Nếu kết quả đồng thời là lựa chọn của cảm xúc và các con số thống kê, đó hẳn là người xuất sắc nhất trong nhóm các huyền thoại tennis. Nhìn vào các chỉ số xuất sắc nhất cho tới hôm nay, cho chặng đường họ đã đi qua và chinh phục, tự các con số đã tôn vinh huyền thoại số 1 trong làng banh nỉ.
Có hai giá trị các tay vợt theo đuổi khi bước vào sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp: Chinh phục các danh hiệu, trong đó đỉnh cao là Grand Slam, và trở thành số 1 thế giới.
Các mục tiêu này không chỉ dẫn dắt họ lúc còn trẻ, mà cả khi đã định danh.
Djokovic lúc bắt đầu biết chơi tennis đã coi trở thành số 1 thế giới là mục tiêu. Federer lúc chiến thắng ở Roland Garros, cân bằng kỷ lục của Sampras đã khóc khi anh biết rằng mình là người duy nhất sánh ngang với Sampras, nhưng lại hơn ở việc chinh phục thành công cả bốn giải đấu.
Nadal ghi nhớ mùa Hè 2008 như một phần đặc biệt nhất của sự nghiệp, bởi trong hai tháng anh không chỉ lần đầu vô địch Wimbledon, giành HCV Olympic, mà còn lần đầu lên vị trí số 1 thế giới sau 4 năm liên tiếp “chờ” ở vị trí số 2.
Thế nhưng, cả hai tiêu chí này cũng không quyết định tất cả khi các ứng viên của một cuộc đua vĩ đại sau này đều vượt qua những cột mốc ấy.
Các tiêu chí đánh giá trở nên phức tạp hơn, và không còn là câu chuyện riêng của những người hâm mộ tennis thuần tuý.
Hàng loạt sinh viên, các nhà nghiên cứu danh tiếng, và đương nhiên cả những chuyên gia phân tích tennis hàng đầu trong suốt nửa thập kỷ qua đã miệt mài đi tìm những chỉ số có giá trị để xem ai trong số Federer, Nadal và Djokovic là người xuất sắc nhất.
Họ cùng thống nhất với nhau một điểm, cần phải có các phương pháp đánh giá toàn diện. Havard Sport Analysis - Trung tâm nghiên cứu thể thao của các sinh viên trường Havard coi hiệu số đối đầu chỉ là 1 trong 5 chỉ số, bên cạnh thành tích của sự nghiệp (danh hiệu vô địch), thời kỳ đỉnh cao kéo dài bao lâu, đỉnh cao của sự nghiệp đạt tới mức độ nào, và khả năng thích ứng.
Ultimate Tennis, 1 trong số ít chuyên trang phân tích các số liệu trong tennis, có một hệ thống chấm điểm được cho là phản ánh chính xác hơn cả hệ thống xếp hạng ATP rankings, đưa ra tới 13 chỉ số, nhằm đánh giá chính xác giá trị của mỗi thành tích.
* Nhìn từ các giá trị cốt lõi
Federer không phải là người dành được nhiều danh hiệu vô địch nhất của lịch sử tennis đơn nam, vẫn còn kém 6 danh hiệu, 103 so với 109 của Jimmy Connors. Nhưng Federer lại vượt trội ở giá trị của các danh hiệu.
20 Grand Slam, 28 Masters 1000, 6 ATP Finals của Federer có giá trị hơn hẳn so với việc chỉ có 8 Grand Slam, và 3 chức vô địch giải cuối năm của kỷ lục gia Jimmy Connors.
Ngay trong nhóm BIG 3, Federer không chỉ vượt trội so với Nadal và Djokovic về tổng số lượng danh hiệu, cũng như chất lượng. Federer có 103, còn Nadal là 85 và Djokovic là 79 danh hiệu đơn các loại. Và lần lượt số Grand Slam của họ là 20, 19 và 17.
Nadal là người duy nhất trong số này giành được tấm HCV đơn nam ở Olympic, nhưng cũng là người duy nhất chưa có được vinh quang ở ATP Finals.
Là người dẫn đầu về tổng số Grand Slam, Federer còn đứng đầu ở một chỉ số khác mà hầu hết đều coi trọng: Tính liên tục của khả năng chinh phục.
Nadal chỉ có 11 trận tứ kết liên tiếp và 7 bán kết liên tiếp. Djokovic với 28 tứ kết và 14 bán kết liên tiếp. Federer vượt trội với các kỷ lục 31 tứ kết và 21 bán kết liên tục. Thậm chí, Federer có hai chuỗi chung kết liên tục là 10 và 8 trận.
Chất lượng và số lương giải đấu vì thế là một trật tự đương nhiên: Federer, Nadal rồi mới tới Djokovic.
* Nhìn từ ngôi số 1 thế giới
Tennis là môn thể thao có hệ thống tính điểm và xếp hạng khốc liệt nhất thế giới. Việc duy trì quãng thời gian 52 tuần và cam kết số lượng giải đấu tham gia khi dưới 30 tuổi đòi hỏi các tay vợt phải liên tục và tiến lên so với chính họ khi tham dự mỗi giải đấu qua năm này năm khác.
Bảng xếp hạng cũng được lấy làm căn cứ để xếp hạt giống và bốc thăm, nên vị trí số 1 thế giới không chỉ mang lại danh vọng mà cả những ưu thế thể thao.
Số 1 thế giới vì vậy trở nên quan trọng xem ai đứng đầu, ai kết thúc năm ở vị trí số 1, và tổng số tuần họ ngự trị ở vị trí đó.
ATP đã đặt ra những khoản tiền thưởng hấp dẫn cho những ai đứng ở vị trí số 1 thế giới mà tham dự đủ các số giải cần thiết.
Cả Federer, Nadal và Djokovic cho tới lúc này đều có 5 năm kết thúc ở vị trí số 1. Riêng Federer, anh có 4 năm liên tiếp. Djokovic phi thường với 2 lần 2 năm liên tiếp. Còn Nadal, sự đứt quãng giữa các năm phần nào đó thể hiện sự tác động của chấn thương.
Nhưng nhìn toàn cục, 310 tuần ở ngôi số 1 của Federer là kỷ lục, so với 282 tuần của Djokovic và 209 tuần của lần lượt Djokovic và Nadal.
Cũng tương ứng với việc thể hiện một thứ tennis ở đẳng cấp siêu việt trong thời gian dài, Federer làm nên kỷ lục 237 tuần liên tiếp ở vị trí số 1, khoảng 4,5 năm. Nadal chỉ có 47 tuần liên tiếp, còn Djokovic là 122.
* Nhìn từ sự toàn diện & vượt trội
Cả 3 đều đã chiến thắng ở 4 giải Grand Slam khác nhau, tương ứng với 3 loại mặt sân, và phản ánh họ là những tay vợt toàn diện – một tiêu chuẩn mà đôi khi ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn không thể tìm ra nổi một tay vợt.
Tất nhiên, vẫn cần phải trả lời câu hỏi, ai là người toàn diện hơn cả, bởi không thể phủ nhận là mỗi tay vợt lại dựa vào sức mạnh sở trường để tạo ra ưu thế vượt trội và vươn tới vị trí như ngày hôm nay.
Nadal với 12 danh hiệu ở Rolland Garros là Vua đất nện. Federer với kỷ lục 8 danh hiệu ở Wimbledon, với 5 năm liên tiếp toàn thắng ở mặt sân cỏ (2003-2007) là xuất sắc nhất ở đó. Djokovic lại lập kỷ lục với 8 chức vô địch ở Australian Open và 3 US Open cho thấy sự áp đảo trên mặt sân cứng.
Djokovic dù chỉ 1 lần đăng quang ở Roland Garros như Federer, nhưng tay vợt người Serbia lại trực tiếp đánh bại được Nadal ở giải đấu này.
Djokovic kém 3 danh hiệu ở Wimbledon so với Federer (5-8), nhưng đã đánh bại Federer tới 3 lần khi họ gặp nhau trong các trận chung kết ở đây.
Dù cho cả 3 lần đối đầu ở Wimbledon đều diễn ra khi Federer đã bước qua ngưỡng tuổi 30, thì những con số thống kê này cho thấy Djokovic đạt tới sự toàn diện một cách khó tin.
* Và câu trả lời
Nếu như so sánh giữa Pele và Maradona trước kia hay Messi và Ronaldo sau này người ta chỉ cần tính danh hiệu ở đội tuyển quốc gia, ở câu lạc bộ, số lượng bàn thắng và kiến tạo, số danh hiệu cá nhân (Quả bóng Vàng), rồi tới những kỹ năng thiên bẩm, những pha trình diễn trên sân cũng cho ra kết quả.
Còn so sánh trong môn Golf, chỉ cần tính số danh hiệu các giải đấu lớn, các danh hiệu ở PGA Tour cũng xong, sẽ biết Jack Nicklaus (18 giải lớn, 73 PGA) và Tiger Woods (15 giải lớn, 82 PGA) xứng tầm, dù thi đấu ở thời đại khác nhau.
Tennis thật ra cho tới khi sản sinh ra BIG 3 huyền thoại, nó cũng từng giản đơn như thế. Cho tới những năm 1970, Rod Laver là số 1 vì ông có hai năm giành cả bốn Grand Slam. Rồi tới những năm đầu 2000, Sampras là số 1 và duy nhất với thành tích 14 Grand Slam tưởng như không ai phá nổi.
Thời gian mang lại sự tiến hoá, hoặc hoàn thiện cho mỗi tay vợt. Và thời gian giúp cuộc đua tranh giữa họ đạt tới các trạng thái khác nhau.
Từ 2008 tới 2018, chỉ là sự so sánh giữa Nadal với Federer khi Nadal bắt đầu quật ngã được Federer ở Wimbledon, rồi Federer lần đầu tiên chiến thắng ở Roland Garros 2009.
Mãi tới cuối 2015, Federer và Nadal vẫn là hai tay vợt đương đại duy nhất giành được trên 10 Grand Slam mỗi người.
Còn Djokovic chỉ thực sự đe doạ tới sự thống trị mãi mãi trong lịch sử ấy từ 2019. Khi Djokovic cầm cả 4 chiếc cúp Grand Slam trong tay vào mùa Hè 2016, lúc đó số lượng Grand Slam anh giành được mới chỉ là 12.
Khi Djokovic hoàn tất sự nghiệp Golden Masters – tạo ra một chỉ số danh giá cho riêng mình – vào tháng 8 2018, lúc ấy số danh hiệu Grand Slam của anh mới chỉ là 13.
Những thành tích của mỗi người trong số Big 3 giành được trong những năm gần đây, kể cả khi sự nghiệp của họ đang được đếm ngược sau mỗi năm cho thấy họ không hề dừng lại.
Một phán quyết ở thời điểm hiện tại không phải là sớm nhưng không thể tạo ra sự chính xác cho một danh xưng GOAT vì nó viết tắt của “Tay Vợt Vĩ Đại Nhất Mọi Thời Đại”.
Còn nếu chỉ là xuất sắc nhất cho tới hôm nay, cho chặng đường họ đã đi qua và chinh phục thì tự các con số đã tôn vinh Federer rồi.
Bảng thành tích của BIG 3
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |