Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Sai phạm nhiều, vẫn vững ghế!

Dưới sự quản lý của Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội liên tục xảy ra sai phạm, gây khiếu kiện kéo dài, tạo dư luận xấu trong cán bộ, nhân viên dưới quyền. Thế nhưng cá nhân ông Hùng vẫn được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, tái bổ nhiệm chức giám đốc.

Hồ sơ một đằng, làm một nẻo

Từ năm 2009 đến 2014, Trung tâm HLTTQG Hà Nội (trong bài gọi tắt là Trung tâm) triển khai 5 dự án, gồm: Dự án cải tạo nhà tập luyện và thi đấu bóng chuyền; dự án cải tạo hệ thống cấp thoát nước và đường giao thông Khu A; dự án cải tạo nâng cấp Khu A,B; dự án xây dựng khu phục hồi chức năng VĐV và dự án xử lý nước sinh hoạt, hệ thống dây chuyền nước uống tinh khiết cho VĐV và máy vật lý trị liệu.

Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Sai phạm nhiều, vẫn vững ghế! - 1

Trung tâm HLTTQG Hà Nội, nơi xảy ra nhiều khiếu kiện về sai phạm trong xây dựng cơ bản, chi tiêu tài chính. Ảnh: Anh Tuấn

Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, tại nhiều gói thầu của các dự án trên đã xảy ra vi phạm. Đơn cử như ở gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị nhà phục hồi chức năng VĐV, nhà thầu không đủ điều kiện năng lực theo hồ sơ mời thầu vẫn trúng thầu. Yêu cầu hồ sơ mời thầu, hàng hoá nhập khẩu phải có ký hiệu, mã hiệu, nhãn mác sản phẩm và các tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp pháp.

Tuy nhiên các thiết bị của hệ thống xông hơi, massage là của Trung Quốc, một số không có nhãn hiệu, tem nhãn hoặc logo trên từng sản phẩm. Ba bồn sục ở phòng VIP có nhãn hiệu nhưng không đúng chủng loại, xuất xứ theo hợp đồng, 28 bồn tắm Astral theo hợp đồng xuất xứ của Apower nhưng hồ sơ xuất xứ là của hãng Guangzhou Monalisa Building Material. Nhà thầu này giải thích đây là một thương hiệu của Apower, nhưng qua kiểm tra thực tế 28 bồn tắm này không còn tem nhãn trên từng sản phẩm.

Đối với dự án Cải tạo xử lý nước sinh hoạt, hệ thống dây chuyền nước uống tinh khiết cho VĐV và máy vật lý trị liệu, các thiết bị trong dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết Trung tâm lắp đặt, theo thẩm định giá của Công ty Thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, một số thiết bị là của Đài Loan, Mỹ nhưng trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng là của Trung Quốc. Theo yêu cầu, hàng hóa, thiết bị phải là mới 100% sản xuất từ năm 2011, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng các thiết bị nhập khẩu chưa có giấy Chứng nhận hàng hoá nhập khẩu của Vinacontrol.

Tại biên bản nghiệm thu ngày 25/12/2012, có một số thiết bị không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn cho lắp đặt như: máy rửa chai tự động, máy chiết chai tự động, máy đóng và xoáy nắp chai...với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. Danh mục hàng hoá theo tờ khai hải quan điện tử không trùng khớp với danh mục có trong Phụ lục hợp đồng.

Đối với dự án nay, xác minh của Tổng cục TDTT ngày 27/4/2015 tiếp tục có kết luận, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư (Trung tâm) đã thiếu trách nhiệm trong khâu giám sát, lắp đặt dẫn đến nhà thầu lắp đặt thiết bị không đúng thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải làm lại, kéo dài thời gian thực hiện dự án. 

Gói thầu cải tạo nhà tập luyện và thi đấu bóng chuyền, theo hợp đồng sản xuất, lắp đặt phụ kiện thảm thi đấu với giá hơn 644 triệu đồng, nhưng thực tế, trên cơ sở nền cũ hỏng, cải tạo lại, nhà thầu…tạo lớp lót bằng cao su vụn bên dưới, phủ keo và sơn phủ 5 lớp trên bề mặt sàn để lắp đặt thảm.

Gói thầu cải tạo nâng cấp khu A,B giai đoạn 1, hệ thống trần được thi công theo thiết kế điều chỉnh thay tấm trần thạch cao chịu nước khung xương chìm Malaysia bằng tấm trần Austrong khung xương nổi, nhưng thanh toán vẫn là tấm trần thạch cao (hơn 453 triệu đồng); máng tôn thực tế thi công giữ nguyên khung xương cũ và lắp dựng máng tôn 600x600, nhưng thanh toán vẫn gồm sản xuất và lắp dựng máng tôn 600x1200, khung xương máng 600x1200x600 (hơn 304 triệu đồng).

Tấm trần thạch cao chịu nước ở khu nhà C,D thi công theo thiết kế điều chỉnh là loại dày 4,5mm nhưng thanh toán theo hợp đồng và thiết kế ban đầu là loại dầy 10mm (hơn 519 triệu đồng)…

Sai phạm nhiều nhưng vẫn được tái bổ nhiệm

Dựa theo chủ trương của Tổng cục TDTT năm 2012, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho xây luôn một nhà sàn tại Trường bắn đĩa bay. Việc này được xác định không đúng với quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Ông Hùng giải thích khung nhà sàn là tài sản riêng, xin…tặng Trung tâm, và trong trường hợp quy hoạch Khu A của Trung tâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt không có hạng mục này thì sẽ tự dỡ bỏ.

Sau khi lên nhậm chức vào năm 2010, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho mua sắm, lắp đặt và sử dụng 1 loạt vật dụng đắt tiền trong phòng khách của mình: bộ bàn ghế phù du (54 triệu đồng), tủ sách (27 triệu đồng), giường đơn (20 triệu đồng)….Tổng trị giá theo xác minh hơn 215 triệu đồng, vượt quá quy định. Ông Hùng giải trình các tài sản này được mua sắm để trang bị cho chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung tâm, phòng truyền thống và phòng huấn luyện, nhưng do số lượng chuyên gia ít nên đã…chuyển về dùng.

Tháng 4/2012 và tháng 1/2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã tổ chức 2 đoàn đi Côn Đảo, chi hết hơn 110 triệu đồng. Hoạt động này không nằm trong kế hoạch công tác các năm 2012, 2013 của Trung tâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Đoàn chỉ gồm 5-6 cán bộ trong đó 3 người gồm ông Nguyễn Mạnh Hùng có mặt trong cả 2 chuyến, nhưng được ông Hùng giải thích là nhằm “thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, HLV, VĐV, thể hiện tinh thần “uống nước, nhớ nguồn””.

Năm 2009, ông Nguyễn Mạnh Hùng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhưng sau đó bị tố cáo gian dối trong báo cáo thành tích. Về việc này, điểm a, khoản 1, điều 44 Luật Thi đua, Khen thưởng quy định cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba phải “có 7 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…”. Trong báo cáo, ông Hùng chỉ kê khai đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2003, 2004, 2007 và 2008, không kê khai hai năm 2005 và 2006. Kiểm tra cho thấy năm 2006, ông Hùng bị phân loại đảng viên vi phạm tư cách (đảng viên loại 4), không đạt chiến sĩ thi đua năm 2002.

Để xảy ra hàng loạt sai phạm, cá nhân mắc nhiều vi phạm gây nên tố cáo, khiếu kiện kéo dài, gây dư luận xấu nhưng qua các đợt thanh tra, xác minh của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, ông Hùng vẫn “nguyên vẹn”, không hề hấn gì. Tháng 10/2015, ông Nguyễn Mạnh Hùng được tái bổ nhiệm chức giám đốc chỉ khoảng nửa năm trước khi nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh nghỉ hưu.

Để xảy ra hàng loạt sai phạm, cá nhân mắc nhiều vi phạm gây nên tố cáo, khiếu kiện kéo dài, gây dư luận xấu nhưng qua các đợt thanh tra, xác minh của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, ông Hùng vẫn “nguyên vẹn”, không hề hấn gì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN