Học nhiều từ cầu lông Ấn Độ

Xung quanh giải đấu mà tay vợt Tiến Minh vừa đi đánh thuê, có thể thấy sự đầu tư mà Ấn Độ dành cho cầu lông vượt quá xa Việt Nam, thậm chí không hề kém các cường quốc cầu lông như Trung Quốc hay Malaysia...

CLB Pune Pistons dù có sự góp mặt của tay vợt hạng 5 đơn nam thế giới Nguyễn Tiến Minh và hạng 2 đơn nữ người Đức Juliane Schenk vẫn không thể góp mặt ở trận chung kết khi thua CLB Hyderabad Hotshots với tổng tỉ số 0-3 ở trận bán kết Siêu cúp cầu lông Ấn Độ 2013 diễn ra từ tối 28 đến rạng sáng 29-8.

Trong khi Tiến Minh thua tay vợt hạng 24 thế giới Ajay Jayaram 17-21, 11-21 thì Schenk cũng bị tay vợt nữ số 1 Ấn Độ và hạng 4 thế giới Saina Nehwal đánh bại với tỉ số 21-10, 19-21 và 11-8. Cặp đôi nam còn lại của Pune Pistons là Thomas Savane và Joachim Fischer Nielsen cũng không tránh khỏi thất bại 1-2 trước đôi Khim Wah Lim và V.Shem Goh. Tuy nhiên, theo Tiến Minh, thất bại của Pune Pistons cũng là kết cục hợp lý và là bài học cho những tay vợt nước ngoài như anh khi thi đấu ở giải đấu có tiền thưởng cao nhất của cầu lông thế giới (1 triệu USD cho đội vô địch).

Học nhiều từ cầu lông Ấn Độ - 1

Tiến Minh (phải) trao đổi với ban huấn luyện đội Pune Pistons. Ảnh: IBL

Tiến Minh chia sẻ: “Chưa bao giờ những tay vợt nước ngoài như tôi, Schenk hay Nielsen tham dự một giải đấu có thời gian kéo dài đến gần 3 tuần, lại phải đi qua nhiều thành phố đến như vậy. Việc liên tục phải đổi chỗ, có khi 5 giờ sáng phải dậy thu xếp hành lý ra sân bay, có lúc ngồi xe buýt di chuyển hơn 7 giờ trên những con đường khá xấu... đã khiến chúng tôi rất mệt mỏi. Các đồng đội người Ấn Độ quá quen với điều kiện di chuyển như thế này. Đây là giải đấu đắt giá, nhà tài trợ các CLB bỏ nhiều tiền để thuê chúng tôi thi đấu nên phải phục vụ khán giả nhiều nơi để quảng bá hình ảnh nhà tài trợ”.

Tiến Minh vẫn công nhận trình độ của các tay vợt Ấn Độ cũng như sự đầu tư của chủ nhà dành cho cầu lông thực sự ấn tượng. “Chúng tôi đã được tham quan Trung tâm Huấn luyện cầu lông Ấn Độ. Họ có sân bóng đá, hồ bơi, 16 phòng ngủ và 8 sân cầu lông chuyên biệt dành cho các tuyển thủ. Tất cả các tay vợt một khi đã được gọi lên tuyển và lọt vào tốp 100 thế giới đều được nhận vào làm ở những công ty có chế độ đãi ngộ đặc biệt để họ không phải lo lắng sau khi giải nghệ. Tham vọng đưa Ấn Độ trở thành cường quốc cầu lông được họ tính toán theo lộ trình rất chi tiết và đang thành hiện thực khi chỉ trong tốp 50 tay vợt nam thế giới, họ có tới 7 người, nhiều hơn cả Trung Quốc (4 người), còn nữ cũng có 3 người, chỉ kém Trung Quốc một nửa” - Tiến Minh phân tích.

Tay vợt số 1 Việt Nam nhận định: “Sáu ngày trước khi thắng tôi, Ajay Jayaram suýt nữa cũng đã đánh bại số 1 thế giới Lee Chong Wei. Còn cách đây 3 ngày, Schenk cũng để thua trắng 0-2 trước tay vợt mới 18 tuổi nhưng đã xếp hạng 10 nữ thế giới là Sindhu. Việc Ấn Độ tin tưởng sẽ sớm hạ bệ cầu lông Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở”.

Tiến Minh trở về Việt Nam để chuẩn bị cho Giải Đài Loan - Trung Quốc mở rộng sẽ khởi tranh từ ngày 3-9.

Thu nhập cao ngất

Theo thống kê của Liên đoàn Cầu lông thế giới, thu nhập của các tay vợt hàng đầu Ấn Độ rất cao. Như tiền quảng cáo tay vợt nữ hạng 4 thế giới Saina Nehwal thu được năm 2012 là 2 triệu USD (hơn 40 tỉ đồng). Trong khi đó, số tiền thưởng mà tay vợt hạng 10 nữ thế giới Sindhu được nhận khi giành HCĐ đơn nữ giải cầu lông vô địch thế giới vừa qua là 500.000 USD (hơn 10 tỉ đồng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Dũng (nld.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN