Federer vĩ đại là nhờ cây vợt

Federer vĩ đại nhất tennis đương đại nên sử dụng cây vợt được cho là khó đánh bậc nhất hiện nay?

Vợt Federer nhỏ nhất

Lập luận ở đây là rất giản đơn: Cây vợt tennis nào có sweet spot, hay còn gọi là điểm êm, nhỏ hơn thì càng khó tung ra một cú đánh chính xác và uy lực hơn. Mà để xác định sự khác biệt về điểm êm giữa các cây vợt khác nhau cũng không khó, đa phần chỉ cần áp dụng nguyên tắc, là đầu vợt càng nhỏ thì điểm êm càng bé.

Cây vợt của Federer chỉ có diện tích mặt vợt là 90 inch vuông (580,64 cm vuông), trong khi vợt của Nadal và Djokovic đều có thông số tương ứng là 100 inch vuông (645 cm vuông).  

Điểm êm của cây vợt tennis nằm ở giữa. Nó không phải là chỗ mà quả bóng nảy mạnh nhất (gần về phía cán vợt), hay nảy ít nhất (phía đầu vợt), mà là nơi tạo ra ít rung chấn nhất tới đôi tay nhưng vẫn tạo ra lực đánh mạnh cũng như đi theo ý muốn.

Đó là một phần lý do tại sao Federer đôi khi có những cú bắn chim từ cả trái tay lẫn phải tay trong khi tỉ lệ đó ở hai tay vợt còn lại ít hơn rất nhiều.

Và đó cũng là lý do tại sao khi người ta phát minh ra vợt kim loại để thay thế vợt gỗ, thì mặt vợt tennis được nâng từ mức khoảng 60-70 inch vuông lên khoảng 80-90 inch vuông mà trọng lượng của cả cây vợt vẫn được giữ ở mức tương đương.

Federer vĩ đại là nhờ cây vợt - 1

Federer sử dụng cây vợt có mặt vợt nhỏ hơn các đối thủ

Nhưng sẽ là ngây thơ khi cho rằng vì cũng sử dụng vợt mặt nhỏ mà những người như Dolgopolov, Dimitrov (cùng vợt như Federer nhưng mặt vợt là 93 inch vuông) hay Andy Murray (98 inch vuông) tài năng hơn những tay vợt khác, trong đó có Nadal và Federer.

Bởi nếu cứ mặt vợt to hơn mà dễ sử dụng hơn, tạo ra nhiều ưu điểm hơn thì Federer có lẽ đã đổi sang cây vợt mặt cỡ to chứ không chỉ trung thành với dòng vợt anh đang sử dụng trong suốt 10 năm qua, thay vì chỉ đổi từ cây vợt giống như của Pete Sampras khi anh bắt đầu trưởng thành.

Cây vợt của Pete Sampras thực ra mới có diện tích mặt vợt nhỏ nhất trong kỷ nguyên tennis hiện đại, ban đầu chỉ là 80 inch vuông rồi sau đó mở to ra thành 85. Khi Sampras đấu với Federer năm 2003 hay tới đầu năm 2012, huyền thoại người Mỹ vẫn sử dụng cây vợt ấy (giống như việc anh chỉ mặc một kiểu quần áo và chỉ đi một loại giày qua bao năm tháng). Chỉ tới gần đây, ở giải của các ngôi sao về hưu, Pete Sampras mới cầm cây vợt mới, Pure Storm của Babolat.

Đôi khi sự tiến bộ của công nghệ kết hợp với bí quyết của các nhà sản xuất giúp cho các tay vợt có được những cây vợt mặt cỡ nhỏ nhưng vẫn có nhiều tính năng vượt trội, và việc đánh bóng trúng điểm êm một cách tự nhiên khi họ thực hiện đúng kỹ thuật không phải là vấn đề.

Qua cây vợt, biết được lối chơi

Còn nhiều thông số khác làm nên các tính năng đặc trưng, hay nói đúng hơn là để tạo ra những ưu nhược điểm cho một cây vợt.

Ở đây, trong sự so sánh vũ khí của ba ngôi sao hàng đầu thế giới đương đại, các cây vợt Federer, Nadal và Djokovic sử dụng đều nói lên rất nhiều về lối chơi của họ.

Cây vợt của Federer nặng nhất, 357gr chưa kể căng dây (và chưa kể việc độ vợt) giúp cho anh có thể tạo ra những cú đánh uy lực, triển khai lối đánh tấn công. Nhưng việc đầu vợt của nó nhẹ hơn giúp anh kiểm soát vợt dễ dàng, và đặc biệt hỗ trợ rất nhiều cho anh trong việc bắt volley.

Federer vĩ đại là nhờ cây vợt - 2

Vợt của Nadal và Djokovic có những đặc điểm khác nhau

Cây vợt của Nadal lại thuận lợi trong việc tạo độ xoáy. Mặc dù mặt vợt cỡ 100, nhưng mật độ dây đan của cây Babolat AeroPro Drive lại chỉ là 16 dây dọc và 19 dây ngang. Những mắt vợt thưa hơn làm cho bóng ngập sâu hơn ở điểm tiếp xúc, và từ đó với kỹ thuật đặc trưng của mình (đưa bóng từ dưới lên), các cú thuận tay của Nadal có độ xoáy nhiều gấp rưỡi đến gấp đôi người khác. Và mặt dây thưa hơn cũng giúp Nadal đánh bóng mạnh hơn để anh không quá thất thế khi đứng sâu ở cuối sân.

Đến Djokovic, người chơi thiên về tấn công từ cuối sân với các cú đánh có điểm rơi rất nhạy cảm (rất khó, nhưng ranh giới đi ra ngoài rất mong manh), anh cần một cây vợt thiên về khả năng kiểm soát độ chính xác. Vì thế, cùng mặt vợt cỡ 100, nhưng chiều dọc lại có hơn hai dây và chiều ngang có hơn một dây so với của Nadal. Djokovic thậm chí còn là người căng dây nặng hơn cả Nadal và Federer để tăng khả năng kiểm soát cú đánh. Đó là còn chưa kể tới việc Djokovic phải cần tới dòng vợt có tốc độ swing nhanh (Head Youtek Speed) vì anh là người có kỹ thuật backswing (mở vợt ra phía sau) rộng hơn nhưng tốc độ swing nhanh so với hai đàn anh (xét về cả tuổi tác lẫn số Grand Slam).

Nhưng là một thực tế không thể phủ nhận, rằng chẳng còn tay vợt đương thời nào dám chơi cây vợt mặt cỡ bé 90 như Federer. Nó không phải vì anh là người thuộc thế hệ U40, lớn lên trong thời các cây vợt đa phần đều bé. Hàng loạt những tay vợt đã ngoài ba chục tuổi giờ đều sử dụng vợt có mặt vợt từ 95 inch vuông trở lên. Lối đánh của Federer như đã nói ở trên, là sự kết hợp hài hòa của tennis trước thế kỷ 21 và tennis đương đại. Kỹ thuật của anh hoàn chỉnh để anh có thể thực hiện chính xác các cú đánh.  

Đó là lý do tại sao chúng ta lại thấy Federer có lối đánh không chỉ mê hoặc được các fan trẻ (đến với tennis gần đây), mà quyến rũ cả những fan tennis lớn tuổi (chơi tennis từ thời một cây vợt xách tay từ nước ngoài về trị giá cả cây vàng).   

Đó cũng là lý do tại sao, bên cạnh sự quen thuộc trong sử dụng, để anh từ chối đổi sang dòng vợt khác trước hàng loạt những phân tích và gợi ý nên dùng vợt mặt to để hạn chế vấn đề tuổi tác trong quãng thời gian hơn hai năm anh tay trắng ở các giải Grand Slam (Australian Open 2010 tới Wimbledon 2012).

Liệu trong tương lai, người giỏi nhất của thế hệ anh ta sẽ lại là tay vợt sử dụng cây vợt có mặt vợt nhỏ nhất so với các đối thủ, như Sampras và Federer?

PHẠM TẤN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN