F1: Chờ đợi gì ở mùa giải 2016 (P1)
Cả Châu Âu vẫn đang chìm đắm trong không khí của những lễ hội mừng năm mới nhưng mùa giải F1 2016 đang đến gần hơn chúng ta nghĩ. Còn khoảng 70 ngày nữa sẽ diễn ra chặng đua đầu tiên tại Melbourne và 11 đội đang miệt mài chuẩn bị một cách tốt nhất cho chiếc xe tham gia tranh tài của mình.
Sở dĩ các đội cần có sự chuẩn bị kĩ càng hơn mọi năm là do mùa giải F1 2016 đánh dấu số ngày thử xe ít nhất trong lịch sử. Tất cả sẽ chỉ có 8 ngày thử xe tại Tây Ban Nha bắt đầu từ ngày 22-2 trước khi di chuyển đến Úc cho chặng đua mở màn. Hãy cùng điểm qua những vấn đề cốt lõi sẽ chi phối sâu sắc đến cục diện mùa giải năm nay.
Mercedes sẽ giải quyết căng thẳng giữa Hamilton và Rosberg thế nào?
Toto Wolff có lẽ trải qua kì nghỉ Giáng Sinh không hề vui vẻ khi phải đau đầu tìm hướng giải quyết cho cuộc chiến nội bộ giữa hai tay đua Mercedes. Có thể nói mùa giải F1 2015 diễn ra thuận lợi hơn dự kiến đối với Hamilton khi anh nhanh chóng tạo lập ưu thế của mình và có được chức vô địch thứ ba trong sự nghiệp trong sự bám đuổi vô vọng của Rosberg khi mùa giải còn tới 3 chặng đua.
Căng thẳng chỉ thực sự nổi lên trong 6 chặng cuối cùng khi Rosberg có được 6 pole liên tiếp và 3 chiến thắng chặng. Nếu tay đua người Đức tiếp tục chuỗi phong độ ấn tượng của mình vào mùa giải 2016, Hamilton sẽ không dễ dàng có được chức vô địch theo cách anh đã làm được ở mùa giải trước.
Toto Wolff sẽ phải tìm cách dung hòa lợi ích cá nhân và tập thể
Giới hâm mộ đang nói đến quá nhiều về sự nổi lên của Ferrari nhưng nếu nhìn vào khoảng cách giữa họ với Mercedes thì thật khó cho đội đua nước Ý san lấp một khoảng cách trung bình vào khoảng 0,7s/vòng chỉ sau kì nghỉ đông. Nói vậy để thấy rằng nhiều khả năng Mercedes sẽ vẫn là đội đua thống trị mùa giải F1 năm tới mặc dù khoảng cách có thể bị rút ngắn.
Toto Wolff – giám đốc điều hành đội đua - trong bài phỏng vấn mới đây cũng hé lộ khả năng sẽ tạo điều kiện để Hamilton và Rosberg cạnh tranh công bằng hơn nữa trên đường đua. “Dĩ nhiên chúng tôi muốn kéo dài sự thống trị của mình nhưng chúng tôi phải tìm cách để không biến họ (Hamilton và Rosberg) thành kẻ thù của nhau. Chúng tôi có thể sẽ để họ tự lựa chọn chiến thuật nhằm phát huy tối đa khả năng của mình” – Wolff cho biết.
Trong hai mùa giải gần đây, Hamilton và Rosberg đều được bật đèn xanh để cạnh tranh sòng phẳng trên đường đua kèm theo những nguyên tắc nhất định. Một trong những điểm quan trọng nhất chính là việc tay đua chạy trước sẽ được ưu tiên vào pit trước. Điều này nhằm tránh cho tay đua phía sau tận dụng lốp mới với độ bám đường tốt để thực hiện chiến thuật “nhảy cóc”. Tuy nhiên điều này sẽ giảm đi khả năng có sự hoán đổi vị trí trên những đường đua khó vượt với hai chiếc xe có sức mạnh ngang nhau.
Ý tưởng của Wolff – dù vẫn đang là ý tưởng dự kiến – chắc chắn sẽ giúp cho cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn nhưng điều đó cũng khiến cho đội ngũ kỹ sư của hai tay đua sẽ làm việc ở tư thế đối đầu nhau. Điều này sẽ giúp cho các đối thủ vượt lên nếu tay đua tự lựa chọn chiến thuật sai lầm và không có sự tương tác, hỗ trợ nhau trên đường đua.
Một khả năng nữa cũng được vị giám đốc điều hành nhắc đến chính là việc xem xét thay đổi tay đua nếu quan hệ không tốt của họ làm ảnh hưởng đến đội đua. Nên nhớ rằng, hợp đồng hiện tại của Rosberg sẽ hết hạn vào cuối mùa giải 2016 trong khi Hamilton vừa gia hạn hợp đồng với đội đua nước Đức.
Những gì diễn ra ở Mercedes thực sự sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện mùa giải F1 2016.
Ferrari sẽ tiếp tục đà thăng tiến
Mùa giải F1 2014 được xem là thảm họa đối với Ferrari – đội đua giàu truyền thống nhất lịch sử F1 – khi họ trải qua mùa giải mà không có bất kì chiến thắng chặng nào. Một cuộc thay máu triệt để từ thượng tầng đến đội đua mà tiêu biểu nhất là sự xuất hiện của Vettel – người có được thành công rực rỡ trong màu áo Red Bull.