Federer và chiến dịch 2016: Sự toan tính chiến thuật

Roger Federer vừa công bố kế hoạch cụ thể của anh trong mùa giải mới năm sau, trong đó đáng chú ý khi “Tàu tốc hành” sẽ bỏ rất nhiều những giải đấu quan trọng trên sân đất nện để dồn sức thi đấu trên mặt sân cứng và sân cỏ.

Vừa qua, Federer đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân của anh lịch trình tham dự các giải đấu trong năm 2016 mà mình sẽ tham dự.

Cụ thể, trong năm tới, “huyền thoại sống người Thụy Sĩ” sẽ tranh tài ở 16 giải đấu chính thức nội dung đánh đơn trải dài từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng Mười. Đó là các giải đấu tại: Brisbane (từ ngày 4/1), Úc mở rộng (18/1), Rotterdam (8/2), Dubai (22/2), Indian Wells (7/3), Roland Garros (22/5), Stuttgart (6/6), Halle (13/6), Wimbledon (27/6), Toronto (25/7), Olympic Rio (8/8), Cincinnati (15/8), Mỹ mở rộng (29/8), Thượng Hải (10/10), Basel (24/10) và Paris (31/10).

Đáng chú ý, nhìn vào danh sách “tham chiến” này của Federer, chúng ta có thể thấy anh chỉ tham dự đúng 1 giải đấu trên mặt sân đất nện mùa tới là Roland Garros – giải Grand Slam thứ 2 trong năm.

Federer và chiến dịch 2016: Sự toan tính chiến thuật - 1

Kế hoạch tham dự các giải đấu mùa giải 2016 của Federer

Những giải Masters 1000 trên mặt sân màu nâu đỏ này mà FedEx tham dự các năm trước như Monte-Carlo, Madrid hay Rome đều bị anh “cắt bỏ” khỏi lịch thi đấu năm 2016 để dồn sức cho các giải đấu trên mặt sân cứng và sân cỏ sở trường trong mùa giải mới.

“Tàu tốc hành” sẵn sàng chấp nhận bị trừ điểm trên BXH ATP (vì theo quy định, các tay vợt nam trong top 30 thế giới phải tham dự đủ 4 giải Grand Slam và 8/9 giải Masters 1000, nếu không sẽ bị hạ điểm số) vì những toan tính chiến thuật của mình.

Năm tới, Federer sẽ bước sang tuổi 35, lứa tuổi không cho phép anh quá tham lam trong việc tham dự các giải đấu lớn nhỏ trong năm nữa.

Anh cần cân nhắc kỹ những giải mà mình vừa có được kinh nghiệm và thành tích tốt trong quá khứ, lại vừa phù hợp với lối chơi, khả năng và điều kiện thể lực của bản thân thời điểm hiện tại.

Trong 16 giải đấu mà Federer sẽ tham dự năm 2016, chỉ có 1 giải đấu trên sân đất nện là Roland Garros, 3 giải sân cỏ và có đến 12 giải đấu trên sân cứng.

Federer và chiến dịch 2016: Sự toan tính chiến thuật - 2

Federer chấp nhận bỏ một số giải đấu trên sân đất nện trong mùa tới để dồn sức tại các giải trên sân cỏ và sân cứng sở trường

Mới đây, khi tham dự giải đấu giao hữu International Premier Tennis League, FedEx đã từng trả lời phỏng vấn rằng: “Tôi đã lên sẵn kế hoạch cho năm 2016 tới xoay quanh Olympic Rio và các giải Grand Slam. Đúng vậy, tôi đã lên lịch trình hết rồi và đang rất mong chờ những thành công sắp tới. Úc mở rộng sẽ là một mục tiêu lớn với tôi. Những giải đấu sau đó sẽ rất khó khăn.”

“Đây sẽ là một năm không hề dễ dàng. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rất vui. Tôi đang ở trong trạng thái thể lực tốt và tôi sẽ tiếp tục với các giải đấu khá lâu đấy. Không có dự định giải nghệ nào hết. Tôi không có mốc thời gian cụ thể nào bởi đơn giản bây giờ tôi vẫn đang rất tốt.” – tay vợt nam từng giành đến 17 Grand Slam nói.

Phát biểu mạnh miệng như vậy nhưng nhìn vào kế hoạch chinh chiến mùa giải 2016 của Federer có thể thấy anh không đặt nặng mục tiêu chinh phục các danh hiệu trên mặt sân đất nện. Đây là mặt sân sở đoản với “Tàu tốc hành” vì trên sân đấu màu nâu đỏ này, bóng bay chậm và khiến các tay vợt bị hạn chế nhiều cú giao bóng, trong khi lại hao tổn nhiều thể lực vì những loạt rally (bóng bền) dai dẳng.

Federer đã ở tuổi băm, việc di chuyển nhanh hay đảm bảo thể lực trên mặt sân đất nện sẽ không dễ dàng và rõ ràng, khi thi đấu trên mặt sân này ở thời điểm hiện tại, anh sẽ thất thế rõ rệt so với Djokovic, Nadal hay thậm chí cả Wawrinka – người đã thắng cả anh và Nole tại Roland Garros trên hành trình đăng quang giải Grand Slam tại Paris năm ngoái.

Khi đã 35 tuổi, việc dồn sức ở các giải Masters 1000 và Grand Slam hay Olympic Rio trên 2 mặt sân cỏ và sân cứng sở trường sẽ là hợp lý hơn với FedEx.

Thêm vào đó, anh cũng vừa chia tay với HLV Stefan Edberg để hợp tác với “người thầy” mới là Ivan Ljubicic nên cần có thêm một số quãng nghỉ trong năm để làm quen với phong cách huấn luyện của cựu tay vợt người Croatia cũng là điều cần thiết.

Năm 2015, Federer đã có 6 danh hiệu ở cả 3 cấp độ ATP 250, 500 và Masters 1000. Anh cũng đã lọt vào 2 trận chung kết Grand Slam ở Wimbledon và Mỹ mở rộng nhưng chỉ đáng tiếc là đều gác vợt trước Djokovic. Năm 2016, với kế hoạch chinh chiến “biết người, biết ta”, liệu “Tàu tốc hành” có thể gặt hái thêm nhiều thành công mới?

Video Federer chia sẻ về tham vọng năm tới (Bản quyền thuộc VTV):

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Đức ([Tên nguồn])
Roger Federer: Tay vợt vĩ đại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN