Gieo niềm tin cho năm mới 2022
Nếu có câu chuyện nào được nhắc đến nhiều trong làng thể thao Việt Nam năm 2021 có lẽ là chuyện được thi đấu hay không thi đấu dù ở giải quốc tế hay quốc nội. Trong một năm mà dịch COVID-19 vẫn chi phối mạnh đời sống thể thao Việt Nam thì câu chuyện được thi đấu của VĐV đã không còn là đương nhiên.
Dù vậy, những cuộc đấu quốc tế và trong nước diễn ra vào cuối năm 2021 khá suôn sẻ đã gieo niềm tin vào một năm 2022 bớt trúc trắc hơn với các VĐV về việc được thi đấu giải, dù là trong nước.
Chút hụt hẫng
Dịp cuối năm 2021, ngồi nhìn lại năm 2021, võ sĩ Wushu Bùi Trường Giang (2 lần giành ngôi á quân ASIAD năm 20214, 2018; vô địch SEA Games 30) nói rằng, năm 2021 thực sự không may mắn với anh và các võ sĩ Wushu khác về việc thi đấu. Cả hai lần Giải Wushu vô địch toàn quốc 2021 dự kiến tổ chức vào tháng 4 và tháng 11 đều hoãn vào phút chót.
"Hồi tháng 4, chúng tôi biết tin hoãn giải chỉ 1 ngày trước khi lên đường. Đến khi biết giải đã được tổ chức lại thì anh em cũng phấn khởi, cố gắng tập luyện. Nhưng đến 2 ngày trước chuẩn bị lên đường dự giải đấu hồi tháng 11 này, anh em lại nhận được thông tin giải đấu không thể tổ chức" - Bùi Trường Giang kể. Tất nhiên đi kèm đó là sự hụt hẫng của những người đang háo hức dự giải đấu để vừa được cọ xát thi đấu, vừa có thêm tấm huy chương bổ sung vào sự nghiệp VĐV và cả chút tiền thưởng từ việc giành huy chương.
Câu chuyện ấy cũng có ở đội kiếm quốc tế Hà Nội. Giữa tháng 12, buổi chiều trước khi diễn ra Giải Đấu kiếm vô địch toàn quốc năm 2021 tại Hà Nội, các HLV trong đội còn hồ hởi tập trung để nghe phân công nhiệm vụ tại giải đấu. Đến hôm sau tất cả lại hụt hẫng biết tin giải đấu không thể diễn ra tại Hà Nội do lo ngại về việc an toàn của các đoàn tham dự.
Không chỉ có đấu kiếm, Wushu, còn một số môn khác cũng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 dẫn đến không thể tổ chức Giải vô địch toàn quốc, giải đấu đỉnh cao trong hệ thống thi đấu quốc gia hằng năm. Trong số này Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia không thể về đích khi tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương; là câu chuyện Giải Karatedo vô địch toàn quốc năm 2021 chỉ đi đến 2/3 chặng đường rồi dừng lại do phát hiện một số ca F0 trong các đoàn tham dự…
Không chỉ hệ thống giải quốc gia bị ảnh hưởng, nhiều cuộc thi đấu, tập huấn quốc tế của các VĐV Việt Nam cũng không thể diễn ra như dự kiến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không có đường bay quốc tế nên nhiều đội tuyển quốc gia như vật, đấu kiếm… đành bỏ lỡ các vòng loại Olympic Tokyo 2020 cũng như các chuyến tập huấn quốc tế chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến thể thao Việt Nam không thể thực hiện được mục tiêu giành khoảng 20 suất trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020 cũng như giành ít nhất 1 huy chương tại kỳ Olympic này.
Nói như một lãnh đạo ngành thì giai đoạn nửa năm đầu 2021 thực sự khó khăn để thực hiện các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế. Việc tiêm vaccine chưa bao phủ được cho HLV, VĐV; các đường bay quốc tế đi đến địa điểm tập huấn, thi đấu quốc tế cực kỳ khó khăn và nếu có, phải chờ đợi trong dài ngày với nhiều chi phí… Biết khó như vậy nên thể thao Việt Nam cũng không dám đặt chỉ tiêu giành huy chương tại Olympic Tokyo 2020 và thực tế đã diễn ra như dự đoán là không giành huy chương ở Olympic Tokyo 2020.
Giải Bóng chuyền vô địch toàn quốc 2021 được tổ chức an toàn tại Ninh Bình.
Vượt qua thách thức
Thực tế, cho đến tháng 10, nhiều đội vẫn duy trì tập luyện trong trạng thái phòng dịch cao nhất, đồng thời nhiều HLV, VĐV đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Hy vọng được dự giải vô địch toàn quốc vẫn le lói và thực sự không dám mong dự các giải quốc tế. Và phải đến khi Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" ngày 11-10-2021 ra đời thì đời sống thể thao thành tích cao Việt Nam mới sôi động trở lại.
Cũng vì vậy trong hơn 2 tháng cuối năm 2021, hàng loạt giải đấu trong nước được tổ chức, giải tỏa nhu cầu được thi đấu, cọ xát của VĐV cũng như yêu cầu đánh giá được phong độ VĐV của các HLV.
VĐV Ngần Ngọc Nghĩa của đội điền kinh Công an nhân dân kể rằng, việc được thi đấu ở giải điền kinh vô địch toàn quốc đã giúp anh giải tỏa tâm lý sau nhiều tháng chỉ tập luyện.
Còn Trưởng bộ môn bi sắt - billiards (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Đặng Xuân Vui bảo rằng, dù hành trình tham gia thi đấu tại Giải billỉads - snooker toàn quốc 2021 của đội khá vất vả khi phải di chuyển bằng ô tô vào Đà Nẵng thay vì đi máy bay, để phòng dịch nhưng chỉ riêng việc được dự giải đã là niềm vui với thầy trò trong đội Hà Nội. Bên cạnh đó, đội còn đánh giá chính xác được phong độ của từng VĐV.
Ông Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT), kể rằng, thực tế, quá trình tổ chức nhiều giải đấu đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là khi phát hiện các ca mắc COVID-19 từ các đoàn tham dự hoặc do diễn biến dịch COVID-19 tại địa phương đăng cai trở nên phức tạp.
Nhưng cũng có nhiều giải đấu vẫn diễn ra như tính toán sau khi ngành Thể thao vẫn đưa ra quan điểm là quyết tâm tổ chức các giải đấu. Vấn đề ở đây là các đoàn, Ban tổ chức địa phương thực hiện nghiêm quy định phòng dịch thì có thể giải được nhiều tình huống khó. Và nhiều địa phương đã thực sự quyết tâm hoàn thành đăng cai tổ chức nên nhiều giải đấu dù có ca F0 trong thành viên các đoàn dự giải được phát hiện trước và trong giải đấu nhưng vẫn đi đến đích. Trong số này có Giải Điền kinh vô địch toàn quốc tại Hà Nội, Giải Xe đạp vô địch toàn quốc tại Vĩnh Phúc; Giải Boxing vô địch toàn quốc tại Bắc Ninh…
Đáng kể nhất vẫn là trường hợp đôn các HLV có bằng trọng tài quốc gia lên làm trọng tài điều hành tại Giải Boxing vô địch quốc gia 2021 khi có một số trọng tài tại giải dương tính với COVID-19. Đây được xem ví dụ rõ nhất về sự quyết tâm, sự linh hoạt trong tổ chức các giải đấu thể thao tại Việt Nam. Như đúc kết của ông Hoàng Quốc Vinh thì bên cạnh quyết tâm của ngành thể thao thì quyết tâm của đơn vị đăng cai có vai trò quyết định trong việc giải đấu có diễn ra hay không.
Trong khi đó, khi nhiều nước đã nối lại đường bay quốc tế nhiều đội tuyển và VĐV đã tham dự các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế. Vì vậy, thể thao Việt Nam mới đón nhận hàng loạt tin vui trong đó có 2 chức vô địch liên tiếp của Lý Hoàng Nam tại hệ thống giải quần vợt quốc tế ở Mexico, 2 HCV của đội Muay tại Giải vô địch Muay thế giới, 3 HCV của đội tuyển Karatedo quốc gia tại Giải Karatedo vô địch châu Á, 2 HCV của đội đua thuyền (nội dung rowing) tại Giải Rowing vô địch châu Á… Các đội bơi, bóng bàn quốc gia đều thực hiện trọn vẹn các chuyến tập huấn tại Hungary…
Rõ ràng, thành công, bài học trong tổ chức giải đấu quốc gia, tổ chức tập huấn và thi đâu quốc tế trong 3 tháng cuối năm 2021 là động lực những người làm thể thao có thể tin vào một năm 2022 sôi động hơn trong đó có thể tự tin tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam trong an toàn. Còn như chia sẻ của các VĐV, thì họ cũng đang hy vọng dự đủ những giải vô địch toàn quốc trong năm 2022 như kế hoạch sau khi lãnh đọa ngành và các địa phương có nhưng bài học trong tổ chức giải thời gian qua.
Có cơ sở tin vào thành công của năm 2022 Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhận định, với việc nhiều giải đấu quốc gia đều diễn ra đúng kế hoạch tại các địa phương, cho thấy việc thích ứng với dịch COVID-19 để tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia là hoàn toàn có cơ sở. Vì thế có thể tin rằng năm 2022, sẽ có nhiều hơn giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức so với năm 2021. |
(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Ngay sau khi phụ công đội trưởng Lê Thanh Thúy nói lời chia tay Ngân hàng Công thương, đến lượt...
Nguồn: [Link nguồn]