Giới Võ lâm và những câu chuyện truyền kì: Bài 1
Chùa Thiếu Lâm - “Trung Châu cổ tự nhất Thiếu Lâm”, ngoài địa vị đặc thù trong lịch sử phát triển đạo Phật ra, chùa còn vang danh thiên hạ bởi một yếu tố khác sau hơn 1.500 hình thành: Võ thuật.
Trung Quốc là một cái nôi lớn của nền võ thuật. Đây là tinh hoa đặc biệt quý báu trong nền văn hoá truyền thống của quốc gia này nói riêng và toàn thế giới nói chung. Trong lịch sử dài hàng ngàn năm, dòng chảy võ thuật dù trải qua biết bao chìm nổi nhưng vẫn phát triển rực rỡ, đa dạng cho tới ngày nay. Loạt bài "Giới Võ lâm và những câu chuyện truyền kì" trên Dân Việt sẽ đưa bạn đọc tới với những câu chuyện truyền kì trong giang hồ rộng lớn... Bên cạnh đó, những chân dung của giới võ lâm cao thủ cũng sẽ được khắc họa và họ sẽ xuất hiện như thế nào trong cuộc sống thực, trong thế giới hiện đại ngày nay... Loạt bài cũng sẽ giới thiệu lịch sử hình thành của các đại môn phái võ thuật Trung Quốc như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My… với Nội gia quyền, Hình Ý quyền, Thái cực quyền, Nam quyền, Bát quái chưởng, Tượng hình quyền… đã tạo nên sự phong phú kì diệu cũng như tầm ảnh hưởng lớn tới các môn võ ngày nay trên toàn thế giới nói chung và nền võ thuật Việt Nam nói riêng. Mời các bạn cùng đón xem "Giới Võ lâm và những câu chuyện truyền kì". |
Clip những pha biểu diễn đẹp mắt của võ thuật Thiếu Lâm tự:
BÀI I: Thiếu Lâm tự - Đệ nhất danh môn
Cái nôi của Phật giáo
Chùa Thiếu Lâm từ xưa tới nay được vinh dự gọi là “Trung Châu cổ tự nhất Thiếu Lâm” (Trung Châu là từ chỉ lưu vực đồng bằng sông Hoàng Hà là cái nôi lịch sử, văn hoá của Trung Quốc xưa).
Chùa nằm hướng tây bắc huyện thành Đăng Phong (tỉnh Hà Nam), toạ lạc ở sườn Tây núi Tung Sơn, mặt đối diện với núi Thiếu Thất, lưng dựa núi Ngũ Nhũ Phong. Do chùa được xây dựng trong rừng rậm bên sườn âm núi Thiếu Thất nên lấy tên là Thiếu Lâm Tự (chùa trong rừng núi Thiếu Thất).
Theo sử sách, chùa Thiếu Lâm được xây dựng năm Thái Hoà 20 (năm 496) đời Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy (Hiếu Văn Đế Nguyên Hùng làm vua từ năm 471-500; nhà Bắc Ngụy từ năm 386-534). Thời điểm này, vị cao tăng Ấn Độ là Bạt Đà đến Đại Đồng- kinh đô Bắc Nguỵ để truyền giáo, nhờ tinh thông kinh sách nên Bạt Đà được vua Hiếu Văn Đế rất kính trọng.
Năm Thái Hoà thứ 20, Bắc Ngụy rời đô về thành Lạc Dương, Bạt Đà đi theo. Vua Hiếu Văn Đế định xây vườn Thiền ở Lạc Dương cho Bạt Đà truyền đạo Phật, nhưng Bạt Đà muốn tu ẩn nơi rừng núi nên quay trở lại Tung Sơn. Sau khi cao tăng Bạt Đà qua đời, Hiếu Văn Đế ra lệnh xây chùa ở núi Thiếu Thất cho Bạt Đà, đồng thời lấy tên là chùa Thiếu Lâm.
Tương truyền, từ năm 527, sau suốt 3 năm liền đi qua Quảng Châu, Nam Kinh ngày nay, sư Đạt Ma (Bồ Đề Đạt Ma hay Đạt Ma sư tổ) sau khi triều kiến Lương Vũ Đế (cũng thuộc triều Bắc Ngụy) ở Kim Lăng bất thành, Bồ Đề Đạt Ma đã đến chùa Thiếu Lâm để truyền bá Phật pháp cho người Trung Hoa.
Nhưng Bồ Đề Đạt Ma và chùa Thiếu Lâm sau này lại trở nên nổi tiếng ở Trung Hoa và các quốc gia lân cận bị ảnh hưởng bởi nền văn minh và văn hóa Trung Hoa không phải ở lĩnh vực tôn giáo mà lại nổi tiếng là Ông tổ của võ thuật Trung Hoa.
Tại Thiếu Lâm tự, Bồ Đề Đạt Ma đã thực hành thiền định trong 9 năm liền quay mặt vào vách núi (cửu niên diện bích). Trong thời gian trụ trì và thuyết pháp, nhận thấy các tăng nhân trong chùa có thể lực rất yếu kém không thể chống chọi nổi với sơn lam chướng khí của vùng núi rừng hiểm trở, ngài đã kết hợp các bài tập luyện thở Yoga và một số môn võ tay không của Ấn Độ sáng tạo nên một số bài tập để rèn luyện tăng cường sức khỏe phục vụ tu hành.
Trên cơ sở khai sáng Thiền của Bạt Đà, sư Đạt Ma triệu tập rộng rãi môn đồ, truyền dạy dòng Thiền, mở rộng chùa chiền, sư sãi ngày một thêm đông. Do đó Đạt Ma sư tổ cũng được coi như là ông tổ của Phật Giáo Thiền Tông. Từ đó chùa Thiếu Lâm nổi danh trở thành tổ đình của dòng Thiền Tông. Từ Đạt Ma sư tổ truyền đến tổ thứ 5 là Hoàng Nhẫn, vì quyền kế thừa dòng Thiền nên đã phân chia thành Bắc phái và Nam phái. Nam phái do Huệ Năng đứng đầu nên về sau được coi là tổ thứ 6 của dòng Thiền. Bắc phái do Thần Tú đứng đầu.
Đạt Ma sư tổ truyền dạy đệ tử ngồi yên mà lặng ngẫm (tĩnh toạ tịch tư) luyện tâm như bức tường không thiên không dựa, an tâm vô vi gọi là “lý nhập”. Phép tu luyện này truyền đến dòng Bắc phái của Thần Tú thì quy nạp thành “ngưng tâm nhập định, chú tâm khán tịnh, khởi tâm ngoại chiếu, nhiếp tâm nội trừng” gồm 16 chữ, tạm dịch “Ngưng đọng tâm để nhập định, chú trọng tâm để nhìn cho trong sạch, nổi lòng lên để chiếu rọi ra ngoài và đè nến tâm để lắng đọng vào trong).
Dòng Nam phái của Huệ Năng đối với Thiền pháp của Đạt Ma có đổi mới tương đối lớn. Huệ Năng cho rằng Phật ở trong lòng, mọi người thông qua tu Thiền đều có thể tự giải thoát thành “người tự do”, tức thành Phật. Phương pháp tu luyện này không hạn chế ở chỗ “tĩnh toạ tịch tư” mà áp dụng theo “hành trú toạ ngoạ, đạo pháp lưu thông”, có nghĩa là mọi biểu hiện của con người đều là biểu hiện của tính Phật, đi ở nằm ngồi, phép đạo chảy trôi, chỉ cần đem ý vị Thiền dung nhập vào cuộc sống ngày thường, tuỳ duyên mà theo, tâm chú vào một cảnh giới là có thể tu tâm dưỡng tính, giác ngộ thành Phật. Chính quan điểm tu luyện Thiền chia thành Bắc- Nam như vậy nên đã ảnh hưởng sâu sắc đến võ thuật Thiếu Lâm.
Ngoài địa vị đặc thù trong lịch sử phát triển đạo Phật ra, Thiếu Lâm tự còn vang danh thiên hạ bởi một yếu tố khác sau hơn 1.500 hình thành, đó là võ thuật.
“Võ công tựa Bắc Đẩu”
Đầu thế kỷ thứ 7 trong cuộc Đường Thái Tôn Lý Thế Dân khởi binh đánh Lý Thế Sung, sư sãi chùa Thiếu Lâm trợ chiến lập công, được Lý Thế Dân khen ngợi và giúp đỡ, cho phép nhà chùa tự lập doanh trại, xây dựng lính sư (tăng binh), từ đó phong trào binh giảng võ nghệ ngày càng lớn mạnh.
Sư sãi trong chùa không chỉ luyện quyền thuật khí giới mà còn luyện đánh bộ, đánh ngựa, luyện khinh công, khí công, lập trận đồ… Các nhà võ thuật nổi tiếng cũng mến mộ danh tiếng nhà chùa mà tìm đến giao lưu, học hỏi, truyền lại cho sư sãi những tuyệt chiêu. Cứ thế chùa Thiếu Lâm trở thành đất hội võ của cả nước, tập hợp được tinh hoa của võ thuật bốn phương.
Sau này các vị võ quan của triều đại nhà Đường (618-907) khi về hưu cũng thường đến chùa Thiếu Lâm để trao đổi võ thuật tạo nên một không khí giao lưu võ thuật mà nó trở thành truyền thống văn hóa và học thuật của nhà chùa cho đến các đời sau. Nhưng cho đến lúc này các bộ môn quyền thuật của Thiếu Lâm vẫn chưa được coi trọng và phát triển đúng tầm cỡ của nó như sau này, vì lúc đó các phương pháp sử dụng binh khí vẫn còn thịnh hành và võ khí phòng thân của các vị tăng nhân trong chùa chính là cây côn mà chủ yếu là trường côn.
Chùa Thiếu Lâm lúc đó vẫn còn giữ nghiêm giới luật cho nên tuyệt đối cấm các tăng nhân sử dụng các loại võ khí bằng kim loại bén nhọn có thể gây sát thương. Do vậy võ Thiếu Lâm đạt rất nhanh đến trình độ điêu luyện và ảo diệu về côn pháp.
Võ sinh Thiếu Lâm tự đang biểu diễn trước chùa. (nguồn ChinaDaily)
Đặc điểm của kỹ thuật quyền Thiếu Lâm là: Kết cấu tư thế nghiêm ngặt, động tác thiết thực chất phác, phát lực cứng mạnh, tiết tấu rõ ràng mau lẹ, tay dùng tiếng phát, đi thẳng về thẳng, tiếng theo tay xuống, giấu quyền chứ không lộ liễu, trong tĩnh ngoài mạnh; phải “nhẹ như mèo, vọt như hổ, đi như rồng, động như chớp, tiếng như sấm”. Các bài quyền chủ yếu có Mai hoa quyền, La hán quyền, Hồng quyền, Trường quyền, Pháo quyền, Triêu dương quyền, Thất tinh quyền, Thông Bối quyền, Quan đông quyền, Trường hộ tâm ý môn quyền, Hộ thân lưu tinh quyền, Thanh long xuất hải quyền, Liên hoàn quyền, Tâm ý quyền, Nhu quyền… cho đến Ngũ hình quyền và Thập nhị hình quyền tức Thử (Chuột), Ngưu (Trâu), Thỏ, Khuyển (Chó), Áp (Vịt), Mã (Ngựa), Dương (Dê), Hầu (Khỉ), Trư (Lợn), Hà (Tôm), Ngư (Cá). |
Tới đời Tống, chùa Thiếu Lâm thu nhập được môn Trường quyền của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn, Thông Bối quyền của Hàn Thông… viết thành quyền phổ (sách dạy quyền) cho sư sãi tập luyện và lưu lại cho đời sau.
Vào đời Kim, có Lý Tẩu và Bạch Ngọc Phong vào chùa để dạy võ nghệ. Lý truyền lại Đại, Tiểu Hồng quyền, côn thuật và cầm nã thủ. Bạch thì truyền lại ngũ quyền: Long, xà, hổ, báo, hạc và khí công. Như thế, chùa Thiếu Lâm cùng các phái lấy sở trường bồi bổ sở đoản. Trải qua thời gian dài nghiên cứu, luyện tập và tổng kết đã phát triển thành môn phái võ thuật có quyền pháp, khí giới… đủ các nội dung, thể lệ hoàn chỉnh, bài bản.
Thiếu Lâm phái được khai sáng bởi Đạt Ma Sư Tổ đến từ Ấn Độ được xem là đại diện cho “Võ lâm Chính phái”. Đệ tử của Thiếu Lâm là nam nhân, có hai loại: Đệ tử xuất gia và đệ tử tục gia. Xuất gia đệ tử xuống tóc tu hành trong chùa, không can thiệp việc giang hồ. Tục gia đệ tử thì tản mác, lưu lạc khắp nơi, hành hiệp trượng nghĩa, có thể kết hôn.
Rất nhiều giai thoại kể rằng, khi các môn đồ tu luyện tại chùa muốn xuống núi, họ phải dùng võ công để vượt qua một đường hầm chứa 108 mộc nhân (người gỗ), mỗi mộc nhân được tạo dựng theo một chiêu thức tạo thành thế liên hoàn rất khó chống đỡ. Vượt qua được đường hầm này kể như được xuống núi và được chấp nhận là cao đồ Thiếu Lâm tục gia.
Tới đời Thanh, do hầu hết sư sãi nhà chùa mang ý tưởng “phản Thanh, phục Minh” nên quan quân Thanh triều đã nhiều lần đốt phá chùa, giết hại sư sãi. Rất nhiều cao thủ của chùa đã phiêu dạt khắp nơi, chủ yếu xuống phía nam. Vịnh Xuân quyền nổi tiếng cũng hình thành trong thời gian này do Ngũ Mai sư thái truyền thụ cho học trò là Nghiêm Vịnh Xuân, sau này được danh sư Diệp Vấn tích cực truyền bá và nổi tiếng trong các bộ phim của Lý Tiểu Long- một trong những học trò xuất sắc của Diệp Vấn.
Sư trưởng (Phương trượng) hiện nay trụ trì tại chùa Thiếu Lâm là hòa thượng Thích Vĩnh Tín (SN 1965). Sau khi hòa thượng này quản nhiệm ngôi chùa năm 2007, đã cho thành lập Công ty Thiếu Lâm tự và đăng ký bản quyền thương hiệu cho võ công Thiếu Lâm tại Trung Hoa với Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) nhằm tránh nạn "ăn cắp bản quyền" và cũng nhằm hạn chế những ngụy phái giả mạo xưng danh là môn đồ của Thiếu Lâm tự làm điều xấu gây phương hại đến uy danh Thiếu Lâm tự, mà nạn phổ biến nhất là việc sáng tác bừa bãi các bài quyền và các kỹ thuật công phu không đúng với nguyên thủy của võ công Thiếu Lâm.
Lịch sử võ công Thiếu Lâm cũng đã là minh chứng cho thấy sự mâu thuẫn về đường lối của Nam Thiếu Lâm và Bắc Thiếu Lâm. Bắc Thiếu Lâm (các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc…) và Nam Thiếu Lâm (các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến…) hiện nay cũng đã được thống nhất trong một hệ thống Thiếu Lâm quyền cùng với Thiếu Lâm Tung Sơn tỉnh Hà Nam (Chính phái).
Tổng thống Nga Putin từng đến thăm Thiếu Lâm tự
Thiếu Lâm tự đã đón nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm chùa, trong đó có Tổng thống Nga Putin. Ngoài ra rất nhiều chuyến du đấu, biểu diễn quảng bá của các đoàn môn sinh Thiếu Lâm tới khắp các châu lục. Điều này cũng làm cho nhiều người yêu mến Thiếu Lâm tự bất bình, có cảm nghĩ rằng Thiếu Lâm tự đang bị thương mại hoá, làm mất tính trầm mặc vốn có của nhà Phật.
Nhưng dù sao, trải qua hơn 1.500 năm hình thành và phát triển, tới nay Thiếu Lâm vẫn là môn phái được giới võ thuật xưng tụng là sao Bắc đẩu của làng võ. Rất nhiều môn phái của Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng hoặc ít nhiều học hỏi từ những chiêu thức của Thiếu Lâm. Băng qua sông với cọng cỏ lau hay hư thực về khinh công võ Thiếu Lâm
Những màn biểu diễn Thủy thượng phiêu, Bích hổ du tường, Mai Hoa thung… của các võ sư Thiếu Lâm ngoài đời hay sự tích Bồ Đề Đạt Ma qua sông Trường Giang trong sương khói huyền ảo chỉ với một cọng cỏ lau... khiến người đời luôn không rõ hư hay thực... Đón xem phần tiếp theo: "Băng qua sông với cọng cỏ lau, hay hư thực về khinh công võ Thiếu Lâm", vào sáng 5/3/2014. |