Federer đi tìm sự nổi loạn
Mời Ivan Ljubicic tức là một Federer chuẩn mực đã tìm tới một cá nhân tiềm ẩn những sự bùng nổ dữ dội.
Video Nadal và Federer thi đấu tại giải Tennis Ngoại hạng:
Thực ra chỉ có tính cách thôi là chưa đủ mà còn nhiều những đặc điểm nữa để thấy Federer muốn có một sự khác biệt thực sự sau khi anh chia tay với huyền thoại – thần tượng Stefan Edberg, và thế chỗ bằng Ivan Ljubicic.
Ljubicic cũng chơi trái một tay nhưng anh (gọi như thế bởi chỉ hơn Federer 2 tuổi, 36/34) lại là một người chơi cuối sân thuần túy.
Nếu Federer là đỉnh cao của tennis nghệ thuật thì Ljubicic lại là người Croatia khá điển hình với lối đánh đầy sức mạnh, thể hiện ngay từ cú giao bóng.
Nếu Federer giao bóng biến hóa, có nhu có cương, thì Ljubicic lại một chuyên gia giao bóng nhú, tung không cao, bật rất nhanh, gọn. Đó là nền tảng cho lối đánh của anh, mà sở trường là tốc độ dứt điểm ngay trong những lần chạm vợt tiếp theo chứ không nhẫn nại chờ đợi.
Ivan Ljubicic từng được một phiên bản của tạp chí Sports Illustrated ở Mỹ bầu chọn là một trong 15 tay vợt giao bóng xuất sắc nhất mọi thời đại. Anh luôn nằm trong Top đầu những người giao bóng ăn điểm trực tiếp nhiều nhất mỗi năm. Cả sự nghiệp có 8.318 cú ace (1698 lỗi kép). Thêm tỉ lệ giao bóng 1 vào sân chỉ ở mức 58% cho thấy sự mạo hiểm trong cách chơi khác biệt nếu không muốn nói là đối nghịch của người sẽ là HLV thứ hai của Federer, bên cạnh Severin Luthi từ nay sẽ gần như HLV chính.
Federer quyết định chia tay Edberg
Nhưng nếu chỉ có thế, đã đủ để coi Ljubicic là sự nổi loạn?
Sau khi gác vợt, Ljubicic có mấy sự kiện đáng nhớ. Nhất là anh làm HLV cho Milos Raonic, người Canada gốc Nam Tư cũ. Tôi còn nhớ khi ngồi ở Rock Creek Park tại trung tâm Thủ đô Mỹ, Washington D.C xem Raonic thi đấu Citi Open, anh như con bò trên sân băng khi Ljubicic bắt anh thay đổi lối chơi, phải ôm sân nhiều hơn để tấn công. Vẻ mặt Ljubicic lạnh như băng, thi thoảng vỗ khẽ hai tay vào nhau hờ hững tán thưởng Raonic thành công với các pha tấn công chớp nhoáng.
Ljubicic trong một cuộc phỏng vấn sau đó đã không ngần ngại mỉa mai những người đã từng dẫn dắt học trò của mình, khi họ để một người cao tới gần 2m (1m96) lại đứng lùi sau sân và miệt mài đánh những cú bóng xoáy. Ljubicic đại ý: Okay, họ đưa cậu ta từ ngoài Top 300 thế giới vào Top 15, nên đương nhiên cũng phải ngợi khen. Nhưng như thế sẽ không thể vào Top 10 và tạo dựng được tên tuổi trong thế hệ những tay vợt trẻ đang lên.
Ljubicic đã thay đổi được Raonic thật. Anh là người đầu tiên của thế hệ 9x bước vào Top 10 thế giới dù cho những Dimitrov, Janowicz đầy tài năng hoặc nổi sớm hơn. Với Ljubicic, Raonic (hiện đứng thứ 14 ATP vì dính nhiều chấn thương) có những chiến thắng đầu tiên trước Nadal và Federer ở các giải thuộc hệ thống Masters.
Ljubicic không phải là nhà vô địch Grand Slam, nhưng lại có uy quyền: Là tay vợt duy nhất mà lúc còn thi đấu nằm cả trong Hội đồng các tay vợt và Ban Giám đốc ATP.
Những điều đó có lẽ đã tác động lên Federer. Huyền thoại người Thụy Sĩ nói rằng Ljubicic là bạn chứ không chỉ là đối thủ khi tay vợt người Croatia vẫn còn thi đấu. Federer sinh năm 1981 nên đa phần những người mà anh dành cho họ sự tôn trọng đáng kể đều xấp xỉ hoặc hơn anh vài ba tuổi. Ngoài Ljubicic còn có Nieminem, Mardy Fish, Tommy Haas...
Và khi Stefan Edberg quyết định tạm dừng cuộc phiêu lưu trên cương vị HLV, thì Federer đã tận dụng cơ hội ấy để lần đầu tiên có HLV là người đến từ thế hệ cùng thời. Lợi điểm của nó là các đối thủ của Federer cũng từng là đối thủ của tân HLV Ljubicic. Danh hiệu Masters duy nhất trong sự nghiệp của Ljubicic đến sau một lần anh thắng Djokovic, Nadal trước khi hạ Roddick ở chung kết Indian Wells 2012.