Trận đấu nổi bật

bopanna-va-ebden-vs-krawietz-va-puetz
Nitto ATP Finals
M. Ebden & R. Bopanna
2
T. Puetz & K. Krawietz
1
alexander-vs-carlos
Nitto ATP Finals
Alexander Zverev
1
Carlos Alcaraz
0
arevalo-va-pavic-vs-bolelli-va-vavassori
Nitto ATP Finals
M. Pavic & M. Arevalo
-
S. Bolelli & A. Vavassori
-
casper-vs-andrey
Nitto ATP Finals
Casper Ruud
-
Andrey Rublev
-

Federer lớn, Federer nhỏ

Khi Federer thực thụ đang dần bước ra từ cuộc khủng hoảng thì một tay vợt trẻ được mệnh danh là Tiểu Federer cũng bước ra với ánh sáng của một ngôi sao.

Từ chức vô địch ở Dubai và Acapulco

Cả hai cùng vô địch ATP 500 trong một tuần lễ. Roger Federer lên ngôi ở Dubai. Còn Dimitrov đăng quang ở Acapulco, giải đấu ở Mexico trong lần đầu tiên thay mặt sân đất nện bằng sân cứng.

Để chiến thắng, Federer đã đánh bại Djokovic (bán kết) và Berdych (chung kết). Để giương cao chiếc cúp, Dimitrov đã khuất phục Gulbis (tứ kết), Murray (bán kết) và tay vợt cao trên 2m Anderson (chung kết).

Cả ba trận đấu cuối cùng của cả hai tay vợt nói trên đều kéo dài trong ba set. Federer bị dẫn trước sau set 1 trong cả hai trận đấu trước Djokovic và Berdych, rồi bị mất break sớm trong set sau, nhưng đã lội ngược dòng ngoạn mục. Dimitrov tưởng như đã thua Murray khi bị bẻ game sớm trong set 1, rồi kiên cường trong hai set sau.

Vẫn chưa hết. Các chiến thắng nói trên của Federer chấm dứt chuỗi trận toàn thua của anh trước chính Djokovic (ba trận) và Berdych (hai trận). Dimitrov cũng không để cho Murray có chiến thắng thứ tư liên tiếp sau bốn lần họ đối đầu.

Federer lớn, Federer nhỏ - 1

Federer đang trở lại ở tuổi 33

Federer như trong bài viết trước, đang ở trong giai đoạn đầu tiên làm việc với HLV mới, dù Stefan Edberg không có mặt ở Dubai, và ngay cả nếu như anh không muốn học hỏi các huyền thoại đi trước như Agassi, thì anh cũng phải chịu sức ép cần đạt được những thành tích ở độ tuổi 33 như họ. Dimitrov vừa mới trải qua giai đoạn “tìm hiểu” với HLV Roger Rasheed (người từng dẫn dắt Gael Monfils và Tsonga), và đang chuẩn bị bước vào tuổi 23 – độ tuổi với quỹ thời gian dành cho việc học hỏi thường ít hơn so với thời gian dành cho việc chứng tỏ tài năng - cũng là một sức ép đáng kể.

Thậm chí, sức ép của Dimitrov lớn hơn rất nhiều, khi anh được so sánh với Federer mà cái tên “Baby Federer” (Tiểu Federer) đã nói lên tất cả. Và đây là sự so sánh kèm theo rất nhiều hoài nghi, không chỉ bởi Federer là vĩ đại nhất trong số các tay vợt vĩ đại trong lịch sử tennis, mà liệu bản thân Dimitrov có phải là tay vợt xuất sắc trong thế hệ bắt đầu hình thành, và liệu anh có đủ sức giành Grand Slam?

Dimitrov chỉ hơn Federer ở Grand Slam trẻ

Nếu như Dimitrov tạo nên tiếng vang lớn hơn Federer ở các Grand Slam trẻ, nhờ việc vô địch Wimbledon và US Open trong năm 2008, còn Federer chỉ vô địch Wimbledon và vào tới chung kết US Open 1998, thì khi bước lên đấu trường chuyên nghiệp, Dimitrov chật vật hơn nhiều.

Ở tuổi 21, Federer lọt vào tứ kết hai Grand Slam liên tiếp (Roland Garros và Wimbledon) cùng với cuộc lật đổ vĩ đại trước Sampras, trong khi Dimitrov nỗ lực để lần đầu có mặt trong top 50 thế giới.

Ở tuổi 22, Federer đã lọt vào tới chung kết Masters 1000 (thua Agassi tại Miami Masters 2002). Và không lâu sau đó, Federer vô địch Masters 1000 đầu tiên (thắng Safin ở Hamburg), lọt vào top 10 thế giới. Và danh giá nhất, Federer vô địch Wimbledon 2003 bằng thứ tennis đầy cảm xúc với ánh sáng hứa hẹn của một thiên tài. Ở tuổi này, vào năm ngoái, Dimitrov mới lần đầu lọt vào tới chung kết một giải ATP Tour, thua Murray trong trận tranh chức vô địch tại Brisbane (ATP 250). Chỉ có chiến thắng trước số 1 thế giới lúc đó là Djokovic ở vòng hai Madrid Masters mới bắt đầu làm thế giới chú ý tới anh.

Và ở tuổi 23, Federer giành ba Grand Slam trong năm, rồi bước lên ngôi số 1 thế giới, ngự trị ở đó trong thời gian dài. Còn Dimitrov, anh mới lần đầu tiên tồn tại được qua tuần đầu tiên của một giải Grand Slam khi vào tới vòng tứ kết Australian Open đầu năm, nơi anh thua Nadal sau khi đã thắng cực ấn tượng trong set 1.

Chiến thắng ở Acapulco mới đây chỉ là danh hiệu ATP Tour thứ hai trong sự nghiệp của Dimitrov sau ba lần vào tới chung kết.

Không chỉ so với Federer, mà đọ với bất cứ ai còn lại trong số những tay vợt trong nhóm “BIG 4”, thành tích của Dimitrov đều khiêm tốn. Nadal thậm chí còn "chín" sớm và giành nhiều vinh quang hơn Federer ở trước tuổi 20. Djokovic vô địch Grand Slam đầu tiên ở tuổi 21 và Murray cũng tạo nên các cột mốc lịch sử tuổi 20.

Federer lớn, Federer nhỏ - 2

Dimitrov tạo tiếng vang lớn ở Grand Slam trẻ nhưng vẫn chật vật khi thi đấu chuyên nghiệp

Dimitrov 23 tuổi chưa vào CK  Grand Slam cũng chẳng sao

Nhưng ngày nay, việc ai đó giành chức vô địch Grand Slam ở tuổi 19-20 là bất khả thi. Ở nam, Del Potro là người cuối cùng đăng quang Grand Slam ở tuổi dưới 22, và đã cách nay 5 năm. Còn Murray giành chức vô địch Grand Slam đầu tiên ở tuổi 25. Ở nữ, người thống trị năm 2013 là Serena Williams còn người vô địch Australian Open 2014 là Li Na. Cả hai đều hơn 30 tuổi.  

Có thể là vì các tài năng hạn chế hơn trước, nhưng có một nguyên do chắc chắn là sự thay đổi của tennis thế giới đã can thiệp rất nhiều vào thực tế này.

Và nó làm cho Dimitrov cũng phải thay đổi để thích ứng. Cách tiếp cận như Federer, hay nói cách khác, việc mô phỏng lại lối chơi của huyền thoại người Thuỵ Sĩ mà vẫn thành công trong thời đại này là một thách thức cực lớn.

Năm ngoái, sau chiến thắng trước Djokovic, Dimitrov nói rằng, đừng so sánh anh với Federer nữa. Việc được gọi là “Baby Federer” chỉ tạo nên sự khích lệ với anh khi anh còn là một cậu bé. Và anh có lối chơi của riêng mình.

Quả thực, Dimotrov dưới bàn tay của Roger Rasheed đang chọn lối đi khác, hoàn toàn khác so với Federer ngày trẻ và cũng không giống với Federer ở tuổi 33.

Tại Dubai, trong hầu hết các set đấu mà anh giành chiến thắng, có 30% các cú đánh được Federer thực hiện khi mặt vợt tiếp xúc với bóng ở trong sân. Có thể hiểu, khi Federer làm chủ được trận đấu, điều đó đồng nghĩa với chiến thắng. Và cũng có thể cắt nghĩa rằng, Federer kể từ khi có Edberg lại càng mong muốn bước vào trong sân để chơi.

Còn Dimitrov, các set đấu mà anh chiến thắng hay thất bại không có nhiều sự khác biệt về tỉ lệ của các vị trí đánh bóng. Đa phần đều là ở sau đường baseline.

Dimitrov cho thấy anh lựa chọn lối chơi cuối sân ấy ngay từ khi trả giao bóng. Anh đứng lùi sâu như Nadal, rồi sau đó mới tuỳ tình huống để tiến lên phía trước một hoặc hai bước từ bước xoạc thăng bằng (split step).

Federer lớn, Federer nhỏ - 3

Dimitrov đã nâng cấp được rất nhiều về mặt sức bền

Dimitrov trong khi chưa thể mài giũa cú trái một tay để có thể dứt điểm hoặc chí ít là ép lại đối thủ khi bị nhồi trái, thì anh sẵn sàng miệt mài cắt bóng với sự chính xác và độ siết phi thường.

Dimitrov trong khi có chiều cao 1m9 (tập luyện để hãm chiều cao lại), cao hơn Federer 4cm, lại sẵn sàng thiên về bóng topspin nhiều hơn (như một phần tất yếu của việc đứng lùi sau sau vạch cuối sân).

Đó chính là sự điều chỉnh từ sự nhận thấy từ xu thế chung và bản thân anh chưa đủ đẳng cấp để áp đặt lối đánh tấn công mạo hiểm ở các trận đấu đỉnh cao. Một lựa chọn hợp lý và đã mang lại kết quả bất chấp anh hiện sở hữu kỹ năng và cảm giác volley đã đạt tới cảnh giới mà nhiều tay vợt trong top 10 phải thèm muốn.

Với lối chơi ấy, Dimitrov cần một nền tảng thể lực hoàn hảo, thậm chí nó khiến người xem có cảm giác anh chơi “công nhân” hơn rất nhiều so với một Federer nghệ sĩ. Nhưng điều quan trọng nhất, là Dimitrov đã nâng cấp được rất nhiều về mặt sức bền so với thời điểm cách đây một năm (khi HLV Ivan Lendl nói rằng thể lực hạn chế là rào cản lớn nhất với Dimitrov để làm nên điều vĩ đại).

Tại Acapulco, Dimitrov đã trải qua ba bài thử thách khắc nghiệt dù đây chỉ là giải đấu ba set thắng hai. Dimitrov đều phải mất nhiều hơn hai tiếng mỗi trận để vượt qua Gulbis (4-6, 7-6, 7-5), Murray (4-6, 7-6, 7-6), Anderson (7-6, 3-6, 7-6). Đặc biệt trận đấu với Murray chỉ kết thúc lúc 2:30 sáng và tối cùng ngày, anh đã gặp Anderson.  

Bước tiến ấy của Dimitrov lại càng đáng kể nếu biết rằng anh đã bị hoài nghi rất nhiều khi trở thành bạn trai của Sharapova từ năm ngoái – một quyết định rất thành công về thương mại nhưng hàm chứa biết bao lo ngại về khía cạnh thể thao.

Nhưng, có thể chúng ta thận trọng và có thể bị chi phối bởi các thói quen đầy cảm tính để đến bây giờ mới tin hoặc nhiều người vẫn chưa tin ở tài năng Dimitrov. Còn Federer dường như đã thấy tiềm năng từ trước, tin đây không phải là một “Baby Federer” không bao giờ lớn.

Cuối năm ngoái, công ty đại diện thể thao của Federer vừa thành lập đã chọn Del Potro và Dimitrov làm khách hàng để đại diện, với tham vọng tạo nên một quyền lực mới trong lĩnh vực tiếp thị thể thao.

Chắc chắn là Federer hiếm khi nhìn nhầm bóng cũng khó chọn nhầm người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN