F1 "loạn" vì đề xuất tiết kiệm mới

Mùa giải mới đi kèm những quy định về việc hạn chế sử dụng hầm gió trong công tác phát triển thiết kế xe, đặc biệt là gói thiết kế khí động học. Với các quy chuẩn kỹ thuật 2015 hạn chế này sẽ giúp đội đua tiết giảm chi phí hoạt động. Nhưng mới đây trong tháng 3 đã có ý kiến đề xuất cấm sử dụng hầm gió trong tương lai.

Trong một phát biểu hồi giữa tháng 3, lãnh đội Red Bull – ông Christian Horner – đã đưa ra đề xuất lên Nhóm chiến lược về việc xem xét khả năng cấm sử dụng hầm gió trong tương lai của Thể thức 1. Mục tiêu của lệnh cấm này giúp các đội đua tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ để duy trì hoạt động hàng năm.

Nếu lệnh cấm này được áp đặt các đội đua thay vì lấy thông số thiết kế chiếc xe đua của mình qua dữ liệu thực tế từ hầm gió sẽ phải chuyển sang chạy thiết bị mô phỏng hầm gió CFD (Computational Fluid Dynamics) để tính toán thiết kế khí động lực học. Theo ông Horner thì làm vậy sẽ giúp các đội đua có xuất phát điểm bằng nhau trong khâu thiết kế và ai làm tốt hơn sẽ có được thành quả tích cực.

F1 "loạn" vì đề xuất tiết kiệm mới - 1

Mô hình hầm gió đang được McLaren áp dụng

Mặc dù Red Bull là đội đua sở hữu riêng đường hầm gió như nhiều đội đua danh tiếng khác, nhưng họ sẵn sang hy sinh lợi ích của mình vì F1. Nếu lệnh cấm được áp đặt, các đội đua có thể cho thuê hầm gió với mục đích thương mại để có thêm nguồn thu. Ông tin rằng biện pháp này sẽ hiệu quả hơn các biện pháp thắt chặt chi tiêu trong F1, qua đó sẽ giúp các đội đua nhỏ có thể tồn tại.

Quan điểm của ông Horner được sự đồng thuận từ Paul Monaghan – giám đốc kỹ thuật xe Red Bull và cả ông Bob Fernley – Force India. Ông Fernley cho rằng trong thời đại công nghệ này cần có một cuộc cách mạng để tiên lên phía trước và ý kiến sử dung CFD trong việc phát triển xe là điều cần thiết.

Nhưng đã có nhưng ý kiến phản bác lại luận điểm của ông Horner. Giám đốc kỹ thuật Williams, ông Pat Symonds nói ông không đồng ý với đề nghị cấm đường hầm gió. Ông Symonds là người đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông làm việc ở đội đua Virgin Racing năm 2010 (tiền thân của Marussia bây giờ) và thời đó đội đua này cũng chỉ thiết kế xe dựa trên CFD mà không sử dụng hầm gió, hiệu quả của nó thế nào thì ai cũng biết.

F1 "loạn" vì đề xuất tiết kiệm mới - 2

Thu thập dữ liệu thiết kế xe đua F1 trong hầm gió

Ông cho rằng việc phát triển hầm gió trong F1 đã giúp ích rất nhiều cho dòng xe thương mại khi thiết kế xe với lực cản nhỏ nhất, tiết kiệm nhiên liệu và đem lại lợi ích to lớn cho xã hội. Williams đã đầu tư nhiều chi phí cho sử dụng hầm gió, và họ cũng đầu tư không ít cho CFD và họ thấy rằng nếu chỉ tập trung vào phát triển thiết kế xe theo CFD chưa chắc đã rẻ hơn sử dụng hầm gió.

Ông nói ý kiến của ông Bob Fernley – Force India là chưa chính xác, ông ấy cần đến và tự mình đánh giá một hầm gió có công nghệ tiên tiến để có cái nhìn khách quan nhất. Ông James Allison – Ferrari cũng là người phản đối đề xuất này tương tự như ông Symonds. Theo ông thì việc cấm này sẽ không phải là hướng phát triển tốt nhất cho F1, bởi trong môn thể thao này khí động học là một thành phần cơ bản của hiệu suất chiếc xe.

Trong khi đó việc sử dụng thiết kế từ CFD có nhiều nguy cơ lỗi dữ liệu khiến chiếc xe sẽ không thể đạt hiệu suất tối ưu. Nếu sử dụng nguồn tài chính tiết kiệm đồng nghĩa với việc đưa ra một sản phẩm mà hiệu suất thấp hay không hiệu quả thì đó là điều không nên thực hiện.

Khí động lực học đóng một vai trò quan trọng trong đua xe và càng quan trọng hơn trong F1. Ý kiến đề xuất hay phản đối cũng đã được trình bày rõ. Và đề xuất này cũng đã được đệ trình lên “Nhóm Chiến lược”. Mỗi đề xuất sẽ được nhóm này bàn bạc và cân nhắc hiệu quả kinh tế của nó cũng như tác động đến F1. Nhưng có lẽ thực tế sử dụng hầm gió vẫn là biện pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại.

Để hiểu hơn về các quy chuẩn kỹ thuật về F1 trong mùa giải 2015, mời các bạn xem các link liên quan ở phía dưới!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Danica Patrick ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN