Hà Thanh & đường tới đỉnh vinh quang

Tròn 21 tuổi, 15 năm theo nghiệp TDDC, tất cả đã nói hết lên sự theo đuổi kiên trì của Hà Thanh với môn thể thao tốn công, tốn sức và rất khó như TDDC. Để rồi ngày hôm nay, cô gái người Hải Phòng, đã nhận những thành quả xứng đáng, đến từ chính nỗ lực bản thân cùng sự tin yêu của đồng đội, thầy cô, người hâm mộ...

Có thể nói, Hà Thanh đã bước lên đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mình. Thế nhưng, để đạt được thành công như ngày hôm nay, Thanh đã phải đánh đổi rất nhiều mà chỉ có em, gia đình và thầy cô mới hiểu được những hy sinh đó.

* “Luyện công” từ năm...6 tuổi

Sinh ra trong một gia đình không có ai làm thể thao, mẹ là bác sỹ, bố là cán bộ khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, cái duyên TDDC đến với Hà Thanh thật tình cờ. Trong đợt tuyển quân tại trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hải Phòng), Hà Thanh ngay lập tức lọt vào mắt xanh của HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy (hiện đang là trưởng bộ môn TDDC Sở TDTT Hải Phòng). Khi đó, Thanh mới vừa bước vào lớp 1. Bà Thúy đã cho biết: “Trường Nguyễn Tri Phương nằm xa trung tâm nên chưa bao giờ chúng tôi tuyển quân ở đây. Vậy mà lứa của Thanh, lại là tiêu biểu nhất. Hồi đó, Viện Khoa học TDTT đã về đây làm thí điểm để nghiên cứu nhằm phát triển môn này”.

Bà Quán, mẹ của Hà Thanh kể lại: “Hồi đó điều kiện gia đình cũng khó khăn, bố đi công tác liên miên nên tôi cũng rất lưỡng lự đồng ý cho con theo học TDDC. Tuy nhiên, thấy cháu nó đam mê quá, lại nghĩ đơn giản là nó gầy gò ốm yếu, tập luyện sẽ khỏe mạnh, nên cho con đi học”.

Đúng như lo lắng của bà Quán, chuyện vừa học văn hóa, vừa tập luyện tại Sở TDTT Hải Phòng, lại về giúp đỡ công việc nhà vì mẹ sinh em bé, trở nên quá sức với cô bé mới chỉ 6-7 tuổi như Hà Thanh. Thế nhưng, Thanh vẫn quyết theo đuổi bằng được niềm đam mê của mình. Hàng ngày, bất kể nắng mưa, Thanh tự thuê xe ôm tới nơi tập luyện cách nhà gần chục cây số. Sự phấn đấu, nỗ lực tuyệt vời đã giúp Thanh có một suất ở đội tuyển trẻ quốc gia môn TDDC, chỉ sau vài năm tập luyện tại Hải Phòng.

Đó cũng là thời gian mà Thanh phải sống tự lập hoàn toàn. Thương con nhưng nhà xa, bà Quán cũng chỉ một năm lên Hà Nội thăm con vài lần. Bà còn nhớ như in, thời gian đầu con bé cứ thấy bóng mẹ là ôm chầm lấy khóc nức nở. Biết con vất vả, bà Quán cũng chỉ biết động viên và thường mang món khoái khẩu của Thanh là nem cuốn và mực nhồi thịt để đỡ nhớ mẹ, nhớ nhà.

“Tính nó tự lập từ bé, nhưng thời gian đầu chưa quen. Hai vợ chồng tôi nhớ cháu lắm, nhất là những đợt tập huấn dài ngày bên tận Trung Quốc. Khi đó, gần như chẳng biết thông tin gì mà chỉ biết hỏi qua chỗ bộ môn”, mẹ của Hà Thanh bồi hồi nhớ lại những tháng ngày xa con.

Hà Thanh & đường tới đỉnh vinh quang - 1
Hà Thanh đã vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp

* Tới đỉnh vinh quang

Ham mê nhưng Thanh đâu nghĩ môn TDDC lại khó theo đến thế. Những bài tập uốn dẻo, thăng bằng, nhảy, đu.... chẳng khác nào “sự hành xác” với các VĐV nhí đang được hưởng niềm vui trẻ thơ. Hầu như VĐV nhỏ tuổi nào như Thanh cũng phải bật khóc vì đau, có nhiều người đã phải bỏ cuộc vì không chịu được cái đặc thù của môn nghệ thuật này.

“Thời gian đầu, tôi sợ tới mức phải vờ bị đau bụng khiến bố mẹ phải đưa đi bệnh viện khám. Dần dần, thấy các anh các chị tập luyện chăm chỉ, nghĩ mình cũng có thể làm được như vậy, nên quyết theo tới cùng”, Thanh kể.

Sự tôi luyện nhanh chóng giúp Thanh có bản lĩnh và sự quyết tâm. Những lần xa nhà, tập huấn tại Trung Quốc, Thanh tự rèn luyện cho mình một ý chí sắt đá đến kinh ngạc. Trong đội tuyển, Thanh cũng được đồng đội kính nể bởi ý chí tập luyện vươn lên cũng như bản lĩnh trong những thời điểm khó khăn nhất.

“Thanh là người kín đáo, hay quan sát từ xa để tự rút kinh nghiệm cho mình. Thanh cứ tập luyện thầm lặng, ngay cả lúc được nghỉ. Sau nhiều năm dẫn dắt, tôi thấy Thanh là VĐV có ý thức chỉn chu. Thường thì khi các VĐV khác trong đội bị thầy mắng, hay bỏ không tập hoặc thấy mệt mỏi, chán tập. Riêng Thanh, chưa bao giờ tôi thấy em thể hiện điều đó. Thầy mắng nhưng Thanh vẫn lặng lẽ tập. Kỹ thuật của Thanh được hình thành nhanh và rất ổn định. Chính vì thế, Thanh ít bị phá vỡ động tác kỹ thuật, nên rất chín chắn, chậm mà chắc”, HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận xét.

Nỗ lực tập luyện, thành quả đã đến với cô bé người Hải Phòng. Sau khi đoạt HCV Đại hội TDTT toàn quốc khi mới 11 tuổi năm 2002, kỳ SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, Phan Thị Hà Thanh giành tấm HCĐ đầu tiên trong sự nghiệp quốc tế của mình. Ngay từ khi đó, Hà Thanh đã được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột của đội tuyển TDDC Việt Nam sau này. Cũng chỉ mất 2 năm để Hà Thanh bước lên đỉnh cao của sự nghiệp. SEA Games 24 tại Thái Lan (2007), Hà Thanh đã giành được tấm HCV rất quý giá. Chưa dừng lại ở đó, tại giải vô địch châu Á năm 2009, Hà Thanh giành tấm HCĐ đầu tiên ở đấu trường châu lục cho TDDC Việt Nam.

Năm 2010, Phan Thị Hà Thanh xuất sắc đoạt 3 HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6, trước khi tạo nên kỳ tích cho TDDC Việt Nam với 2 tấm HCB tại giải World Cup TDDC thế giới tại Bồ Đào Nha. Song, thành tích chói lọi nhất trong sự nghiệp thi đấu, chính là tấm HCĐ thế giới tại Nhật Bản năm 2011, giúp Hà Thanh có tấm vé tham dự Olympic.

Hà Thanh khép lại năm 2011 đáng nhớ với 2 tấm HCV ở SEA Games 26, 2 tấm huy chương góp phần đưa TDDC Việt Nam thống trị ở sân chơi khu vực.

Kết thúc năm 2011 đầy thành công, với sự ghi nhận lớn của thể thao nước nhà với danh hiệu VĐV tiêu biểu, Hà Thanh tiếp tục thi đấu ấn tượng trong năm 2012.

Đáng chú ý nhất trong bảng thành tích của Hà Thanh chính là tấm HCV tại giải vô địch châu Á. Đây là thành tích cao nhất của TDDC Việt Nam ở sân chơi châu lục. Đáng nể hơn khi trước giải này, Hà Thanh hầu như không được đi tập huấn và chỉ tập chay trong nước. Thế nhưng khi bước vào giải, Hà Thanh vẫn có thể tự nâng độ khó trong các bài thi để giành số điểm cao nhất, vượt qua cả các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản...

Chưa dừng lại ở đó, Hà Thanh tiếp tục gây “sốc” khi giành HCV Cúp thế giới, 1 HCV và một HCĐ tại giải TDDC Toyota (Nhật Bản), cùng với 4 HCV tại giải VĐQG giành về cho đoàn Hải Phòng. Với những thành tích chói lọi trên, Hà Thanh đã nhận được sự tín nhiệm cao của các nhà báo thể thao để tiếp tục đứng đầu danh sách VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2012, lần thứ 2 liên tiếp Hà Thanh giành danh hiệu VĐV tiêu biểu của năm.

* Mãi đam mê với nghiệp thể dục

Các giải đấu quốc tế kết thúc, cô bé có khuôn mặt dễ thương lại trở về ngôi nhà hạnh phúc của mình. Những ngày thi đấu mệt mỏi, khiến Thanh chỉ thích ngủ một giấc thật đã đời. Mẹ Thanh bảo nhìn cô gầy đi nhiều quá mà thương phát khóc, nhưng thấy con thành công, lại thấy hạnh phúc biết nhường nào. Còn Thanh, sau một ngày hồi sức, cô bé lại cười tươi tắn: “vất vả tôi cũng quen cả rồi. Thậm chí có vất vả hơn nữa, tôi cũng không bao giờ chọn nghề khác nếu được chọn lại”.

Trưởng bộ môn TDDC Sở TDTT Hải Phòng Nguyễn Thị Thanh Thúy, người đã phát hiện, đào tạo Thanh từ hồi bé, đã không khỏi xúc động: “Chúng tôi đã lao động cật lực, nghiêm túc nhiều năm qua. Đặc biệt, tôi chưa bao giờ thấy một VĐV nghị lực như Thanh. Với tôi, Thanh luôn là số 1”.

Hà Thanh được cấp đất, đặc cách thẳng vào biên chế

Một tin rất vui với Hà Thanh trong những ngày cuối năm 2012, khi cô chính thức được lãnh đạo thành phố Hải Phòng tuyển thẳng vào biên chế của Sở VH- TT&DL Hải Phòng. Chưa hết, Hà Thanh còn được cấp một mảnh đất hơn 90m2 đất tại một dự án ở quận Kiến An. Đây thực sự là một phần thưởng đầy ý nghĩa với Hà Thanh, dẫu nó đáng lẽ phải đến sớm hơn với cô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN