Federer kiếm tiền cực đỉnh: Bỏ qua 10 triệu USD, kiếm gấp 60 lần ra sao?
(Tin thể thao, Tin tennis) Roger Federer thực sự là một “cỗ máy hái tiền” hàng đầu trong làng tennis nói riêng và thế giới thể thao nói chung. Anh chấp nhận từ bỏ thù lao 10 triệu đô-la/năm với một đối tác quen thuộc để thu về khoản tiền kếch xù lớn hơn thế gấp nhiều lần.
Video Roger Federer được khán giả Mỹ chào đón nồng nhiệt khi dự khán Laver Cup 2021 ở Boston:
Federer “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô": Từ chối 10 triệu đô-la, thu về 600 triệu đô-la ấn tượng ra sao?
Hai năm liên tiếp gần đây, Roger Federer phải chứng kiến Rafael Nadal và Novak Djokovic, những đại kình địch của mình lần lượt san bằng kỷ lục 20 Grand Slam đơn nam mà anh sở hữu. Trong mùa giải 2021, “Tàu tốc hành” chỉ tham dự 5 giải đấu trước khi sớm phải nghỉ hết năm nay để phẫu thuật chấn thương đầu gối.
Federer phải chia tay sớm mùa giải 2021 nhưng anh vẫn kiếm tiền cực đỉnh trong năm nay
Dù bị ảnh hưởng nhiều về gánh nặng tuổi tác và chấn thương nhưng Federer vẫn là tay vợt kiếm tiền giỏi nhất làng quần vợt thế giới đương đại. Tay vợt 40 tuổi người Thụy Sĩ là 1 trong 6 vận động viên hiếm hoi vượt ngưỡng 1 tỷ đô-la thu nhập trong sự nghiệp khi còn thi đấu.
Mới đây, Joe Pompliano – doanh nhân kiêm chuyên gia phân tích tài chính nổi tiếng người Mỹ đã đăng tải trên trang Twitter cá nhân tiết lộ bí quyết thành công của Roger Federer khi từ bỏ hợp tác cùng hãng đồ thể thao hàng đầu thế giới Nike (Mỹ) để “bắt tay” cùng hãng đồ thể thao Uniqlo (Nhật Bản) và thu về 600 triệu đô-la tài tình ra sao.
Federer đã hợp tác cùng Nike được gần 20 năm. Hãng đồ thể thao nổi tiếng đến từ Mỹ cũng tài trợ cho nhiều ngôi sao đình đám khác của làng banh nỉ thế giới như Rafael Nadal, Serena Williams, Maria Sharapova và Nick Kyrgios.
Nhưng đến năm 2018, khi Nike đưa ra lời đề nghị với Federer về việc sẽ duy trì mức tài trợ 10 triệu đô-la/năm với anh thì đôi bên đã không đi đến sự đồng thuận và chính thức dứt tình sau 2 thập kỷ là “đối tác chiến lược” của nhau.
Theo Joe Pompliano, một luật bất thành văn đã tồn tại trong thế giới thương trường rằng các thương hiệu không được phép chi hơn 10% tổng doanh thu của mình cho các hợp đồng với những vận động viên mà mình ký hợp đồng quảng cáo.
Lợi nhuận của Nike tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Hàng đồ thể thao có trụ sở tại Beaverton (bang Oregon, Mỹ) không chịu tăng mức thù lao chi trả cho Federer mà vẫn chỉ muốn anh nhận 10 triệu đô-la/năm.
Kết quả là tay vợt huyền thoại sống người Thụy Sĩ kết thúc hợp tác với Nike và ký hợp đồng là đại sứ thương hiệu với hãng đồ thể thao đình đám Nhật Bản Uniqlo không lâu sau đó.
Trên trang Twitter của mình, Joe Pompliano tiết lộ, hợp đồng 10 năm với Uniqlo giúp Federer thu về mức thù lao lên đến 30 triệu đô-la/năm (gấp 3 lần những gì anh nhận mỗi năm khi “làm ăn” cùng Nike). Điều đó có nghĩa là FedEx sẽ nhận được đến 300 triệu USD sau 1 thập kỷ hợp tác với thương hiệu đến từ Tokyo (Nhật Bản).
Ngay cả trong trường hợp Federer giải nghệ và không còn thi đấu cho đến năm 2028 khi anh đã 47 tuổi thì ngôi sao này vẫn sẽ đều đặn “bỏ túi” 10 triệu đô-la/năm từ Uniqlo.
Joe Pompliano tiết lộ việc Federer thu về khoản lợi nhuận 600 triệu đô-la đáng nể ra sao sau khi chia tay Nike
Đặc biệt, theo Joe Pompliano, hợp đồng đã ký kết giữa Federer và Uniqlo vào năm 2018 có thời hạn 10 năm chỉ bao gồm việc anh phải sử dụng quần áo hãng này khi thi đấu chứ không bao gồm yêu cầu cụ thể về thương hiệu giày.
Chính vì thế, không ngạc nhiên khi ngôi sao sinh ra ở Basel (Thụy Sĩ) vẫn tiếp tục sử dụng giày thi đấu của Nike dù không còn được hãng đồ thể thao nước Mỹ chi tiền quảng cáo.
Joe Pompliano còn tiết lộ, sau khi phát hiện ra thương hiệu giày On Running ở quê nhà Thụy Sĩ, Federer đã có một quyết định đầu tư mạo hiểm nhưng vô cùng sáng suốt. Anh đã chi khoản đầu tư ban đầu và phí tiếp thị để nắm 3% cổ phần thương hiệu này.
Chỉ 2 năm sau, On Running đã chính thức ra mắt công chúng và doanh nghiệp này hiện được định giá 10 tỷ đô-la. Điều đó có nghĩa là số cổ phần của Federer hiện trị giá đến khoảng 300 triệu đô-la.
Cộng với 300 triệu đô-la từ hợp đồng 10 năm với Uniqlo, tay vợt cựu số 1 thế giới người Thụy Sĩ dự kiến sẽ thu về đến 600 triệu đô-la lợi nhuận sau khi từ bỏ việc gia hạn hợp đồng với Nike.
Năm 2020, Federer chỉ tham dự 1 giải đấu khi vào đến bán kết Australian Open (thua Novak Djokovic) và chỉ thu được 300.000 đô-la tiền thưởng trước khi phải tiến hành phẫu thuật chấn thương đầu gối.
Nhưng cũng trong năm ngoái, anh đã thu về đến 90 triệu USD từ các thương vụ quảng bá thương hiệu giúp tay vợt này trở thành VĐV có thu nhập cao thứ 7 toàn cầu trong năm 2020.
Tấm lòng thiện nguyện đáng quý mùa Covid-19
Theo tiết lộ của Joe Pompliano, Federer đã chi đến 15 triệu đô-la trong số tiền kếch xù mà anh kiếm được để mở hơn 80 trường học ở châu Phi. Anh đã quyên góp 1 triệu đô-la để cung cấp bữa ăn cho 64.000 trẻ em châu Phi trong khi các trường học nơi đây bị đóng cửa do dịch Covid-19.
Federer tích cực giúp đỡ trẻ em châu Phi vượt qua khó khăn
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, Tin tennis) Bản tin tennis tuần từ 21-27/9: Roger Federer và Rafael Nadal bị “Người thép” Nikolay Davydenko dự đoán...