Federer: Khi bộ não chạy giúp đôi chân
Federer đã vượt qua Isner bằng cách từng phút, từng game, từng set một anh buộc đối thủ cứ dần phơi bày những nhược điểm của mình dù đang có phong độ cực tốt ở trận đấu có tỉ số 7-6(0), 7-6(6), 7-5.
Những khoảnh khắc đó là quá ít ỏi so với một mặc định dành cho Federer là luôn chơi đẹp, luôn hoa mĩ. Federer trong trận đấu với Isner chỉ lên lưới 21 lần. Anh chỉ thực hiện được nhiều hơn 2 điểm ăn trực tiếp so với đối thủ (55/53), và một chỉ số vượt trội của anh chỉ là tự đánh hỏng ít hơn (giống như cái cách Nadal ở thời kỳ đỉnh cao vẫn làm).
Nhưng nó không phải là một bước lùi. Đấu với Isner có phong độ cao, hưng phấn khi nhập cuộc cần sự điều chỉnh, và một chiến thuật hợp lý. Trước trận, Federer đã nói về việc anh sẽ phải tập trung vào cú giao bóng của mình, phải chuẩn bị thật tốt trước Isner giao bóng 2 cực hay. Sau trận, Federer nói với Brad Gilbert ngay trên sân rằng anh phải làm cho Isner liên tục di chuyển.
Quan trọng là Federer tiến vào tứ kết. Đó là lần thứ 44 trong tổng số 52 lần tham dự các giải Grand Slam kể từ năm 2003 – năm mà anh lần đầu vô địch Grand Slam.
Đối thủ của Federer ở tứ kết là Gasquet, người có một trong những cú trái một tay hay nhất thế giới, đang ở phong độ khá cao. Gasquet đánh bại Berdych sau 4 set, để lần thứ hai liên tiếp có mặt ở vòng đấu quy tụ 8 tay vợt cuối ở một giải Grand Slam (Wimbledon anh thua Djokovic ở bán kết).
Vì thế, người hâm mộ có lý do để chờ đợi một màn trình diễn siêu hạng của những cú trái một tay từ trận đấu này, nhưng nếu như Federer lại chơi theo một cách khác, hoá giải những điểm mạnh của đối thủ, để có được chiến thắng mà không bị bào mòn sức lực, cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Chơi đẹp hay trở nên thực dụng hơn mà nhờ đó có Grand Slam thứ 18, những người yêu Federer chọn cái nào?
* Video Federer đánh bại Isner sau 3 set ở vòng 4 US Open 2015: