Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc 2014: BTC có thể lâm vào thế khó!

Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức vòng chung kết giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc, Liên đoàn Bóng chuyền VN đã thành lập Ban Giám sát và trọng tài, gồm 14 thành viên

Như tin đã đưa, sau khi đã có sự thỏa thuận thống nhất với địa phương được giao tổ chức theo kế hoạch ban đầu là Hậu Giang, LĐBCVN và Bộ môn Bóng chuyền Tổng cục TDTT đã quyết định chuyển địa điểm tổ chức vòng chung kết giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2014 (từ 12 đến 19/10) về Vĩnh Long theo đề nghị trước đó của nơi này.

Và mới đây, để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức giải đấu, LĐBCVN đã thành lập Ban Giám sát và trọng tài, gồm 14 thành viên. Đây tưởng chừng là điều bình thường như tất cả các giải đấu trước đây do LĐBCVN phối hợp với Bô môn Bóng chuyền Tổng cục TDTT và địa phưong đăng cai. Thế nhưng khi nghiệm lại, nhiều người bỗng chợt giật mình…

Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc 2014: BTC có thể lâm vào thế khó! - 1

Nghề “giám biên” cũng lắm gian truân và đòi hỏi tay nghề cao

Số là nhằm nâng cao chất lượng điều hành, thường thi ở các giải đấu có việc quan trọng là nhằm giúp xác định các đội lên hoặc xuống hạng, LĐBCVN sẽ bố trí tất cả các thành phần điều hành chính cho mỗi trận đấu đều là ngưòi trung gian – kể cả 4 giám biên.

Thế nhưng, nếu như ở vòng bảng hai khu vực Nam – Bắc và vòng bán kết giải hạng A trước đó, các giám biên đều là người do địa phương cử nhằm tiết kiệm kinh phí thì riêng tại VCK giải hạng A toàn quốc hàng năm, những trận đấu của đội chủ nhà đều phải sử dụng các giám biên trung lập – tức số còn lại trong lực lượng trọng tài điều hành của LĐBCVN có mặt tại giải, nhằm đảm bảo tính khách quan.

Và ở VCK tới đây tại Vĩnh Long, ngoài 4 giám sát, LĐBCVN đã điều động 1 trọng tài cấp quốc tế (Thái Bình), 4 trong tài cấp quốc gia (Hà Nội, TPHCM, Yên Bái, Bến Tre, mỗi nơi 1), 2 trọng tài cấp 1 (TPHCM và Đồng Tháp) và 3 trọng tài cấp dự bị (Đắc Nông, Vĩnh Long và Đồng Tháp).

Tuy nhiên, sự cẩn trọng này dường như chưa đủ mức bởi theo nhiều người am hiểu, ở giải nữ thi đấu theo thể thức vòng tròn, đội chủ nhà Vĩnh Long sẽ phải gặp lần lượt với 4 đội “khách”. Và lẽ đương nhiên, Ban tổ chức (BTC) giải buộc phải “cất” những giám biên địa phương như ở các trận khác và sử dụng 4 ngưòi của LĐBCVN nằm trong số những trọng tài điều hành.

Thế nhưng, ngoài nữ trọng tài của Vĩnh Long có thể được phân công chỉ lật bảng điểm (hoặc Thư ký Libero) xem như… nằm ngoài tầm ảnh hưởng trận đấu của đội nhà, thì 9 người còn lại đều có nhiệm vụ: 2 trọng tài 1 và 2, 2 thư ký biên bản và libero, 1 trọng tài dự bị và 4 Giám biên.

Điều này tuy có gây vất vả hơn cho các trọng tài của LĐBCVN vì họ phải làm việc liên tục trong những ngày có đội nữ Vĩnh Long thi đấu nhưng xem như cũng tạm ổn. Song giả như đến trận nữ Vĩnh Long gặp Hà Nội, Ban tổ chức phải loại tiếp 1 trọng tài của đơn vị Hà Nội nên với lực lượng chỉ còn 8 người trong tay, liệu sẽ giải quyết theo cách thức nào để đảm bảo mỗi trận đấu phải có ít nhất 9 trọng tài trung gian?

Đó là chưa kể số trọng tài có đẳng cấp cao và số đã lớn tuổi vốn lâu nay chỉ quen… “thổi” còi, liệu họ có đủ sức khỏe và đảm đương được nhiệm vụ “tay trái” một cách tốt nhất khi phải chuyển xuống làm giám biên?

Thế mới biết, dù chưa đến hồi nhập cuộc nhưng rõ ràng Ban tổ chức giải có thể sẽ gặp phải nhưng lúng túng cho các vấn đề tưởng chừng rất… đơn giản này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Phương (thethaohcm.vn)
Bóng chuyền Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN