Trận đấu nổi bật

felix-vs-sebastian
Adelaide International
Felix Auger-Aliassime
2
Sebastian Korda
1

Federer chỉ mới vơi khát vọng

Vấn đề của một Federer chơi thiếu ổn định và dễ bị đánh bại hiện nay chủ yếu là tham vọng.

Hai tuần nghỉ không thể tạo ra một Federer khác biệt so với hình ảnh của một huyền thoại bị tay vợt chưa bao giờ được xếp vào hàng ngũ tinh hoa của quần vợt Pháp (chứ chưa nói tới thế giới), là Julien Benneteau, loại ở tứ kết giải ATP 500 ở Rotterdam.

Anh vừa thua một set ngay trong trận đấu đầu tiên ở Dubai Championships, một giải ATP 500 khác, và đối thủ thậm chí còn ít tên tuổi hơn: nằm ngoài top 100, có thân hình bệ vệ của một tay vợt bán chuyên, và đến từ mảnh đất Tunisia khá khô cằn tennis, có tên là Jaziri.

Federer chỉ mới vơi khát vọng - 1

Federer giao bóng rất tệ trong trận ra quân tại Dubai

Vấn đề của Federer ở hai trận đấu không có nhiều khác biệt: Giao bóng một lỗi rất nhiều và tỉ lệ sai sót trong những pha bóng tấn công ghi điểm rất cao.

Đấu với Jaziri, Federer chỉ giao bóng một vào sân với tỉ lệ 54% - thấp hơn khoảng 15 đến 20% so với mức bình thường của anh.

Đấu với Benneteau, Federer trao cho đối thủ một match point sau một lỗi giao bóng kép, để rồi anh không có cơ hội sửa sai, vì ngay sau đó anh bung trái đi ra ngoài khi tung ra cú passing shot.

Không cải thiện được vấn đề đã bộc lộc trước đó (thực ra ngay từ Australian Open, hiệu suất giao bóng rất thấp của Federer) không phải là vấn đề của quỹ thời gian.

Hai tuần đối với một người đã thống trị tennis thế giới bằng những kỹ năng siêu việt, và mới năm ngoái vẫn còn làm nên các kỳ tích khác nhau (Grand Slam thứ 17, phá kỷ lục số tuần giành ngôi số 1 - 302 tuần), không phải là quỹ thời gian quá ngắn để anh tìm lại cảm giác và nhịp thi đấu.

Có quyền nghi ngờ là Federer đã không có được sự chuẩn bị tương xứng, sau khi anh đã tự để mình bị chi phối bởi các chuyến đi thực hiện nghĩa vụ quảng cáo với nhà tài trợ hồi cuối năm 2012.

Federer đang tập chơi đánh thật?

Dubai Championships là giải đấu thứ ba của Federer kể từ đầu năm 2013, và là lần thứ hai anh không đưa HLV chính của mình, ông Paul Annacone đi cùng.

Trên khán đài, từ Rotterdam cho tới Dubai hiện tại chỉ có một mình HLV S. Luthi, người đã gắn bó với Federer trong một thời gian rất dài, nhưng chưa bao giờ anh đặt ông ở vị trí của một nhà huấn luyện và chuyên gia xây dựng chiến thuật lối đánh cho anh. HLV Paul Annacone đã chỉ xuất hiện ở Australian Open rồi sau đó "biến mất".

Federer chỉ mới vơi khát vọng - 2

Vấn đề của Federer là động lực

Kể từ khi Federer và Paul Annacone làm việc cùng nhau, họ có một thỏa thuận, là vị HLV người Mỹ sẽ chỉ sát cánh cùng với anh trong những quãng thời gian nhất định chứ không phải là ở mọi giai đoan hay mọi giải đấu.

Nó hoàn toàn khác so với sự kết hợp của Novak Djokovic với HLV Marian Vajda, những người làm việc với nhau theo hợp đồng chuyên trách. Và nó cũng không hoàn toàn giống với cách Nadal đôi khi "nhường" chú Toni Nadal cho người dì của mình (ông Toni cần khoảng thời gian nhiều hơn để chăm sóc gia đình). Cũng như nó có những nét khác biệt so với phương thức Andy Murray thuê ông Ivan Lendl, người cho rằng HLV có thể vắng mặt trong khi giải đang diễn ra nhưng buộc phải có mặt trong giai đoạn chuẩn bị, tập luyện.

Nhưng đây là giai đoạn mà Federer cần sự hiện diện của Paul Annacone, nhất là với những gì đã diễn ra ở Australian Open và cả ở Rotterdam.

Sự kèm cặp của Paul Annacone lúc này cũng đồng nghĩa với việc Federer có thể "phanh" lại đà đi xuống của anh. Vị HLV từng dẫn dắt Pete Sampras này đã giúp anh thay đổi trong phương thức tiếp cận trận đấu, bằng cách chơi quyết liệt hơn, lên lưới nhiều hơn rồi khai thác cú swing volley thường xuyên hơn, có thể sẽ mang lại những điều chỉnh.

Có thể chỉ đơn thuần như một suy luận phổ biến, rằng khi Federer chân chậm hơn, tốc độ giảm sút, thì anh cần phải bù đắp bằng các cú giao bóng chính xác hơn và khả năng kết liễu đường bóng phải hoàn hảo hơn.

Và cũng có thể là từ những phân tích đối thủ, mà Paul Annacone được coi là người giỏi nhất thế giới trong khoảng hai mươi năm qua.

Đúng là chúng ta có cơ sở để nghi ngờ, và e sợ (đối với những ai yêu mến anh), là ở tuổi 32, lại đã giành được tất cả, thì Federer không còn nhiều tham vọng chinh phục nữa.

Tuyên bố anh sẽ chơi để giành lại vị trí số 1 có lẽ chỉ là một câu hô khẩu hiệu trong cái thế anh không thể trả lời khác được trước các câu hỏi của phóng viên về kế hoạch của anh trong tương lai.

Nên nhớ, điều cần thiết để bất cứ ai thăng tiến trên bảng xếp hạng là anh phải chiến thắng thường xuyên với một số lượng giải đấu tương đối trong khoảng từ 17-20 giải/mùa chứ không phải là cắt giảm xuống còn 14.

Khơi nguồn động lực trở lại

Pete Sampras từng trở nên mất niềm tin vào chính bản thân của anh trong những năm tháng cuối cùng (từ 2000) khi anh liên tục để thua những tay vợt chiếu dưới, trong đó có thất bại ở vòng 2 Wimbledon 2002.

Thậm chí, Sampras còn phải cậy nhờ tới cả người vợ trẻ của anh lúc đó, bằng cách để cô viết những mảnh giấy mách nước và khích lệ tinh thần rồi lấy ra đọc trong những lúc trải qua các trận đấu khó khăn.

Nó dần dà làm những kỹ năng tinh hoa nhất của anh bị sứt mẻ, mà phải tới giai đoạn sau đó, Sampras mới hồi phục lại được dưới bàn tay của Annacone.

Federer có thể cũng phải đối diện với nguy cơ tương tự (ở các mức độ nào đó). Các đối thủ dưới cơ, trong đó có những người chưa từng thắng anh cũng trở nên tự tin hơn vào cơ hội quật ngã được tượng đài của tennis thế giới, nếu như anh tái hiện những trận thua như trước Benneteau, hay trong set một trận đấu với Jaziri.

Ở giai đoạn sau Australian Open 2010, Federer dù không còn giành được thêm Grand Slam nào nữa, nhưng anh vẫn duy trì được thói quen từ việc "bắt nạt" các tay vợt nhỏ cũng như tạo ra những trận đấu đẳng cấp trước các đối thủ cạnh tranh (như thắng Djokovic ở bán kết Roland Garros 2011). Nó là nền tảng tạo ra niềm tin cho anh chiến thắng ở Wimbledon 2012.

Liệu Federer có cần phải chờ tới khi anh nhận những trận thua đau đớn liên tiếp rồi mới tìm thấy ở đấy động lực để tiếp tục vai trò của người truyền cảm hứng cho tennis thế giới như anh đã cùng làm với một số ít khác trong chục năm qua, và để tự phá những kỷ lục của chính mình?

Phá kỷ lục là người nhiều tuổi nhất đứng ngôi số 1 thế giới của Andrea Agassi (năm 2003, khi hơn 33 tuổi 4 tháng) có lẽ là không, nhưng thêm một Grand Slam nữa là 18 chiếc chắc không phải không thể. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN