Federer đi tìm sự nổi loạn
Mời Ivan Ljubicic tức là một Federer chuẩn mực đã tìm tới một cá nhân tiềm ẩn những sự bùng nổ dữ dội.
Ljubicic sẽ mang tới cho Federer điều gì?
Dĩ nhiên là khác biệt với giai đoạn Federer làm việc cùng Edberg như đã nói ở trên. Câu hỏi Edberg chủ động chia tay hay Federer muốn tạm dừng sự cộng tác ấy thật khó có câu trả lời chính xác nếu chúng ta tin rằng, tất cả những gì hai bên phát biểu thời gian qua chỉ là nghi thức xã giao của hai huyền thoại.
Edberg hai năm qua là một sự lựa chọn đúng. Người đã làm hồi sinh Federer với lối đánh tấn công hơn bao giờ hết. Nó là kết tinh của niềm tin, của những phẩm chất thiên tài gặp nhau, để chắc chắn đã từng có lúc họ tin rằng sẽ có danh hiệu Grand Slam thứ 18. Nếu không Edberg đã không lặn lội theo Federer thêm một năm nữa sau khi hợp đồng năm 2014 kết thúc. Nhưng tiếc là cả hai đều không thể vượt qua vật cản Djokovic.
Có thể Edberg và Federer cùng tin rằng, sự kết hợp hoàn hảo về kỹ chiến thuật ấy không thể tốt hơn được nữa, trong khi chờ đợi Djokovic tự sa sút trong năm tới là một điều viển vông. Tốt nhất là họ nên dừng sự kết hợp đó lại để Federer tự giải quyết các vấn đề về tâm lý đã bộc lộ trong suốt hai năm qua ở những thời điểm, những trận đấu quyết định nhất.
Ljubicic sẽ giúp được gì cho Federer
Mà chữa tâm lý thì cần một sự phá cách chứ không phải là thêm một chuẩn mực nào nữa. Federer không cần thêm huyền thoại nào trong tương lai như người viết đã phân tích gần đây. Anh cần một một làn gió mới cho ít nhất là trong mùa giải tới – mùa áp chót của sự nghiệp tennis đỉnh cao (sẽ giải nghệ vào cuối năm 2017?).
Sẽ khó tin nếu Ljubicic sẽ ra lệnh, dạy dỗ Federer, hay mỉa mai những HLV từng dẫn dắt Federer như anh đã từng làm khi mới dẫn dắt Raonic. Federer từng thắng 13 trận trong tổng số 16 trận họ từng đối đầu trước kia, trong đó có giai đoạn từ năm 2003 trở về sau này Ljubicic chỉ biết thất bại.
Nhưng Ljubicic có thể thôi thúc Federer mạnh mẽ hơn về tâm lý, có những phản kháng cần thiết trong những lúc mà đối thủ của anh (nếu không muốn nói cụ thể sẽ là Djokovic) lột xác hoàn toàn so với những trận trước đó do một trong những nguyên nhân là sự cổ vũ trên các khán đài ở bất cứ nơi đâu cũng chỉ nghiêng về Federer, và đánh bại tượng đài luôn là cảm hứng lớn.
Nhìn Federer trở nên yếu đuối, có bao nhiều người nghĩ rằng lúc ấy anh cần một giải pháp tâm lý chứ không chỉ là do chân chậm hơn?
Có Ivan Ljubicic vì thế là một tin tốt lành với Federer. Dù cho Grand Slam thứ 18 có đến hay không, nhưng bất cứ sự thay đổi nào cũng hàm chứa sự tích cực khi tất cả cùng hiểu rằng, đứng lại trong thế giới tennis đương đại này đồng nghĩa với thất bại.
Và một điểm nữa, từ lúc mới thành danh tới năm 2015, Federer chưa bao giờ sai khi thay HLV cả. Năm 2003, lúc anh vừa giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên, anh làm cả thế giới sửng sốt khi thay HLV và sau đó chứng minh với tất cả sự đúng đắn của mình bằng những kỳ tích vĩ đại hơn nữa trong những năm sau đó...