F1 mùa giải 2014: Cựu hoàng và bước ngoặt lớn (P4)
Trước khi Mercedes thống trị, F1 luôn nằm dưới "vó ngựa" của Red Bull.
Jenson Button 2009 và Vettel 2010-2013
Như đã giới thiệu ở phần trước, mùa giải F1-2009 cũng chính là mùa giải của Brawn-Mercedes. Một mùa giải mà Brawn-Mercedes và RBR-Renault thay nhau hô mưa gọi gió trong suốt 17 chặng đua.
Với việc phát minh và sở hữu hệ thống khuếch tán khí xả kép, chiếc xe của Brawn-Mercedes không có đối thủ và vượt qua được RBR-Renault một cách dễ dàng ở mùa giải này. Qua đó tay đua Jenson Button cũng có chức vô địch thế giới đầu tiên của mình và duy nhất cho đến thời điểm bây giờ.
Jenson Button cùng Brawn-Mercedes vô địch mùa giải 2009
Ở mùa giải 2008 và 2009, Hamilton và Button có được thành công vang dội nhưng cả hai tay đua này không thể ngự trị ở đỉnh vinh quang được lâu. Không phải vì phong độ của họ đi xuống mà là vì trong làng đua F1 xuất hiện những nhân tố mới tạo nên một triều đại mới. Người hâm mộ đã thật sự hững hờ khi chứng kiến một RBR-Renault với sự lột xác đến khó tin.
Dưới sự tài trợ tài chính của tập đoàn Infiniti, chiêu mộ giám đốc điều hành Christian Horner, giám đốc kỹ thuật Adrian Newey, quyết định sử dụng động cơ Renault, đội đua RBR-Renault đã gần như biến cuộc chơi F1 thành cái ao làng của chính mình trong suốt 4 năm liền.
Adrian Newey (trái) và Christian Horner, những quản lý tài ba
Thành tích đạt được sau công cuộc cải tổ đội đua của họ kể ra rất ngắn gọn, vô địch kép (đồng đội lẫn cá nhân) trong suốt bốn mùa giải liền 2010-2013 mà ngay cả những đội đua có bề dày truyền thống như Ferrari, McLaren-Mercedes không thể làm gì hơn. Trong đó phải kể đến thành tích không thể ấn tượng hơn đó chính là 4 năm liền đoạt cup vô địch thế giới của tay đua Sebastian Vettel.
Một câu hỏi đặt ra cho liên đoàn thể thao FIA, các chuyên gia và người hâm mộ F1 trong suốt nhiều năm liền chính là chiếc RBR F1 của họ có ưu điểm gì, mạnh ở đâu? Tuy nhiên câu trả lời vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ và không ai có thể đưa ra đáp án nào thỏa đáng.
Có nhiều nghi vấn được đặt ra như họ sao chép rồi hoán cải hệ thống khuếch tán kép khí xả thải của Brawn-Mercedes rồi tím cách lách luật ứng dụng vào xe mà không thể phát hiện ra. Cũng có ý kiến cho rằng động cơ gắn trên xe Renault ổn định và có hiệu suất cao nhưng thực tế qua các mùa giải không cho thấy điều này.
Chỉ duy nhất điều mà người hâm mộ nhìn thấy được đó chính là sự điều hành về chiến thuật qua từng chặng đua, việc dừng kỹ thuật hợp lý, việc bỏ ra một khoản chi phí lớn (800 ngàn USD) chỉ để huấn luyện thay lốp … là những điểm nhấn để họ đạt được những thành công liên tục.
Sebastian Vettel (giữa) cùng Red Bull vô địch 4 năm liền
Trong khi FIA đi vào ngõ cụt vì sợ rằng giải thi đấu F1 thế giới sẽ mang đến sự nhàm chán khi cứ đua thì nghiễm nhiên mọi danh hiệu đều thuộc về họ, đã có một đề xuất được hội đồng tối cao thể thao F1 thông qua.
Trên lý thuyết đề xuất này sẽ mang lại lợi ích thực tế đó chính là tiết giảm chi phí cho các đội đua, tiết kiệm năng lượng-nhiên liệu và thân thiện với môi trường nhưng vẫn gặp phải nhiều sự phản đối vì lo ngại quá sớm để hoàn thiện về mặt kỹ thuật và sẽ mất đi tiếng gầm rú dũng mãnh vốn có. Thậm chí đề xuất này còn gặp phải lá phiếu phản đối của giám đốc điều hành FIA- Bernie Ecclestone.
Tuy nhiên, cuối cùng đề xuất đó cũng đã được thông qua và được quyết định áp dụng ngay từ đầu mùa giải F1 năm 2014. Vậy đề xuất đó chính là gì, việc quyết định áp dụng đế xuất ấy có ảnh hưởng như thế nào đến các đội đua trong làng thể thao F1?
Mời các bạn đón xem P5 Thay triều đổi đại với kỷ nguyên động cơ mới vào 19h, tối mai 30/12!