Federer: Tiếng gọi của một huyền thoại

Một trong hai lần cuối cùng Federer thực hiện cuộc lội ngược dòng kinh điển sau khi thua hai set trước khi hạ Cilic xảy ra ở chính Wimbledon 2012, giải đấu đã chứng kiến Federer giành Grand Slam thứ 17.

Video Federer ngược dòng hạ Cilic sau 5 set căng thẳng:

Thế thì Federer có vô địch Wimbledon 2016 được không? Sự trùng lặp của lịch sử có thể tạo nên những niềm tin, nhưng tốt hơn cả là niềm tin được gây dựng từ những năng lực thực tế trên sân.

Trước tiên phải là chính việc lội ngược dòng ấy cho thấy Federer ở tuổi 35 (sẽ tròn vào tháng 8 tới), vừa mới đứng dậy sau những chấn thương tái phát ở lưng nhưng vẫn còn có thể tạo nên những điều kỳ diệu trên sân đấu.

Federer: Tiếng gọi của một huyền thoại - 1

Federer chơi chệch choạc trong 2 set đầu

Cilic trước Federer ở tứ kết Wimbledon 2016 đã chơi thứ tennis đỉnh cao của anh như đã trình diễn ở bán kết trước chính Federer ở bán kết US Open 2014.

Hôm ấy, ở New York, Cilic đã áp đảo hoàn toàn Federer chỉ sau 3 set bằng những cú giao bóng rồi kiểm soát toàn bộ sân đấu, thắng ở cuối sân và sắc sảo ở trên lưới.

Hôm qua, Cilic trong một nửa thời gian đầu của trận đấu cũng đã chơi xuất sắc như thế, với tất cả những gì mạnh mẽ nhất của bản thân, tới mức Federer thú nhận sau trận rằng đó là lúc mà anh chỉ biết cố gắng tập trung và kiên nhẫn hy vọng rằng có một lúc nào đó Cilic sẽ sút giảm.

Cho tới giữa set ba, Cilic đã có cơ hội để có thể tái lập lại được chiến thắng với ba set liền như thế khi ở game Federer cầm giao bóng lúc tỉ số đang là 3-3 ở set thứ ba, Cilic có tới 3 break points (0-40). Nếu ăn game ấy, liệu ai có thể không nghĩ rằng Cilic sẽ không thắng nhanh và gọn?

Nhưng Federer đã cứu được cả ba break points bằng việc tấn công dồn ép (chỉ một lần trong ba điểm thua của Cilic là do anh tự đánh hỏng). Và đây thực sự là bước ngoặt của trận đấu: Federer và các fan của anh bắt đầu tin vào một khả năng lội ngược dòng; Cilic bắt đầu cảm thấy nao núng, có đôi chút hoang mang về một khả năng thua ngược.

Ngay ở game cầm giao bóng sau đó của Cilic, Federer thắng điểm quyết định nhờ một lỗi kép của đối thủ trẻ hơn anh tới 7 tuổi.  

Federer xuất sắc còn Cilic càng chơi càng tệ

Trong quá khứ, Federer đã từng có chín lần lội ngược dòng sau khi thua hai set đầu như thế, và nhiều trong số đó là trước những tay vợt hàng đầu như Nadal năm 2005, Del Potro năm 2012, Berdych và Haas năm 2009, và Monfils năm 2014. Nó đủ để tạo nên niềm tin cho Federer và cũng đủ cho cả Cilic phải cảm thấy dao động.

Cilic gạt đi sự ám ảnh đó ở set thứ tư nhưng đó lại là lúc mà anh không còn duy trì được sự chính xác nữa. Và Federer cũng đã chơi tốt lên khá nhiều.

Federer cứu được match point đầu tiên khi anh cầm giao bóng lúc tỉ số là 5-6 ở set thứ tư nhờ Cilic trả giao bóng hai hỏng. Federer đưa set 4 vào tiebreak nhờ kỹ năng giao bóng siêu hạng và một thứ giác quan của thiên tài không bị bào mòn bởi tuổi tác khi anh bỏ nhỏ rồi thả cho quả bóng bay qua mặt nhờ đã “ngửi” thấy nó là một cú đánh quá dài của đối thủ.

Ở loạt tiebreak ấy, Cilic tiếp tục cho thấy anh tự thua, tự ném đi những cơ hội (hai pha tự hỏng ở hai điểm cuối tiebreak, 9-11) còn Federer tiếp tục tìm được cảm hứng từ những cú trái tay và cả những cú giao bóng mẫu mực.

Sự điều chỉnh về lối chơi ở đây có thể là một yếu tố then chốt. Federer có Ivan Ljubicic, Severin Luthi và cả khách mời đặc biệt Stefan Edberg – toàn những chuyên gia tấn công và cả lên lưới ngồi trong khu kỹ thuật nhưng trong set năm tuyệt nhiên không một lần tràn lưới.

Đó không phải là một phát kiến vĩ đại gì nhưng rõ ràng là sự già dặn, là giá trị của bề dày kinh nghiệm của một người không chỉ nhiều tuổi hơn mà còn trải qua nhiều hơn những cuộc đấu đỉnh cao như Federer.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Wimbledon 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN