Giải mã Murray vô địch Miami Masters
Trận chung kết Miami Masters đúng là cuộc so tài về thể lực và Murray là người chiến thắng.
Khó tưởng tượng tay vợt nào trên thế giới có nền tảng thể lực vượt trội hơn David Ferrer, nhưng chính xác là Andy Murray đã là người chiến thắng trong trận chung kết Miami Masters. Murray cứu được 1 match-point để thắng 2-6, 6-4, 7-6(7-1), trong một cuộc đua thể lực và thật ngạc nhiên khi chưa bao giờ người ta thấy Ferrer lại bị vọp bẻ như vậy ở khoảng thời gian cuối trận đấu.
Khá lạ lùng khi cả trận Murray thậm chí tung ra nhiều cú trái (backhand) hơn cú thuận (forehand), tốc độ của cú đánh cũng thấp hơn thường lệ và vị trí thi đấu cũng thường ở sâu cuối sân, ít lên lưới và bị mất break nhiều hơn. Nhưng cuối cùng bằng cách nào đó, Murray vẫn đăng quang trong một cuộc so tài về sức chịu đựng của cơ thể.
Ferrer có lý do để mà tiếc nuối sau thất bại tại chung kết Miami Masters
Ferrer đã có thể dễ dàng giành chiến thắng khi tay vợt số 4 thế giới có match-point ở thời điểm dẫn 6-5 trong set 3, nhưng Ferrer đã dừng loạt rally lại để khiếu nại bóng ra ngoài. Và hệ thống định vị mắt diều hâu (Hawk Eye) đã chỉ ra cú đánh của Murray vẫn liếm vạch cuối sân.
Murray đã chơi một trận đấu phòng thủ nhiều hơn và cũng mắc lỗi nhiều hơn, nhưng một trong những bài kiểm tra với nhà vô địch thực sự đó là: Tay vợt đó vẫn có thể chiến thắng ngay cả trong ngày anh ta không có phong độ tốt nhất. Trận đấu đã kết thúc với hình ảnh hai tay vợt đứng trên lưới với sự kiệt sức mà có lẽ Murray cũng không tin được mình đã đánh bại một trong những tay vợt có thể lực tốt nhất làng banh nỉ.
Cuộc chiến backhand
Cả trận đấu kéo dài 2 giờ 46 phút, Murray tung ra tổng cộng 305 cú backhand và 277 cú forehand, trong số đó có tới 52% là những cú “groundstroke” (cú đánh khi bóng nảy lên) từ cuối sân và “approach shot” (cú đánh được thiết lập khi tay vợt chuẩn bị lên lưới). Điều này khiến pha bóng kéo dài hơn, và nhiều điểm số khiến hai tay vợt mất sức hơn.
Murray chỉ có 5 cú backhand giành điểm winners cả trận nhưng mắc tới 40 lỗi đánh bóng hỏng (error), bao gồm 32 cú groundstroke và 8 cú trả bóng. Andy có 11 cú forehand giành điểm winners (9 groundstroke và 2 cú trả bóng) và mắc 39 lỗi đánh hỏng (31 groundstroke và 8 cú trả bóng).
Lỗi đánh hỏng (error) bao gồm tổng cộng lỗi tự đánh hỏng (unforced error) và lỗi bị đối phương buộc đánh hỏng (forced error). |
Thông thường ở cấp độ ATP World Tour, có khoảng 3/4 cú groundstroke đến từ cú forehand và các tay vợt thường tìm cách di chuyển sang phần sân có thể chuyển từ cú backhand sang forehand. Mặc dù Murray là một trong những tay vợt có cú backhand hay nhất trong làng banh nỉ nhưng Andy cũng phải luôn tìm cơ hội để đánh forehand bất cứ lúc nào. Giống như ở bán kết Miami Masters gặp Richard Gasquet, Murray tung ra 56% những cú đánh là forehand, trong đó có tới 55 cú né trái đánh phải khi đứng ở phần sân bên trái (ad-court).
Murray đã dùng cú backhand nhiều hơn thường lệ
Nhưng khi gặp Ferrer, Murray lại quyết định dùng backhand nhiều hơn ở ad-court, điều đó khiến cho trận đấu trở nên giằng co và tiêu hao sức lực hơn nhiều. Trong khoảng thời gian ngắn, sự lạm dụng những cú trái tay còn làm hại Murray chứ không giúp ích được mấy. Điều đó trực tiếp giúp Ferrer có thời gian để chuyển những cú backhand thành forehand và tạo ra những loạt bóng bền (rally) nhiều hơn.
Trong trận chung kết, Ferrer tung ra 297 cú forehand (51%) và 277 cú backhand (49%), thực hiện né trái đánh phải ở ad-court nhiều hơn Murray để tạo ra những cú forehand có độ nguy hiểm hơn.
Ferrer chỉ có 4 cú forehand và 1 cú backhand giành điểm winners trong cả trận và mắc 43 lỗi đánh hỏng từ forehand (34 groundstroke và 9 cú trả bóng) cùng 36 lỗi đánh hỏng từ backhand (27 groundstroke và 9 cú trả bóng).
Ferrer cũng là một tay vợt có cú backhand cực hay trong làng banh nỉ nhưng luôn luôn trong tư thế chuyển sang đánh forehand ở ad-court. Trong trận bán kết với Tommy Haas, Ferrer thực hiện tới 69% cú đánh là forehand, hơn hẳn đối thủ chỉ tung ra 37% cú forehand. Đó cũng là chiến lược mà Ferrer sử dụng trong mọi trận đấu trên con đường tới trận chung kết vào ngày Chủ nhật.
Cuộc chiến cuối sân
Một khía cạnh khác thường trong trận chung kết giữa Andy Murray và David Ferrer chính là việc Murray đứng xa hơn vạch baseline so với Ferrer nhưng lại vẫn là người chiến thắng. Có tới 83% cú đánh của Murray sau vạch baseline trong khi Ferrer là 80%. Hầu như những tay vợt có tỷ lệ cú đánh từ vị trí trong sân cao hơn sẽ thắng nhưng điều đó lại ít quan trọng hơn trong cuộc chiến về thể lực cao độ như trận chung kết Miami Masters 2013.
Ferrer nhỉnh hơn trong những loạt bóng có số lần chạm bóng ngắn, còn Murray lại trội hơn trong những loạt bóng bền bỉ. Ferrer giành 82 điểm có từ 10 lần chạm vợt trở xuống (của Murray là 72), nhưng Murray thắng 28 điểm từ trên 10 lần chạm vợt (của Ferrer là 19).
Khá ngạc nhiên khi Murray mới là người chơi sâu hơn ở cuối sân so với Ferrer
Khi tỷ số là 3-3 ở set quyết định, ai cũng có thể thấy những số liệu thống kê bất thường khi hai tay vợt chỉ giành 11 điểm và mất tới 13 điểm khi cầm giao bóng.
Cả hai chính xác đã có 64% cú groundstroke từ ad-court hướng vào backhand của đối thủ. Ngạc nhiên hơn Ferrer tung ra cú đánh uy lực hơn khi tốc độ trung bình những cú groundstroke là 117,5 km/h, trội hơn Murray (114 km/h).
Ferrer có 50 lỗi tự đánh hỏng (unforced error) so với 45 của Murray khi cả hai đều cố gắng thể hiện những cú đánh tốt nhất của mình để chống lại đối thủ có phong cách gần như tương đồng.
Ferrer mạo hiểm hơn trong những tình huống tràn lưới, giành 15/21 điểm (tỷ lệ 71%) trong khi Murray chỉ có 7/14 điểm trên lưới (tỷ lệ 50%).
Quãng đường Murray chạy cả trận cũng ít hơn Ferrer (3.512 mét so với 3.703 mét) nhưng cả hai đều tỏ ra kiệt sức sao trận chiến kéo dài 2 giờ 46 phút.
Cuộc chiến giao bóng
Một thống kê khác thường nữa là việc Murray bị mất break nhiều hơn Ferrer (8 so với 7) nhưng vẫn thắng. Rõ ràng cả hai tay vợt sẽ không thể hài lòng với cách mà họ giao bóng khi Ferrer chỉ có tỷ lệ thắng điểm khi giao bóng hai là 32%, còn Murray tốt hơn cũng chỉ là 38%.
Cả hai đều có gắng giao bóng hai về phía backhand của đối thủ ngoại trừ một cú giao bóng hai của Murray ở phần sân bên phải (deuce-court) ăn vào góc chữ A góc rộng về phía forehand của Ferrer. Đáng ra Ferrer có thể phải giành điểm khi giao bóng hai nhiều hơn khi mà tốc độ trung bình lên tới 148 km/h. còn của Murray chỉ là 130 km/h.
Cuối cùng, Murray sống sót sau một tình huống Ferrer phải xem lại từ Hawk-Eye để cứu match-point. Chỉ là vài centimet thôi nhưng Andy Murray đã được trao chiếc cúp vô địch Miami Masters lần thứ hai trong sự nghiệp.