Góc khuất Judo Nhật Bản: HLV bạo hành nữ tuyển thủ

HLV ĐT Judo nữ của Nhật Bản đã quyết định từ chức.

HLV ĐT Judo nữ của Nhật Bản đã quyết định từ chức sau khi thừa nhận đã đánh đập các học trò trong quá trình chuẩn bị cho Olympic London mùa Hè năm ngoái.

Góc khuất Judo Nhật Bản: HLV bạo hành nữ tuyển thủ - 1

HLV Ryuji Sonoda (phải) đã xin từ chức

1. “Tôi thực sự hối tiếc vì đã gây nên sự việc bởi những hành động, ngôn từ, cử chỉ của mình. Thật khó để tôi tiếp tục công việc huấn luyện” - HLV Ryuji Sonoda cúi mặt phát biểu trước đông đảo ký giả.

Trước đó, vào quãng thời gian cuối năm ngoái, 15 VĐV nữ đã gửi đơn tố cáo HLV Ryuji Sonoda lên Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC). Nội dung của đơn thư trình bày rõ việc họ đã bị Sonoda đối xử như thế nào.

Không chỉ gây áp lực, chửi bới, bạt tai, vị HLV này còn bị cáo buộc đã dùng những chiếc gươm bằng gỗ và tre dày để đánh các học trò. Thậm chí ngay cả khi học trò bị thương, vị HLV từng vô địch thế giới ở hạng cân 60 kg vẫn bắt họ phải ra sàn đấu tranh tài.

Vụ việc này bị phanh phui ngay sau khi cựu vô địch Olympic Masato Uchishiba bị bỏ tù 5 năm vì hãm hiếp đồng nghiệp nữ trong đội judo của trường đại học hồi năm 2011. Tất cả đã phủ bóng đen lên nền thể thao Nhật Bản.

2. JOC chỉ áp dụng hình phạt khiển trách với Sonoda nhưng Bộ trưởng Thể thao, ông Hakubun Shimomura, đã yêu cầu họ phải tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng cần phải vào cuộc để làm rõ vấn đề.

Liên đoàn Judo thế giới (IJF) cũng phản ứng rất mạnh mẽ, khẳng định rằng hành vi bạo lực và bạo hành không có chỗ trong môn thể thao này.

Chủ tịch của JOC Tsunekazu Takeda tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để những chuyện như trên không bao giờ xảy ra nữa. Thế nhưng Giám đốc điều hành của cơ quan này Noriyuki Ichihara lại không tin như vậy. “Sự việc chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Tôi nghĩ những chuyện thế này vẫn sẽ tiếp tục.”

Hoài nghi của ông Tsunekazu Takeda không phải không có cơ sở. Bạo lực trong làng thể thao Nhật Bản từng bị phanh phui sau cái chết của một VĐV sumo vào năm 2007 do bị 3 thành viên trong đội vật đánh đập theo yêu cầu của HLV. Vị HLV này đã bị bỏ tù 6 năm.

Một loạt những yêu cầu cải cách, sửa đổi quy định đã được thực hiện. Thế nhưng, 5 năm sau, vấn đề trở nên đáng báo động khi một học sinh trường cấp ba ở Osaka đã tự tử sau khi bị HLV đội bóng rổ đánh đập.

Sự việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chiến dịch vận động đăng cai Olympic 2020 của Tokyo. Vào tháng 9 tới đây, Ủy ban Olympic quốc tế sẽ thông báo thành phố thắng cuộc và cơ hội hiện đang nghiêng về hai đối thủ của Nhật Bản là Madrid (Tây Ban Nha) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
theo Khánh Đan (TTVH)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN