F1: “Gót chân Achilles” của Mercedes
So với Ferrari, trong hai chặng đua vừa qua Mercedes vẫn đạt kết quả tốt khi bộ đôi tay lái của họ đều có mặt trên podium cuối chặng đua. Nhưng không phải tất cả đều ‘màu hồng’ như chúng ta nhìn thấy. Họ cũng có mối lo ngại riêng của mình.
Tại Bahrain GP, dù đoạt pole nhưng Hamilton - Mercedes cuối cùng chỉ cán đích thứ 3 phía sau đồng đội Nico Rosberg và đối thủ Ferrari – Raikkonen. Kết quả thất vọng này bắt nguồn từ vụ va chạm với Bottas-Williams ngay ở khúc cua đầu tiên.
Hamilton va chạm với Bottas bắt nguồn từ tình huống xuất phát lỗi.
Sau chặng đua, Hamilton cho rằng: “Thực sự không ai có lỗi trong vụ va chạm, bởi vì đó cũng là những sự cố thường thấy trong đua xe. Bottas cũng không cần phải xin lỗi tôi, bản thân tôi cũng hiểu và chấp nhận nhưng sự cố có thể xảy đến với tôi hay bất kỳ ai trong bất kỳ chặng đua nào.”
Bottas cũng chia sẻ rằng khi chiếc xe của anh lao đến cua số 1 thì không gian trước mặt anh đã không còn, dù anh đã phanh hết sức có thể nhưng cũng không thể tránh được vụ va chạm.
Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc Hamilton từ vị trí pole chỉ có thể cán đích thứ 3. Nhìn lại cả hai chặng đua đầu tiên của mùa giải mới thấy Mercedes dường như có vấn đề với tình huống xuất phát trong cả hai chặng đua đó. Như đã biết, ở Úc, cả hai chiếc W07 ở hàng đầu tiên đã bị bộ đôi Ferrari qua mặt ngay khi tín hiệu xuất phát.
Đến Bahrain, sự cố depart một lần nữa lặp lại và lần này người bị ảnh hưởng là Hamilton, nếu như xuất phát tốt, chắc chắn anh sẽ không dính vào tình huống va chạm đó. Và nếu quan sát kỹ hơn, khi khởi động vòng chạy formation-lap, chiếc xe của Rosberg đã lăn bánh chậm hơn tất cả - Rosberg may mắn hơn Hamilton khi không gặp bất kỳ trục trặc gì ở vạch xuất phát.
Ở Australian GP, 2 chiếc W07 cũng bị Ferrari qua mặt tại vạch xuất phát
Thật khó có thể chấp nhận lý do một tay đua như Hamilton, đoạt pole cả hai chặng liên tiếp, khi cuộc đua xuất phát thì chiếc xe của anh lại ở vị trí thứ 4 và 10 ở góc cua đầu tiên(tương ứng) với Úc và Bahrain chỉ vì lỗi cá nhân.
Và thật không may cho Mercedes, tất cả những sự việc được đề cập đến ở đây đều có chung một nghiệm số - Lỗi phần cứng hệ thống ly hợp (côn). Đầu tiên, nó là nguyên nhân chính dẫn đến Mercedes có 2 chặng đua liền xuất phát tệ hại.
Các yếu tố phụ tác động thêm là quy định về cấm hỗ trợ tay đua xuất phát (có hiệu lực từ chặng đua tại Bỉ 2015), cộng thêm quy định về những thông tin bị hạn chế truyền đạt qua team-radio mùa này – tất cả hội tụ nên ‘Gót chân Achilles’ của các nhà đương kim VĐTG Mercedes.
Ông Wolff nói đó không phải là lỗi cá nhân
Sau chặng đua, khi nói về tình huống depart của mình trong cả hai chặng đua, Hamilton cho biết ở chặng Úc, khi xuất phát bánh xe của anh đã bị trượt, đến Bahrain anh cảm thấy chiếc xe không hề di chuyển. Hamilton cho rằng ở lần thứ 2 có thể là do sai lầm cá nhân của mình khi thao tác chưa đúng về thiết lập, điểm cài ly hợp.
Nhưng ông Toto Wolff lại nhận định khác. Ông nói có thể với trường hợp của Rosberg ở Bahrain, tại vòng warm-up là do anh thao tác sai khi vào số 2. Còn với Hamilton, ông Wolff tin rằng đây là một vấn đề lỗi phần cứng của lý hợp chứ không phải là lỗi hệ thống điều khiển điện tử cũng như lỗi cá nhân. Điều ông lo ngại đó là vấn đề này không thể giải quyết trong chốc lát.
Với quy định hạn chế liên lạc giữa tay đua và đội đua, cùng việc đơn giản hóa lẫy cài ly hợp trên tay lái. Mercedes đang phải đánh giá lại tác động của sự thay đổi này, khi mà yêu cầu của nó là sự chính xác trong vận hành, trong khi thực tế vận hành lại mang yếu tố ‘con người’.
Mercedes yêu cầu Daimler thiết kế hệ thống ly hợp với 1 lẫy cài đơn
Ngay sau chặng đua, Mercedes cũng đã làm việc với Daimler – đơn vị thiết kế hệ thống ly hợp của Mercedes – và yêu cầu họ hỗ trợ đội đua tối ưu hóa hệ thống này, mục tiêu giúp cho các tay đua thao tác dễ dàng nhất trong quá trình xuất phát. Mercedes cũng đề ra mục tiêu là phối hợp với Daimler thiết kế hệ thống ly hợp với lẫy cài đơn (hiện tại họ đang dùng hệ thống lẫy cài kép) để tiện lợi nhất trong thao tác.
Điều làm Toto Wolff lo ngại nhất là việc phối hợp với Daimler để tối giản hóa hệ thống ly hợp lại không thể là việc “ngày 1 ngày 2”. Để làm được điều này cần có thời gian, nên ông Wolff e rằng đến chặng đua tại Thượng Hải tới đây nó vẫn chưa được giải quyết, cũng như thời điểm hệ thống mới được cập nhật là chưa xác định. Vậy nguy cơ thêm một lần nữa sự cố xuất phát có thể được lặp lại ở Thượng Hải là có.
Trong bối cảnh đối thủ lớn nhất Ferrari đang có vấn đề về động cơ, Mercedes cũng bộc lộ điểm yếu của mình khi ‘sở hữu’ một thiết kế mà tính tiện dụng của nó không đạt hiệu quả cao. Nếu không khắc phục sớm, vấn đề này sẽ làm cho tay đua của họ gặp nhiều rủi ro trên đường đua.