Lưu bài Bỏ lưu bài

Thật không dễ dàng để tìm ra câu trả lời xem ai là tay vợt vĩ đại nhất trong số Big 3 Federer, Nadal, Djokovic.

Ngay cả khi cứ đơn thuần nhìn vào những con số, cả ba tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại này đều có những ưu thế của riêng mình. Federer nhiều Grand Slam nhất (20, so với 19 và 17 của Nadal và Djokovic), số tuần trên ngôi số 1 (310 tuần).

Nadal lại là người duy nhất có sự nghiệp vàng (vô địch cả 4 Grand Slam và Olympic), giành nhiều Masters 1000 nhất (35, so với 34 của Djokovic và 28 của Federer), có chỉ số vượt trội khi đối đầu với nhau ở các giải Grand Slam, vô địch nhiều lần nhất trên cả ba mặt sân khác nhau (mỗi loại ít nhất hai danh hiệu).

Djokovic lại là người duy nhất giành tất cả các danh hiệu lớn (Grand Slam, 9 giải Masters 1000 và ATP Finals) và nay chỉ thiếu Olympic đơn nam, có tổng số danh hiệu lớn nhiều nhất (56, so với 55 của Nadal và 54 của Federer), có hệ số đối đầu ở mọi giải đấu tốt hơn so với Federer (26-22) và Nadal (28-26).

Federer, Nadal, Djokovic – Ai vĩ đại nhất BIG 3: Đối đầu không quyết định tất cả (Bài 1) - 2

Khi nhìn riêng mỗi tay vợt, đưa ra tương ứng những con số thống kê của họ để cho rằng người này chứ không phải người kia mới thực sự vĩ đại nhất mọi thời đại như trên có lẽ không dễ tìm ra được câu trả lời thoả đáng.

Mà những thống kê trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều con số, hay chỉ số, của tennis nói chung, hay cuộc đua tranh chưa từng có trong lịch sử thể thao thế giới này (chứ không chỉ riêng tennis) nói riêng.

Chúng ta có lẽ cần bắt đầu từ việc đánh giá tầm quan trọng của các chỉ số, và hơn hết, cần thấu hiểu tennis là một bộ môn thể thao đặc biệt, mà không chỉ có yếu tố đối kháng trực tiếp mới xây dựng nên tầm vóc các tay vợt.

Federer, Nadal, Djokovic – Ai vĩ đại nhất BIG 3: Đối đầu không quyết định tất cả (Bài 1) - 3

Chỉ số đối đầu không thực sự quyết định

Trong cuốn sách của UltimateTennis, có 1774 kỷ lục tất cả của tennis nam. Riêng Federer đã có 331 kỷ lục. Nói là Federer thiên tài nên lắm kỷ lục cũng đúng. Nhưng, cho rằng tennis là một môn thể thao muôn vàn góc cạnh cũng không sai.

Một thống kê phổ biến và được lấy làm lập luận rất thuyết phục ấy là hiệu số đối đầu. Tuy nhiên điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Davydenko nhờ hơn Nadal 6-5 liệu có nên được xếp trên? Andre Agassi có hiệu số 2-3 trước tay vợt vô danh Andrea Gomez thì sao?

Trong thể thao ngoài đẳng cấp còn có kỵ rơ, phong độ. Đẳng cấp được quyết định bởi tài năng và bản lĩnh xuyêt suốt sự nghiệp. Phong độ bị chi phối bởi yếu tố tuổi tác, thể lực, chấn thương, và điểm rơi.

Bản thân Nadal và Djokovic cũng có những sự khác biệt, chủ yếu ở độ tuổi bước lên đấu trường chuyên nghiệp và bắt đầu vươn tới đỉnh cao. Nadal 19 tuổi, Djokovic 21.

Chính vì thế trong 20 trận đối đầu đầu tiên giữa họ, Nadal thắng 14. Và kể từ khi bắt đầu chạm trán cho tới hết năm 2010, sau 23 trận, Djokovic chỉ thắng được 7. Rồi giờ đây, đối đầu là 29-26 nghiêng về Djokovic.

Khi so sánh Federer đối đầu với Djokovic cũng vậy: Nếu tính trong quãng thời gian kể từ khi họ chạm trán năm 2007 cho tới khi Federer tròn 30 tuổi (năm 2011), khi đẳng cấp chưa bị phong độ “dìm xuống”, Federer cũng thắng Djokovic 14 lần, còn tay vợt người Serbia thắng 10. Và đến nay, Djokovic dẫn 27-23.

Chia sự nghiệp của họ ra các giai đoạn như vậy để thấy rằng ở mỗi thời điểm khác nhau, ưu thế lại thuộc về những người khác nhau.

Thậm chí chia các cuộc thư hùng của họ ra các mặt trận khác nhau, ưu thế đối đầu rõ rệt ở các giải Grand Slam của Nadal trước cả Federer (10-4) và Djokovic (9-6) cũng bị chi phối bởi yếu tố phong độ.

Nadal chín sớm hơn nên đã thắng Djokovic cả 5 lần đầu họ gặp ở các giải Grand Slam. Còn tính từ khi Djokovic vươn lên thần kỳ từ 2011, hiệu số đối đầu lại nghiêng về tay vợt người Serbia, 6-4.

Federer và Djokovic cũng vậy. Ở 5 lần gặp đầu tiên Federer thắng 4. Cho tới khi Federer 31 tuổi, tỉ lệ đối đầu vẫn nghiêng về anh, là 6-5.

Djokovic chỉ thực sự “đòi hết nợ” ở thời gian sau này, và thậm chí còn buộc Federer phải thêm “nợ xấu”, khi hiệu số đối đầu ở Grand Slam hoàn toàn nghiêng về Djokovic là 10-6.

* Yếu tố thời thế

Chỉ số đối đầu căn cứ trên tuổi tác và thời điểm đôi khi còn là hệ quả của nhiều nguyên nhân khách quan, của hàng loạt các chỉ số khác cũng vẫn thường được lấy làm căn cứ. Như chỉ số đối đầu với các đối thủ ở trong Top 10 chẳng hạn.

Việc đụng độ sau các trận đấu căng thẳng với các đối thủ khác có thể ảnh hưởng tới kết quả đối đầu trực tiếp.

Nhưng việc này không rõ ràng như sự cạnh tranh về danh hiệu từ chính các đối thủ khác. Federer cần tới 17 lần tham dự chính thức các giải Grand Slam để có lần đầu tiên vào chung kết, rồi vô địch khi đã 22 tuổi, trễ hơn hẳn so với Nadal và Djokovic.

Giai đoạn 2001-2003 đó cạnh tranh tới mức không có bất cứ ai trong số các nhà vô địch Grand Slam như Agassi, Sampras, Kuerten, Johanson, Hewitt, Costa… có thể vô địch hai Grand Slam liên tiếp.

Top 10 của riêng Federer ở giai đoạn đầu khác với Top 10 mà cả BIG 3 cùng đương đầu hiện nay. Những năm đầu 2000 là Sampras, Agassi vẫn còn đủ sức chinh phục đỉnh cao; là sự xuất hiện của một thế hệ cách tân với thứ tennis trên khắp mặt sân hoặc chuyên gia cuối sân như Hewitt, Roddick, Safin.

Ở các giải Grand Slam với thể thức tối đa 5 set mỗi trận và qua 7 vòng đấu, các thử thách do các đối thủ khác nhau mang lại là yếu tố chi phối rất lớn. Nó giống như những gì mà Djokovic từng phải nếm trải từ Stan Wawrinka hay gần đây là Dominic Thiem.

Federer, Nadal, Djokovic – Ai vĩ đại nhất BIG 3: Đối đầu không quyết định tất cả (Bài 1) - 6

Những thách thức từ các kẻ thứ ba như vậy thật tiếc lại quá ít. Cả Nadal và Djokovic hầu như không ngại bất cứ ai từ thế hệ tương lai (dưới 23 tuổi) hay thế hệ lạc lối (dưới 29 tuổi).  

Sự so sánh giữa Nadal và Djokovic vì thế là hợp lý. Nhưng đặt Federer vào từng cuộc đối đầu, và những bước tiến song hành với thời gian có phần bất công.

Những người gần Federer đều nói rằng sở dĩ tay vợt người Thuỵ Sĩ còn tiếp tục tập luyện ở cường độ cao là do Nadal.

Khác hoàn toàn với Sampras sau khi vượt qua Roy Emerson (12 Grand Slam), và có một danh hiệu ở US Open 2002 để chia tay trong vinh quang và chắc chân với kỷ lục 14 Grand Slam thì lập tức gác vợt.

Đó là cái khó của người thiết lập ra các tiêu chuẩn, các cột mốc để người khác vươn tới và vượt qua.

Rõ ràng, không dễ dàng để chia sẻ với nhận định của Pat Cash – người thuần tuý nhìn nhận trên góc độ đối đầu để chọn GOAT.

Nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị của thành tích khi đấu tay đôi. Nhất là với Djokovic, đối đầu hơn Murray, và hơn hầu hết các tay vợt khác ngoại trừ trước Kyrgios (0-2) và một số tay vợt chỉ gặp nhau 1 lần.

Nó đưa Djokovic lên một tầm cao mới, để thiết lập nên một thế cục BIG 3 kỳ ảo như hiện nay. Và buộc chúng ta phải đi tìm kiếm những chỉ số có giá trị nhất hòng đánh giá ai là tay vợt xuất sắc nhất trong số họ.

Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo vào 11h sáng thứ Sáu, 12/6:

Federer, Nadal, Djokovic: Trật tự nào chính xác cho bộ 3 huyền thoại? (Bài 2)

Hiệu số đối đầu của BIG 3

Federer – Nadal:
14-26 (Grand Slam: 4-10)
Chung kết Grand Slam: 6-3

Federer – Djokovic:
23-27 (Grand Slam: 6-11)
Chung kết Grand Slam: 1–4

Nadal – Djokovic:
29-26 (Grand Slam: 9-6) 
Chung kết Grand Slam: 4–4

Hiệu số của Federer khi 30 tuổi

Đấu Djokovic: Thắng 14, thua 10

Đấu Nadal: Thắng 9, thua 17

Federer, Nadal, Djokovic – Ai vĩ đại nhất BIG 3: Đối đầu không quyết định tất cả (Bài 1) - 8

Content: Phạm Tấn

Media: Ngọc Lâm

Thứ Tư, ngày 10/06/2020 13:27 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])