Gặp Djokovic: Đến lúc Federer tạo bất ngờ?

Liệu Federer có thể làm nên bất ngờ khi anh đang có một giải đấu gần như hoàn hảo, trong khi Djokovic có khá nhiều trục trặc? Ngay cả những người trung thành với Federer nhất cũng khó có thể phủ nhận Federer trong suốt năm năm qua luôn ở cửa dưới so với Djokovic ở những giải đấu lớn nhất, hoặc những trận đấu quan trọng nhất ở một giai đoạn ngắn.

Từ 2011 tới nay, FedererDjokovic đã gặp nhau cả thảy tám lần ở đủ bốn giải Grand Slam khác nhau. Federer thắng hai. Djokovic thắng sáu. Lần cuối Federer giành chiến thắng là năm 2012. Ba lần gần đây, chiến thắng đều thuộc về Djokovic. Ở Australian Open, cả 2 mới chỉ gặp nhau 1 lần trong quãng thời gian nói trên, năm 2011. Djokovic đã thắng trận đấu ấy, cũng ở bán kết, với tỉ số 7-6, 7-5, 6-4.

Tỉ lệ 6-2 ở các giải Grand Slam trong quãng thời gian nói trên đã giúp Djokovic cân bằng được hiệu số đối đầu với Federer, 22-22. Cũng ở chỉ số này, Djokovic đã vượt qua Nadal nhờ có được chuỗi 5 trận thắng liên tiếp gần đây.

Phong độ đoạn ngắn: Chọn Federer

Cả Federer và Djokovic đều không thua set nào ở vòng tứ kết dù đối thủ của họ đều thuộc dạng cứng cựa, lần lượt là Berdych (hạt giống số 6) và Nishikori (7). Nhưng Federer trình diễn thứ tennis xuất sắc hơn Djokovic. Kẻ thất bại trước Federer là Berdych thực tế đã chơi khá hay dù có đôi chút ảnh hưởng vì hao sức do trận đấu năm set với Batista ở vòng 4. Djokovic thì thắng dễ Nishikori một phần vì tay vợt Nhật Bản tự thua.

Trước Berdych, Federer’s có 48 điểm ăn trực tiếp và mắc 26 lỗi tự đánh hỏng. Anh tràn lưới không quá nhiều nhưng hiệu quả thì gần như tối đa, 24/29 lần.

Trước Nishikori, Djokovic giao bóng rất tệ, nhất là bóng một. Ở 2 set đầu, Djokovic đạt tỉ lệ giao bóng 1 vào sân chỉ là 48% và 53%. Djokovic chỉ cứu vãn lại được nhờ hai anh trả giao bóng hay và giao bóng 2 tốt.

Djokovic đã có những dấu hiệu trục trặc trước đó hai ngày, ở vòng bốn với Gilles Simon. Trước một đối thủ mà ở Paris Masters 2015 tổ chức cách nay hơn hai tháng anh vẫn còn chơi như đùa mà vẫn thắng, thì Djokovic đã phải mất tới năm set, bị đẩy tới mức phải thực hiện rất nhiều những cú đánh rủi ro – một phần nguyên nhân có tới 100 lỗi tự đánh hỏng.

Gặp Djokovic: Đến lúc Federer tạo bất ngờ? - 1

Tay vợt số 1 rõ ràng không ở phong độ cao nhất

Chiến thắng hôm ấy là nhờ Djokovic bền bỉ hơn, dẻo dai hơn, và chỉ set 5 trở nên chênh lệch do Simon đã mất quá nhiều sức ở set thứ 4.

Phong độ đường dài: Chọn Djokovic

Như trên đã nói là cứ đến thời điểm quyết định, hay ở những giải đấu lớn thời gian qua thì Djokovic lại chiến thắng. Nếu nó không thể là đẳng cấp thì chỉ có thể gọi nó là phong độ trong một chặng đường dài. 

Vì bàn tới đẳng cấp của cả sự nghiệp dĩ nhiên Federer vẫn là số 1. Ngay cả Nadal từ trẻ tới lúc sang bên kia sườn dốc vẫn thắng Federer nhiều hơn vẫn không thể lấy được danh vị người vĩ đại nhất trong lịch sử môn thể thao này của huyền thoại người Thụy Sĩ.

Sự nhỉnh hơn ấy của Djokovic đến từ 2 yếu tố: Tâm lý và những đối nghịch trong cách chơi.

Thật khó để nói giữa 2 yếu tố trên thì cái nào quan trọng hơn nhưng thực tế là cứ lúc đấu với Djokovic ở những trận quan trọng thì Federer lại đánh mất những phẩm chất tốt nhất.

Nếu nói rằng đó là do thể lực thì không phải vì Federer trong cả hai trận chung kết US Open và Wimbledon đều thua set đầu và set thắng duy nhất là set thứ hai.

Nó phải là vấn đề của tâm lý đã ảnh hưởng tới khả năng bắt nhịp và phô diễn những phẩm chất tốt nhất, đó là giao bóng và tấn công.

Còn vấn đề của sự kị rơ trong lối chơi đầu tiên phải nhắc tới việc Djokovic có khả năng khai thác điểm yếu của cú trái một tay của Federer. Những cú bóng xoáy của Djokovic làm Federer thực sự vất vả, và để hạn chế điều đó thì Federer phải né trái đánh phải nhiều hơn.

Đây lại chính là mầm mống dẫn tới việc Federer thường di chuyển nhiều hơn và qua đó mất sức nhiều hơn so với một Djokovic đủ tự tin để bung trái và chỉ cần né trái đánh phải ở một số tình huống nhất định.

Thứ hai là ở kỹ năng trả giao bóng của Djokovic đã đạt tới cảnh giới siêu việt nên nó đã khiến Federer phải bối rối khi giao bóng, đặc biệt là sau khi đã hỏng bóng một.

Đứng trước một người có thể biến những cú trả giao bóng thành vũ khí tấn công ngay tắp lự như Djokovic quả là rất dễ nao núng. Trả giao bóng vào chân, hai mở ra hai mang là kỹ năng mà Djokovic đã thực hiện suốt năm năm qua, trước mọi đối thủ.

Thế cho nên, việc Federer có số lượng cú ace nhiều hơn gần 1/3 số cú ace của Djokovic (60-43) có lẽ rồi sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi cả hai bước vào sân chiều mai (15:30 theo giờ Việt Nam).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN