Giới hạn nào cho Rafa?
Isner đã chơi cực hay, nhưng trước mặt anh là Rafa vĩ đại.
Sẽ không dễ dàng để chấp nhận sự thật phũ phàng: Tay vợt giành nhiều điểm winners hơn đối thủ, không phải đối mặt với bất cứ điểm break nào, nhưng vẫn thua cả hai set trong trận chung kết – trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp của anh ta. Đó là tất cả những gì đã xảy ra với John Isner trong trận chung kết Cincinnati Masters 2013. Xin hãy đừng trách cứ Isner đã đánh mất cơ hội mà hãy nhìn vào thực tế: Tay vợt người Mỹ đã phải thi đấu với Rafael Nadal.
Đây là trận đấu của hai tay vợt có phong độ tốt nhất trên mặt sân cứng mùa hè này. Isner vô địch ở Atlanta, á quân ở Washington và đánh bại 3 tay vợt trong tốp 10 thế giới, trong đó có số 1 Novak Djokovic, để có mặt trong trận chung kết. Nadal bước vào trận đấu cuối cùng với thành tích 14 trận bất bại trên mặt sân cứng mùa này, trong đó có những chiến thắng trước Djokovic ở Montreal và Federer ở Cincy.
Kỷ lục gia Masters 1000, Rafael Nadal
Kết quả của trận chung kết Cincinnati 2013 là 7-6 (10-8), 7-6 (7-3) với phần thắng nghiêng về Nadal, trong một trận đấu kịch tính hơn nhiều nếu chỉ nhìn vào điểm số. Isner, người đã tung tới 3 cú ace phủ đầu trong game đầu tiên của trận đấu (Nadal vẫn luôn thích chọn là người trả giao bóng như một thói quen), tiếp tục sử dụng thứ vũ khí sắc bén nhất của mình gần như hoàn hảo trong set 1. Tay vợt số 1 của nước Mỹ tung ra 27 cú winners và chỉ phải trải qua đúng một game giao bóng phải tới điểm “đều”, luôn cố gắng hạn chế tối đa điểm yếu ở cú trái tay của mình bằng cách thực hiện cú né trái đánh phải chéo sân (inside out forehand) nếu có bất cứ cơ hội nào.
Khi Nadal giao bóng ở tỷ số 5-6, Isner thậm chí đã chơi phòng thủ bền bỉ xuất sắc để dẫn trước 15-40 và có tới 2 set-point. Nhưng đó mới là thời điểm để giải thích vì sao Nadal lại đang thăng hoa đến vậy trên mặt sân cứng mùa này. Lúc Isner ở rất gần chiến thắng trong set 1, Nadal đã trả lời nhanh chóng bằng thứ vũ khí sở trường của chính đối thủ: Những cú giao bóng. Trong 4 điểm tiếp theo, Nadal giành hai điểm từ những cú giao bóng hóc hiểm cùng với 2 cú ace, trong đó có cú giao bóng hai đánh lừa sự phán đoán của Isner vào góc chữ A.
Isner đã xuất sắc nhưng Rafa vẫn xuất sắc hơn ở những big-point
Loạt tie-break diễn ra với sự tự tin của Isner, người đã thắng tới 4/5 loạt tie-break từ đầu giải, và luôn chiếm ưu thế với những cú giao bóng của mình. Một lần nữa, Isner lại có set-point thứ 3 khi tỷ số là 7-6, bằng cú thuận tay giành winners, nhưng Nadal lại đập tan cơ hội ấy bằng những pha tấn công liên tiếp và trái tay khiến Isner đánh hỏng. Thời khắc quan trọng đến vào lúc tỷ số tie-break là 8-8. Isner né trái đánh phải để thiết lập tình huống lên lưới dứt điểm, chứ không đôi công với Nadal như từ đầu trận đấu, và quyết định theo bản năng ấy khiến tay vợt số 22 thế giới bắt lưới không thành công. Nadal dẫn 9-8 và định đoạt set đấu ở điểm tiếp theo.
Set 2 gần như là kịch bản tương tự: Isner tới gần ngưỡng cửa của thành công, chỉ có điều là Nadal còn chơi tốt hơn cả set 1. “Gã khổng lồ” cao 2m08 có một cơ hội giành break khi tỷ số là 3-3 nhưng Nadal bảo vệ game giao bóng một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Trong tình thế có thể mất break, Nadal cứu thua từ quả giao bóng 2 của mình bằng một cú thuận tay khiến Isner phải chống đỡ vất vả trước khi kết thúc bằng một pha bắt volley trái tay khéo léo ngay sát lưới. Ở điểm đều, Nadal lại bước vào sân để tràn lưới và một lần nữa ghi điểm bằng cú volley trái tay chéo sân, trước khi kết thúc game bằng một cú thuận tay dọc dây sở trường.
Nadal sẽ còn cuộc chinh phục số 1 thế giới
Trong những điểm số then chốt ấy, tất cả nhìn thấy một Nadal khác. Một tay vợt chuyên gia cuối sân (baseliner) lại biết chính xác lúc nào mình cần đứng ở vị trí nào trên lưới để cứu những “big-point”. Trong khoảnh khắc ấy, Nadal cho thấy mình là người hiếm hoi trong làng banh nỉ có thể tìm thấy sự cân bằng giữa ranh giới thắng và bại.
Có thể còn quá sớm để nhận định đây là mùa giải thành công nhất của Nadal, vì Rafa sẽ không thể giành tới 3 Grand Slam trong một mùa như năm 2010. Nhưng chức vô địch tại Cincinnati đã là danh hiệu thứ 9 của Nadal trong năm 2013 sau khi đã lọt vào 11 trận chung kết ở 12 giải đấu. Với 1000 điểm ở Cincy, Nadal sẽ trở lại vị trí số 2 thế giới trước khi US Open 2013 diễn ra và nâng thành tích trong mùa giải này lên con số 53 trận thắng – 3 trận thua. Nhưng đáng nói hơn là 15 trận thắng liên tiếp trên mặt sân cứng, mặt sân mà Rafa tự nhận là điểm yếu nhất của mình, đã giúp tay vợt người Tây Ban Nha cân bằng kỷ lục giành 5 Masters 1000 trong một mùa giải của Djokovic vào năm 2011.
Câu hỏi dành cho Nadal: Đâu sẽ là giới hạn của anh? Đã có 3 tay vợt từng thâu tóm cả hai sự kiện Masters 1000 trên mặt sân cứng Bắc Mỹ là Andre Agassi năm 1995, Pat Rafter năm 1998 và Andy Roddick năm 2003. Rafter và Roddick sau đó vô địch US Open cùng năm, còn Agassi tới chung kết (trước khi thua Pete Sampras). Và nếu Nadal lặp lại kỳ tích của các bậc tiền bối?
Câu hỏi dành cho làng banh nỉ: Liệu thế giới đã sẵn sàng cho một tước hiệu lạ lẫm về Nadal nếu như ai đó gọi anh như “Vua sân cứng”?