyển thanh thoát khi tiến vào trong sân, không linh hoạt khi cần phải pha trộn giữa những cú cắt trái và backhand, thiếu những quả bóng xoáy để chơi an toàn chờ đợi thời cơ.
Nhưng ý chí là điểm mạnh nhiều khi đủ khoả lấp tất cả. Sharapova giành 36 danh hiệu, trong đó có 5 Grand Slam, là 1 trong 6 tay vợt nữ đăng quang ở cả 4 giải đấu lớn, là người phụ nữ Nga đầu tiên vươn lên vị trí số 1 thế giới và có cả thảy 21 tuần “đứng” ở vị trí đó, giành 1 tấm HCB đơn nữ ở Olympic.
Khi Sharapova sau chức vô địch Wimbledon, đã lên ngôi ở US Open 2006 và Australian Open 2008 được coi là điều đương nhiên. Cô tự ví mình như “con bò trượt băng” trên sân đất nện mà vô địch Roland Garros 2012 và 2014 là điều phi thường.
Và Sharapova chỉ gục ngã, không bao giờ trở lại với đỉnh cao từ án cấm mà cô phải trả giá cho sai lầm sử dụng doping.
Khi bắt đầu trở lại từ mùa Hè 2017, Sharapova không bao giờ lọt vào tới một trận chung kết Grand Slam nào nữa. Cô cũng chỉ giành nổi một danh hiệu nhỏ ở Thiên Tân (Trung Quốc).
Sau 3 lần liên tiếp bị loại từ vòng 1 ở các giải Grand Slam, dù cho những tiếng hét vẫn vang lên khắp các khán đài sau mỗi cú đánh, Sharapova hiểu rằng cô không còn thuộc về thế giới tennis đỉnh cao nữa.
Nếu như năm 2016 cô chọn cho mình một bộ trang phục tối màu, xuất hiện ở một khách sạn sang trọng, phát sóng trực tiếp đi toàn thế giới về kết quả dương tính với doping, thì lần này, Sharapova gửi đăng báo một bài chia tay pha trộn những tự hào vinh quang và chấn thương đau đớn với những nhớ nhung sẽ xâm chiếm cô.
Thời khắc ấy, thế giới tennis mới thấy nỗi trống vắng cô để lại là quá lớn, dù cho chỉ có 1 tay vợt nữ từng lọt trong Top 10 chia sẻ trạng thái với cô (Kvitova).
Di sản của Masha khi chia tay quần vợt ở tuổi 33 với môn thể thao này là cho thế giới thấy đến với nước Mỹ là con đường để vượt lên nước Mỹ, là bạn cần phải phi thường, để vừa là một doanh nhân thành đạt, vừa là một tay vợt thành công.
Masha đã chiến thắng tất cả, trừ một thứ đã trở thành quy luật trên cuộc đời này, là một người phụ nữ trên tột đỉnh thành công, ấy thường là người cô đơn.