F1 - Tiếp nhiên liệu: Cuộc chơi chiến thuật (P2)
Kể từ năm 2010 việc tiếp nhiên liệu giữa chặng đua bị cấm hoàn toàn. Có nghĩa chiếc xe sẽ phải mang đủ nhiên liệu ngay từ lúc xuất phát và trọng lượng tăng thêm thay vì 50-60kg như trước đây sẽ thành 150-170kg. Lốp xe sẽ phải chịu tải trọng lớn bởi thùng xăng phải đủ để chứa lượng nhiên liệu trên. Mục đích tăng tính an toàn vì việc tiếp nhiên liệu có thể kèm theo những rủi ro có thể xảy ra. Ý kiến đồng tình không ít, nhưng có những ý kiến cho rằng chiếc xe đua chạy với tốc độ cao và mang theo một lượng xăng lớn cũng nguy hiểm chẳng kém.
Trong quãng thời gian áp dụng tiếp nhiên liệu cũng có một vài tai nạn liên quan đến nhiên liệu. Năm 1994 tại German GP, tay đua Jos Verstappen của Benetton (cha của Max Verstappen) trong lần pit-stop của mình hệ thống nhiên liệu bị rò rỉ và bắt lửa khiến toàn bộ chiếc xe bị ngọn lửa bao phủ.
May mắn không có ai bị thương tích và ông cũng chỉ bị thương nhẹ. Ở Belgium GP 1995 tay lái Eddie Irvine – Jordan sau khi tiếp nhiên liệu xong chiếc xe rời khỏi vị trí pit-stop nhưng van thùng nhiên liệu không đóng dẫn đến bắt lửa, các nhân viên kỹ thuật đã kịp thời dập tắt lửa để ông vẫn có thể tiếp tục hoàn thành chặng đua.
Một tai nạn khi tiếp xăng của tay đua Jos Verstappen năm 1994
Đến Italian GP 2004 lại là một lỗi để nhiên liệu rớt vào ống xả gây cháy của Gianmaria Bruni – Minardi nhưng không xảy ra thương vong. Còn các sự cố không gây hỏa hoạn nhưng lại rất nguy hiểm cho các nhân viên kỹ thuật vì tại thời điểm chiếc xe rời pit ống tiếp nhiên liệu vẫn chưa được tháo rời mà mà bị lôi đi theo chiếc xe đua, điển hình là các vụ: Christijan Albers – Spyker tại French GP 2007, Heikki Kovalainen – McLaren ở Brazilian GP 2009 và Felipe Massa – Ferrari tại Singapore 2008.
Trong đó vụ tai nạn của Massa xuất phát từ thay đổi của Ferrari dùng tín hiệu đèn báo thay cho nhân viên và đèn xanh cho phép Massa rời pit khi vòi tiếp nhiên liệu chưa được tách rời khỏi chiếc xe!
Với kế hoạch sẽ quay lại hình thức cho phép tiếp xăng giữa chặng đua từ năm 2017 của Nhóm chiến lược đã nhận được sự đánh giá tích cực của người trong cuộc. Mới đây cả cựu tay lái F1 Jos Verstappen lẫn con trai của ông là tay đua trẻ Max Verstappen đang đua cho Toro Rosso đều nói đây là quyết định đúng đắn.
Theo ông J.Verstappen thì sự thay đổi này có lợi và chính là điều F1 đang cần, ông cho rằng tiếp xăng và được lựa chọn lốp sẽ giúp cho các đội đua có cơ hội để tạo nên một sự khác biệt trong chặng đua khi lốp không phải là vấn đề chính cần quan tâm. Tân binh M.Verstappen nhận xét việc này sẽ làm cho chiếc xe hiệu quả hơn giúp các tay lái có những chặng đua đúng nghĩa, đồng thời nó sẽ làm cuộc đua hấp dẫn hơn khi chiến thuật sẽ trở nên đặc biệt quan trọng.
Massa rời pit kéo theo cả ống bơm xăng – Singapore GP 2008
Felipe Massa – người cũng đã từng gặp khó với sự cố khi tiếp nhiên liệu cũng hoàn toàn ủng hộ sự trở lại của hình thức này. Anh nói các đội đua đã thực hiện việc này trong nhiều năm, mặc dù đã từng phải đối diện với tai nạn nhưng anh cho rằng không có vấn đề gì mất an toàn hay quá nguy hiểm với việc tiếp xăng giữa chặng đua.
Massa giải thích việc các tay đua phải chạy trên một chiếc xe chứa đầy nhiên liệu sẽ làm nó chậm hơn rất nhiều giữa vòng phân hạng và cuộc đua. Nếu thay vì mang đủ lượng xăng ban đầu, nó được tiếp nhiên liệu giữa cuộc đua thì nó sẽ có sự cạnh tranh hấp dẫn thú vị để tạo nên những cuộc đua kịch tính cùng chiến thuật khác biệt. Massa cũng nói rằng các cuộc họp Nhóm chiến lược đề ra các thay đổi cho F1 cần có sự góp mặt của đại diện các tay đua và góp tiếng nói quan trọng cho sự phát triển của môn thể thao này.
Tiếp nhiên liệu trong cuộc đua sẽ làm thời gian pit-stop của mỗi tay đua kéo dài thêm khoảng 6-9 giây so với 2-3 giây ở thời điểm hiện tại chỉ thay lốp. Sự khác biệt chiến thuật pit-stop xăng-lốp không nằm ở thời gian dừng pit là bao nhiêu giây mà ở chỗ sẽ áp dụng chiến thuật như thế nào?