F1: McLaren chưa nhìn thấy ánh sáng
McLaren kết thúc chặng đua ở Áo còn tồi tệ hơn cả dự báo. Với 25 bậc phạt dành cho cả hai tay đua thì họ không có cơ hội có điểm, thực tế Fernando Alonso bỏ cuộc ngay vòng đầu vì va chạm với Raikkonen của Ferrari, còn Jenson Button cũng chỉ chạy được vài vòng trước khi dừng cuộc chơi để bảo toàn động cơ mới thay. Mặc dù có hơn 10 ngày chuẩn bị nhưng dường như cơ hội kiếm điểm tại British GP cuối tuần này vẫn là thách thức khó vượt qua của McLaren!
Vấn đề đầu tiên của McLaren là động cơ, ở chặng Austrian GP họ đã phải dùng động cơ mới kèm án phạt. Bước vào chặng đua chiếc xe của Button bị lỗi hệ thống cảm biến nên phải dừng cuộc đua. Đến thời điểm này chưa có gì chắc chắn sự cố trên đã được khắc phục, nếu tiếp tục xảy ra thì nguy cơ phải sử dụng tiếp động cơ thứ 6 sẽ còn làm Button khó khăn hơn trong các chặng đua tiếp theo.
Vụ va chạm với Raikkonen ngoài việc nó khiến cho Alonso phải thêm một lần bỏ cuộc, hậu quả để lại là một số thành phần động cơ mới cũng bị hư hỏng. Nếu thay mới sẽ đồng nghĩa sẽ có những án phạt tiếp theo, vì vậy McLaren và Honda quyết định sử dụng những linh kiện cũ được lấy từ 4 động cơ cũ để lắp vào chiếc xe của Alonso. Với một power unit chắp vá như vậy, liệu nó có đủ độ tin cậy để giúp Alonso ghi điểm đầu tiên ở mùa này cùng đội đua McLaren hay không?
Gói thiết kế khí động học mũi xe mới chưa chứng tỏ được hiệu quả
Vấn đề thứ 2 của McLaren-Honda chính là hiệu suất của gói thiết kế mũi ngắn mới. Ban đầu nó được dự kiến áp dụng từ chặng đua tại Canada, nhưng vì chưa vượt qua được bài test va chạm của FIA nên đến chặng Áo mới được áp dụng chính thức. Không may là vụ va chạm của Alonso đã khiến cho đội đua không thể thu thập bất kỳ dữ liệu “race” hữu ích nào cho đội đua, lý do là gói thiết kế này chỉ được áp dụng trên chính chiếc xe của Alonso.
Thiết kế mũi ngắn ngay từ đầu mùa giải đã được các chuyên gia phân tích nhận định sẽ không đem lợi thế cho các đội đua sử dụng nó vì những quy chuẩn khắt khe của thiết kế mũi xe. Mũi xe thuôn, dài và có tính thẩm mỹ của McLaren được thay thế bằng mũi ngắn tương tự chiếc FW37 của Williams hay RB11 của Red Bull.
Đương nhiên nó vẫn phải kéo dài thêm phần chóp để phù hợp với quy tắc và tăng cường hiệu suất luồng không khí chảy qua phần mũi xe. Ngoài ra cánh gió trước cũng được điều chỉnh cập nhật các tầng cánh gió mũi xe để hướng các luồng không khí đến thân xe nhằm tạo ra lực downforce lớn hơn(thiết kế này sẽ phù hợp hơn ở Silverstone).
Dù không thể thu thập dữ liệu “race”, nhưng may mắn cho McLaren là ngay sau chặng đua Austrian GP chính là đợt thử nghiệm giữa mùa trong 2 ngày cũng ngay chính tại đây. Trong hai ngày đó Alonso cùng tay lái thử nghiệm Stoffel Vandoorne đã cố gắng chạy lấy thông số cho gói cài đặt mới này.
Đánh giá những thông số dữ liệu thu được, ông Eric Boullier cho rằng sau 2 ngày thử nghiệm tại Áo, mặc dù gói thiết kế mới này không hẳn đã phù hợp với Silverstone, nhưng nó đã giúp chiếc xe ổn định hơn rất nhiều ở tốc độ cao cũng như thông số 1 vòng chạy tại đường đua Red Bull Ring. Mặc dù như ông Boillier nhận định gói thiết kế khí động học sau 2 ngày test có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng để nó có thể đem lại hiệu quả ở đường đua như British GP thì chưa có gì chắc chắn.
Hoàn thành chặng đua an toàn là mục tiêu của McLaren!?
Nước Anh là nơi được nhiều đội đua đặt đại bản doanh của mình và trong số đó có McLaren. Vậy nên được trở về Silverstone, McLaren coi như đua trên “sân nhà”. Dù sẽ nhận được nhiều sự cổ vũ từ người hâm mộ, nhưng có một điều, đây sẽ là một chặng đua không dễ cho McLaren.
Với những vấn đề khó khăn mà đội đua này đang phải đối mặt, có lẽ mục tiêu thiết thực nhất của McLaren là tiếp tục nâng cấp khí động học, cải thiện hiệu suất và độ tin cậy của động cơ, kèm theo đó là bảo toàn động cơ cùng việc hoàn thành chặng đua – đó cũng là một thành công của McLaren-Honda tại thời điểm này!