(Tin thể thao - Tin tennis) Chức vô địch Roland Garros 2021 - Grand Slam thứ 19 của Djokovic là danh hiệu lấy được nhiều sự thán phục nhất.
Trong tennis, thán phục thường đồng nghĩa với thuyết phục, và chúng có thể đến từ những cách khác nhau. Một nhà vô địch tuyệt đối, thắng cả bảy trận không thua set nào là thuyết phục. Nhưng đôi khi chiến thắng từ chỗ cận kề với thất bại cũng là một sự chinh phục.
Novak Djokovic đã làm được những ba lần liên tiếp ở Roland Garros 2021, trong đó việc để thua biểu tượng của giải đấu - Rafael Nadal set đầu tiên ở bán kết đồng nghĩa anh đã đối diện rất gần với thất bại.
Trận tứ kết, Djokovic để cho tay vợt trẻ người Italia - Lorenzo Musetti dẫn trước hai set, rồi sau đó buộc đối thủ phải bỏ cuộc sau khi thua 0-4 ở set 5.
Trận chung kết, Djokovic thua hai set đầu trước đại diện xuất sắc nhất của Thế hệ Tương lai Stefanos Tsitsipas, rồi làm nên cuộc lội ngược dòng kinh điển khi chỉ cho tay vợt trẻ người Hy Lạp thắng được chín game trong ba set cuối.
Đó là cuộc lội ngược dòng thứ sáu trong lịch sử các trận chung kết Grand Slam kể từ kỷ nguyên Mở, và là lần thứ năm ở riêng Paris.
Đ
ọng lại đầu tiên từ cuộc chinh phục thần thánh của Djokovic là những sự lột xác kỳ diệu sau khi anh đi vào đường hầm, rồi mới tới những ấn tượng về đẳng cấp, bản lĩnh thượng thừa.
Một ngày nào đó, khi đã treo vợt, chúng ta có lẽ sẽ được nghe Djokovic kể trong cuốn tự truyện, hay một bộ phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của mình, hy vọng được chính chủ nhân của những cuộc lội ngược dòng vĩ đại ấy giải mã sự bí mật của những lần đi vào trong đường hầm để rồi trở ra và lột xác kỳ vĩ ấy.
Những gì Djokovic nói ngay sau các trận đấu nói trên có lẽ không phải là toàn bộ sự thật ngoại trừ một điều: Djokovic luôn đơn độc trong đó.
Luật tennis cho phép các tay vợt được hai lần mỗi trận đấu theo thể thức năm set được đi vào trong đường hầm (thường là sử dụng nhà vệ sinh) nhưng không giới hạn số phút cho mỗi lần, và hoàn toàn đơn độc trong quãng thời gian đó với sự giám sát bởi người của BTC.
Sự đơn độc là để các tay vợt không thể nhận sự chỉ dẫn của HLV khi vốn dĩ việc chỉ đạo trong quá trình thi đấu bị cấm.
Sự đơn độc của Djokovic là để anh bằng cách nào đó đánh thức những phẩm chất kiệt xuất của mình để không đánh mất những cơ hội sống còn khi mà cả sự nghiệp của anh từ ngày lần đầu tiên vô địch Grand Slam cách nay 13 năm cho tới hôm nay vẫn luôn là kẻ bám đuổi.
Như trận chung kết Wimbledon 2014 với Roger Federer, Djokovic sau khi dẫn 2-1 sau ba set đã cầm giao bóng để kết thúc trận đấu, đã có cả championship point nhưng “Nole” bị Federer bẻ game và lôi sang set đấu thứ năm.
Federer ở thời điểm đó 33 tuổi, chưa bị những chấn thương hành hạ, có cả một biển người nơi bốn phía khán đài ủng hộ và độc chiếm với kỷ lục 17 Grand Slam là những lợi thế to lớn.
Djokovic chỉ có sáu Grand Slam, lúc đó chưa dám mơ về một cuộc đua tranh xem ai vĩ đại nhất với Federer và Nadal, nhưng anh hiểu rằng đó là cơ hội lớn nhất để lần đầu tiên đánh bại Federer trong một trận chung kết Grand Slam, ở nơi chính Federer được tôn vinh chói lọi nhất, Sân Trung tâm - Centre Court.
Djokovic bước vào đường hầm, như anh kể, không có chiếc gương nào trong đó để anh xem sắc diện của mình, đã đối thoại với cái bồn cầu để quên đi những cơ hội bị bỏ lỡ, những sai lầm đã phạm trong set 4, trở nên tỉnh táo hơn sau những xung đột tâm lý, và tự khích lệ bản thân.
Djokovic giai đoạn đó, trên hết, đã thua năm trên sáu trận chung kết Grand Slam gần nhất (thắng Murray 1, thua lại Murray 2 và thua Nadal 3). Djokovic cần một bước ngoặt, phải sang một trang mới từ trận thắng Federer. Và tay vợt người Serbia đã làm được. Djokovic bẻ game của Federer khi 5-4 và chiến thắng.
Lần này ở Paris, Djokovic có lẽ cũng đã trải qua một cuộc đấu tranh tâm lý ghê gớm. Cuộc đuổi bắt vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao nhân loại mà Federer, Nadal và Djokovic tạo ra đang ở một bước ngoặt quyết định.
Nadal đã không thể trở thành người đầu tiên vô địch Grand Slam 21 lần dù Roland Garros luôn là cơ hội lớn nhất; Federer thì ngưng lại. Djokovic nếu sảy chân, chắc gì anh sẽ sánh ngang kỷ lục 20 lần vô địch ở Wimbledon, hay US Open năm nay.
Và Djokovic cần một sự tập trung cao độ hơn, đầu tiên là lý giải tại sao anh luôn bị phản đòn mỗi khi sử dụng chiến thuật bỏ nhỏ, tại sao anh để cho Tsitsipas có thể chủ động né trái đánh phải trong các loạt đôi công.
“Tôi đi vào trong đó (toilet), và bắt đầu đọc được vị của cậu ấy. Tôi trở lại và cảm thấy những cú quả của mình tốt hơn”, Djokovic hé lộ như thế.
Djokovic đã mạnh lên thấy rõ. Còn bên kia lưới? Việc lại thấy Djokovic đi vào đường hầm có lẽ cũng giống như một sự “khủng bố” về tinh thần với Tsitsipas.
Cả thế giới này đều biết thành tích sau mỗi lần vào đường hầm của Djokovic. Tsitsipas cũng biết, và có lẽ đã dao dộng trong những giây phút ấy, kiểu như “bước ra sân trong ít phút nữa sẽ là Djokovic thế nào đây”; “anh ta đã huỷ diệt Musetti sau khi quay trở lại sân, anh ta cũng đã từng quật ngã Federer, Murray như thế, còn hôm nay?”
T
hực tế, sau cả hai set đầu đều bẻ được game của Djokovic, ba set sau đó, Tsitsipas thậm chí còn không có được cơ hội bẻ game nào.
Mọi chỉ số quyết định của Tsitsipas đều đi xuống. Tốc độ giao bóng 1 giảm từ 5-6 km/h so với trước đó (184-185/190).
Có một chỉ số khác mang dấu ấn tâm lý: Tsitsipas tự đánh hỏng nhiều nhất trong set 5 và set 3, còn Djokovic trong ba set cuối đánh hỏng nhiều nhất trong set 4.
Cần giải thích rõ hơn về những con số này. Đầu tiên là khi Djokovic trở lại từ đường hầm, anh khiến cho (hoặc tự) Tsitsipas nôn nóng hơn, tự đánh hỏng các pha đôi công cuối sân.
Và sau khi gỡ được set 3, bắt đầu hiểu rằng một cuộc lội ngược dòng nữa đang ở phía trước, Djokovic thoải mái tấn công hơn, bắt đầu tự mình ghi điểm, thì anh tự đánh hỏng nhiều hơn một chút trong set 4, bảy lần (set 3 là bốn), nhưng điểm thắng là 14.
Và khi thắng set 4, chiến thắng gần như là của Djokovic. Vì bên kia sân không phải là Murray của US Open 2012, không phải là Nadal của suốt chiều dài lịch sử có đôi lần ngắt quãng ở Roland Garros.
Vì bên kia chỉ là Tsitsipas thuộc về thế hệ Next Gen mà cách nay ba tuần thôi, Djokovic có lời tuyên bố đanh thép: “Next Gen ư? Chính tôi, Nadal và Federer mới là thế hệ tương lai… Đương nhiên, Next Gen ở đó, nhưng tôi và Nadal đã và đang chiến thắng những danh hiệu lớn, chiến thắng ở Grand Slam. Họ đã hiện diện trong Top 5, nhưng chúng tôi vẫn ở đây”.
T
sitsipas, chứ không phải Dimitrov (“Tiểu Federer” nay đã 30 tuổi), mới là niềm cảm hứng lớn nhất cho những ai mê say cú trái một tay, cho vẻ ngoài lãng tử, đã phải nhận những cú trả giao bóng siêu tưởng giống như Federer đã từng nếm trải ở trận chung kết Wimbledon 2015 trước cùng Djokovic.
Cả giải đấu, Djokovic thi thoảng khi cần đã phô diễn sự hoàn thiện của mọi kỹ năng, là khi sử dụng cú trái để mở góc vô cực trước Nadal, là việc vượt lên trên điểm yếu khi gặp các cú cắt bóng tầm thấp như Musetti đã áp dụng, là đôi công vũ bão với Berettini, là di chuyển toàn sân với Tsitsipas.
Djokovic làm tất cả điều đó như thể chưa từng bước qua ngưỡng tuổi 30 bốn năm trước. Djokovic đã thử thách bản thân, đã làm cho những ai chờ đợi một lần nữa quật ngã tượng đài Nadal ở Paris phải lo lắng khi thi đấu ở ATP 250 Belgrade trước đó vài ngày (và chiến thắng). Đó là sự phi thường.
Nhưng với một người đa nhân cách như Djokovic, đã từng trải qua những cuộc đấu tranh tâm lý nội tại (từ chỗ bản năng tới hoà bình (thời Pepe Imaz) và lại trở về bản năng), đôi khi anh cần những thử thách để biết rằng giới hạn chỉ là khái niệm tương đối.
Đó mới là điều thật kinh ngạc ở Djokovic!
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |