F1 đổi chủ 8 tỷ đô: Tham vọng phủ sóng toàn cầu
Trong thời điểm này của mùa giải, những thông tin nóng hổi nhất từ làng F1 có lẽ là từ những đội đua cạnh tranh cho những vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng, hay những thông tin “chuyển nhượng” của các tay đua trong mùa giải tới.
Vào giữa tuần qua, chúng ta đã nhận được thông tin F1 đã chính thức có người chủ mới, là một công ty truyền thông của Mỹ. Sự thay đổi này sẽ đem lại những thay đổi mới mang tính tích cực hơn cho môn thể thao, vốn đã đem lại quá nhiều lợi nhuận trong vài thập kỉ vừa qua.
Công ty nước Mỹ sẽ chia sẻ gánh nặng quản lý cùng Bernie Ecclestone
Đó là công ty truyền thông Liberty đến từ Mỹ, họ đã bỏ ra 8 tỷ USD (gần 6 tỷ bảng Anh) tính cả nợ tồn, để trở thành ông chủ mới của môn thể thao tốc độ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên ông chủ hiện tại của F1 Bernie Ecclestone vẫn sẽ giữ chức CEO trong một thỏa thuận khá phức tạp đã được kí kết giữa hai bên, ngoài ra F1 vẫn được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán.
Công ty truyền thông Liberty ban đầu chỉ định mua khoảng 18,71% cổ phần của F1, nhưng sau đó thương vụ này đã chuyển sang là một vụ mua toàn bộ, dự kiến sẽ được hoàn tất vào quý I năm 2017. Sự kiện này được kì vọng là sẽ giúp F1 vươn tới lượng khán giả đông hơn và phổ biến hơn nữa thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bên cạnh CEO Bernie Ecclestone, ông Chase Carey, phó chủ tịch của hãng 21st Century Fox sẽ trở thành tân chủ tịch, còn CVC, công ty của ngài CEO sẽ nhận được tiền lãi từ Liberty với giá trị lên tới 65% nhưng họ sẽ không thể kiểm soát F1 nữa và họ không còn quyền biểu quyết trong tất cả vấn đề được đề xuất. Lí do là bởi Liberty đã mua một phần trong số cổ phần của CVC trong F1 (18,71%).
“Tôi coi F1 là một môn thể thao độc nhất toàn cầu, thu hút hàng trăm triệu fan trên khắp thế giới mỗi năm. Tôi đã thấy được một cơ hội tuyệt vời để giúp F1 ngày càng phát triển và thành công cho những người hâm mộ, các đội đua cũng như những nhà đầu tư.” Carey nói
Ecclestone cũng cho biết ông rất hoan nghênh công ty Liberty tham gia vào môn thể thao này và mong muốn nhanh chóng được hợp tác với họ. Thỏa thuận này đang chờ sự chấp thuận từ Liên đoàn đua xe thế giới (FIA), đơn vị quản lí chính của F1, cùng những người đứng đầu của một số tổ chức và các hệ thống đua xe khác của FIA.
CVC đã là công ty nắm giữ hầu hết quyền kiểm soát F1 kể từ tháng 3 năm 2006, và đã trả được khá nhiều trong khoản nợ từ số tiền hàng tỷ USD lợi nhuận hàng năm.
Bernie là người đã đem về rất nhiều tiền cho môn thể thao này, là người khá giỏi trong việc đưa ra những thỏa thuận giữa hai bên, thu được lợi nhuận từ những hợp đồng truyền hình và phí tổ chức các chặng đua từ những đất nước giàu từ khu vực Trung Đông như UAE (Abu Dhabi) và Azerbaijan, những nước khao khát được góp mặt trong lịch đua hàng năm.
Một con người cũng không thiếu những tai tiếng, người đã trở nên nỏi tiếng với bất kì tay đua nào, Bernie đã là một phần của F1 kể từ những năm 1950.
Cựu chủ nhân của một đội đua, ông đã có được bản quyền truyền hình kể từ thập niên 1970 và giúp F1 trở nên giàu có như hiện tại, Tuy nhiên ông cũng bị chỉ trích khá nhiều từ những nhà phê bình bởi đã kéo môn thể thao này đi xuống từ những thất bại từ việc không thể lôi kéo truyền thông mới và thị trường số hóa. Nhưng việc này lại rất thích hợp cho Liberty.
Liberty không có ý định ‘Mỹ hóa’ F1
Mỹ là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng nhưng Liberty không có mong muốn sẽ “Mỹ hóa” môn thể thao này. Theo như Carey, ông cho rằng ở Mỹ đúng là có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng ông cũng rất tôn trọng những đối tác quan trọng từ châu Âu. Nói đến các đối tác, khi Liberty lên tiếp quản F1, nhiều đài truyền hình vẫn giữ được hợp đồng lâu dài với F1 đã kí từ trước, như là Sky tại Anh, vẫn được ‘độc quyền’ tới năm 2024.
Có rất nhiều cách để Liberty tăng thu nhập cho F1, chẳng hạn như tập trung vào việc phát sóng nhiều hơn tại các nước mà có tay đua tham dự F1, hay thêm những chặng đua mới vào lịch đua vốn đã dày đặc cũng là một cách kiếm thêm tiền, tất nhiên là nếu F1 có thể sắp xếp được thời gian hợp lí.
Montreal, Austin và Mexico City là 3 địa điểm hiện tại có tổ chức một chặng đua F1, tuy nhiên nếu tổ chức tại hai thành phố thuộc hai bờ Đông – Tây nước Mỹ, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khán giả theo dõi, và cả về mặt thương mại hơn nữa. Ngoài ra các đội đua F1 cũng được trao cơ hội đầu tư vào môn thể thao này sau khi Liberty hoàn tất xong các thủ tục tiếp quản và những đội đua nhỏ hi vọng những ông chủ mới sẽ giúp họ có thể trở nên cạnh tranh hơn trên đường đua.
Như vậy F1 đã có người “cầm đầu” mới, những ông chủ đến từ ‘miền đất hứa’, đem lại nhiều hi vọng mới, nhiều thay đổi mới cho F1.