Trận đấu nổi bật

bopanna-va-ebden-vs-krawietz-va-puetz
Nitto ATP Finals
M. Ebden & R. Bopanna
2
T. Puetz & K. Krawietz
1
alexander-vs-carlos
Nitto ATP Finals
Alexander Zverev
-
Carlos Alcaraz
-
arevalo-va-pavic-vs-bolelli-va-vavassori
Nitto ATP Finals
M. Pavic & M. Arevalo
-
S. Bolelli & A. Vavassori
-
casper-vs-andrey
Nitto ATP Finals
Casper Ruud
-
Andrey Rublev
-

Giấc mơ SEA Games của anh em họ Quách

Lần đầu tiên tham gia Giải điền kinh quốc gia 2012, hai anh em Quách Công Lịch (19 tuổi), Quách Thị Lan (17 tuổi) đã gây choáng váng làng điền kinh VN khi đoạt ba HCV.

Hơn thế, họ còn phá kỷ lục quốc gia từng đứng vững 10 năm.

Nếu không có điền kinh, có lẽ cả hai anh em họ Quách giờ đây vẫn còn cặm cụi bên ruộng lúa, rừng keo của người dân tộc Mường ở xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Dấu ấn để lại tại giải vô địch quốc gia vừa qua đã làm thay đổi tương lai của họ.

Rời đồng áng đến với điền kinh

Lịch và Lan là người dân tộc Mường ở xã miền núi Ngọc Liên, nơi đời sống người dân còn rất khó khăn và họ phải vượt 80km để đi từ nhà đến TP Thanh Hóa. Tại đây, những đứa trẻ như Lịch, Lan suốt ngày đi chăn trâu, cắt cỏ và phụ giúp việc đồng áng.

Lan kể: “Nhà nuôi nhiều lợn, hai con trâu nên hết giờ học là đi chăn trâu, cấy gặt. Quanh năm tôi cứ luôn chân luôn tay, chẳng mấy khi được ngơi nghỉ. Do từ nhỏ đã cao to nên anh Lịch phụ giúp bố mẹ việc nặng nhọc. Nói chung, từ bé hai anh em tôi đã rất vất vả với việc nhà nông”.

Năm 2009, khi học lớp 9 trường nội trú của huyện, sau nhiều lần tham gia các giải điền kinh học sinh, Lan được các HLV điền kinh Thanh Hóa chọn lên đội tuyển điền kinh năng khiếu của tỉnh. Thương con, bố mẹ Lan không cho em đi tập điền kinh vì không biết tương lai ra sao. Các HLV của Thanh Hóa phải về địa phương thuyết phục gia đình, Lan mới được lên đội năng khiếu tỉnh.

Hai năm sau, khi đang theo học lớp 11 Trường THPT Bắc Sơn trong huyện, Lịch cũng được chọn lên đội tuyển năng khiếu tỉnh sau vài lần tham gia các giải điền kinh học sinh ở nội dung nhảy cao. Lần này, bố mẹ nhất quyết không để Lịch bỏ học theo điền kinh vì Lịch có 11 năm là học sinh tiên tiến, cả nhà ai cũng mong Lịch sau này sẽ thi đỗ đại học.

“Tôi nói với bố mẹ là hãy để cho tôi một lần được chọn con đường của mình, khó khăn đến mấy cũng chịu được. Chăn trâu, nuôi lợn, đi rừng... cái gì cũng làm được thì không cớ gì tôi không tập được điền kinh. Quyết tâm mãi cuối cùng bố mẹ cũng chịu, tôi nghỉ học chính quy lên thành phố bắt đầu với điền kinh và học bổ túc năm lớp 12. Giấc mơ thi đại học cũng bỏ dở sau khi tôi chuyển hẳn sang điền kinh” - Lịch nói.

Không lâu sau ngày lên đội năng khiếu tỉnh, Lan và Lịch được đưa ra Trường đại học TDTT Từ Sơn để tập huấn và chuẩn bị các giải quốc gia. Sau đó cả hai đều được gọi vào đội trẻ quốc gia và sớm mang thành công về cho điền kinh Thanh Hóa.

“Vượt rào” kỷ lục quốc gia 10 năm

Đó là kỷ lục quốc gia 400m rào nữ do Lan thiết lập ở Giải điền kinh VĐQG 2012 diễn ra ngày 4-10 tại sân Mỹ Đình. Không chỉ đoạt HCV, với thành tích 57”36 Lan đã phá kỷ lục cũ trước đó 10 năm của VĐV Nguyễn Thanh Hoa (57”97). Kỷ lục của Lan được đánh giá rất cao khi vượt thành tích HCV SEA Games 26 và tương đương thành tích HCĐ Asiad. Đây thật sự là điều kỳ diệu đối với một VĐV mới 17 tuổi và mới tập điền kinh chưa đầy hai năm. Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, hết sức vui mừng khi cho rằng Quách Thị Lan sẽ là tiềm năng lớn của đội tuyển điền kinh VN tại SEA Games 2013.

Không chỉ gây sốc ở nội dung 400m rào, trong ngày thi đấu cuối cùng của giải (9-10), Lan và Lịch tiếp tục gây choáng khi đoạt thêm hai HCV ở nội dung 400m nam và 400m nữ. Ở nội dung 400m nam, lần đầu tham dự giải và Lịch đoạt HCV với 48”04, bỏ xa nhiều đối thủ sừng sỏ khác. Còn Lan đoạt thêm HCV 400m nữ với 53”25, đồng thời soán ngôi thống trị đường chạy 400m của VĐV Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội), người đã năm lần giành HCV nội dung này ở Giải vô địch quốc gia.

Ông Lưu Văn Hùng, trưởng bộ môn điền kinh Thanh Hóa, cho biết: “Lịch chỉ tập 400m được ba, bốn tháng, Lan tập được hai năm nhưng thành tích các em mang về cho địa phương quá ấn tượng. Cả tỉnh có 4 HCV, hai anh em Lịch, Lan lần đầu dự giải đã mang về ba HCV. Thành tích này là nỗ lực tuyệt vời của các em”.

Giấc mơ SEA Games của anh em họ Quách - 1

Quách Thị Lan trên đường chạy 400m rào - Ảnh: Nga Nguyễn

Lan từng làm gãy 2 chiếc rào

Lan kể lại những ngày đầu tập chạy rào: “Khi mới chạy rào hai đầu gối tôi từng bị chảy máu, bầm tím và còn làm gãy hai chiếc rào. Nhưng vất vả đến mấy cũng không sao vì đồng hành với tôi còn có anh Lịch. Chơi điền kinh vất vả nhưng cũng không bằng được với công việc nhà nông trước đây”.

Sau khi đoạt hai HCV, Lan vẫn chưa có dịp về nhà thăm bố mẹ do phải ở Trường đại học TDTT Từ Sơn tập luyện và theo học lớp 11.

Hiện cả hai anh em Lịch, Lan đều đang ở đội tuyển trẻ quốc gia và sẽ không có gì bất ngờ nếu trong danh sách điền kinh dự SEA Games 2013 có tên Lan, Lịch. Điền kinh đã giúp Lan có chuyến đi đến Singapore, Indonesia để dự Giải học sinh Đông Nam Á và Giải các nhóm tuổi năm 2012. Chưa bao giờ cô gái Mường này lại nghĩ có ngày mình có cơ hội đi xa như thế. Và trong giấc mơ, cả Lan và Lịch đều mơ có ngày sẽ đứng trên bục cao nhất để nhận huy chương SEA Games.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.Xuân (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN