Federer: Bản chất huyền thoại
Chỉ có những tư chất của một huyền thoại mới có thể giúp Federer lần thứ 8 có mặt trong trận chung kết Wimbledon.
Xứng danh “tàu tốc hành”
Người ta gọi Federer là “tàu tốc hành” khi tay vợt người Thụy Sỹ chinh phục những cột mốc giới hạn trong một khoảng thời gian thần tốc. Nhưng ngay chính vào thời điểm này, khi thể lực của một tay vợt gần 31 tuổi khác xa so với lúc 25-26 tuổi thì việc kết thúc một trận đấu theo cách “tàu tốc hành” nhất là vũ khí để Federer có thể đánh bại những đối thủ đang trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp như Djokovic.
Federer đã chơi một trận đấu xuất sắc
Thật lạ là khi con đường tại Wimbledon 2012 của Federer đầy chông gai và thử thách, với những trận đấu kéo dài 5 set với Julien Benneteau tại vòng 3 và cả chấn thương lưng ở vòng 4 khi gặp Xavier Malisse, đấy lại là lúc FedEx thể hiện tất cả những gì tinh túy nhất của một huyền thoại trên mặt sân cỏ. Khả năng giao bóng toàn diện ở cả lần giao một và hai giúp Federer có thể vượt qua những thời điểm then chốt nhất, như cách lội ngược dòng sau khi bị dẫn trước sau 2 set trước Benneteau và cả khi phải chơi với cái lưng đau trước Malisse. Đấy cũng là chìa khóa để FedEx đánh bại Djokovic trong trận bán kết Wimbledon 2012.
Nếu được làm lại, có lẽ Djokovic sẽ không lặp lại sai lầm trong set 1, ở game thứ 6, khi đã dẫn 30-0 trong game cầm giao bóng nhưng lại để thua liên tiếp 4 điểm và mất break. Khoảnh khắc không nhất quán trong chiến thuật, khi Nole bước vào sân lao lên lưới và dính trọn cú trái tay phản công của Federer đã khiến tay vợt người Serbia đối diện với nguy cơ mất break. Và khi trở lại với vị trí sau vạch baseline, Nole đánh thêm một cú trái rúc lưới và trao break cho Federer. Khi đã dẫn 4-2 và cầm giao bóng, Federer không khó để kết thúc set 1 sau đó trong vòng 24 phút.
Cuộc chiến tâm lý
Liệu đó có phải là sai lầm của Djokovic khi chơi đôi công ngay trong set 1 mà không sử dụng nhưng loạt bóng bền để phá sức Federer? Dù ở tuổi 31, nhưng nếu chỉ mất chưa đầy 30 phút để kết thúc set đầu tiên với chiến thắng, FedEx vừa có tâm lý tốt hơn hẳn và cả thể lực cũng được bảo toàn.
Dường như sự tự tin sau chiến thắng thuyết phục ở Roland Garros lại làm hại Djokovic. Trong một trận đấu mà Nole có tới 22 lần lên lưới, gần bằng con số 25 của Federer, đây giống như là lựa chọn mạo hiểm của chính tay vợt người Serbia, khi thêm một lần nữa bước vào sân, lưỡng lự trong cú smash dứt điểm và để bóng ra ngoài. Đó là thời điểm Nole bị dẫn 4-5 và 15-30. Thêm hai cơ hội giành break và cũng là set-point cho Federer, Nole đã thua trong khoảnh khắc phân vân giữa những cú đánh quyết định. Cuộc chiến tâm lý đã nghiêng về Federer ở thời khắc ấy và set 4 đã trôi tuột khỏi tầm tay Djokovic khi để dẫn trước quá sâu ngay từ những game đầu tiên, cũng từ lần bước vào sân thực hiện cú trái tay ra ngoài ở game thứ 2 cầm giao bóng.
Khi tennis đã đạt tới tầm của sự chính xác tới từng mm, giống như vết bóng in trên vạch sân mặt cỏ chỉ được xác định nhờ hệ thống Hawk-eye, thì những kỹ năng thuần thục về cú quả đôi khi không quyết định tất cả. Sẽ thật khó để phân định cú forehand xoáy trên 3300 vòng/phút của Nadal đỉnh cao hơn so với cú forehand bóng nhú thần sầu của Federer, hay cả cú forehand đè bóng uy lực của Djokovic. Ở từng thời điểm, từng trận đấu, mỗi thứ vũ khí sở trường của tay vợt nào đó sẽ mang lại hiệu quả nhất định phụ thuộc vào tâm lý khi sử dụng chúng. Vậy nên vì sao Djokovic trong năm 2011 thần thánh với cú trái tay tầm sát thủ có thể đánh bại Nadal trong mọi trận đấu, nhưng đến năm 2012 thì Nole đã phần nào bị khắc chế. Và Djokovic, người đã thắng Federer tới 6 trận trong 7 lần gặp nhau từ đầu năm 2011, vẫn bị khuất phục nhanh chóng trên mặt sân cỏ Wimbledon.
Vẫn còn 1 trận đấu nữa để Federer tiếp tục chinh phục kỷ lục 7 lần vô địch Wimbledon và 286 tuần trên ngôi số 1 của Pete Sampras nhưng có một điều chắc chắn: Federer vẫn còn đầy đủ bản chất của một huyền thoại, ngay cả khi một ngày rất gần đây FedEx chia tay làng banh nỉ.