Đừng để đại hội trở thành… hội đại
Trong sáu kỳ đại hội TDTT toàn quốc trước, lần nào đại hội cũng gắn rất chặt với bài “Khỏe vì nước” và lấy đấy làm tiêu chí của hội thao lớn nhất quốc gia.
Những vị lãnh đạo của ngành thể thao trong các kỳ đại hội TDTT trước đây vẫn hay mượn lời bài hát “Khỏe vì nước” với những câu: … Khỏe vì nước, chí khí cương kiên. Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên. Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường. Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm… để dạy các thế hệ VĐV đến với đại hội mang nhiều ý nghĩa này.
Rượt đánh trọng tài như phim hành động
Thế nhưng thời gian trôi qua, ý nghĩa cao đẹp của đại hội TDTT toàn quốc đang ngày càng bị xúc phạm trầm trọng. Bằng chứng là hôm nay (6-12) đại hội mới chính thức khai mạc tại TP Nam Định nhưng trước đó trong những môn thi đấu sớm thì đã có nhiều vệt đen làm ô uế đại hội.
Điển hình như vụ VĐV Lê Duy Hợi cùng chỉ đạo viên Xuân Thái tấn công trọng tài Nguyễn Đình Hùng ngay tại nhà thi đấu Thái Bình. Kế đến là HLV Đinh Văn Kiên của đội Thừa Thiên-Huế đã rượt đuổi trọng tài Nguyễn Đức Thọ và tung cước ngay trên thảm đấu y như một đoạn phim hành động…
Ở đây chưa bàn đến chuyện đúng sai từ những người cầm cân. Nhưng một đại hội thể thao tầm cỡ quốc gia mà chỉ vài ngày xảy ra hai sự cố phi thể thao như trên thì cần phải xem lại nhiều mặt.
Thảm đấu vật liên tiếp xảy ra hình ảnh buồn tại đại hội TDTT toàn quốc. Ảnh: CTV
Nạn “cho”, “mua” thành tích
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, những nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam kỳ cựu nay không còn trực tiếp tham gia điều hành nữa đều có cùng một tâm sự buồn về chuyện buôn bán và bệnh thành tích của đại hội TDTT. Điều đó đã làm mất đi nhiều ý nghĩa của cuộc chơi này.
Chẳng hạn như nạn đổi chác VĐV để kiếm huy chương mà tiêu biểu là tay vật Lê Duy Hợi của quân đội đầu quân cho Cần Thơ (để chắc suất mang vàng về cho địa phương này). Hiện tượng VĐV này khoác áo địa phương khác xảy ra ở rất nhiều môn không theo dạng đầu tư con người mà chỉ là “mua” thành tích và có cái để báo cáo, để xếp hạng ở đại hội TDTT toàn quốc.
Nó hay được hợp thức hóa bằng những từ bóng bẩy như để phát triển phong trào của địa phương đấy hoặc những liên kết giữa các đơn vị để giúp nhau phát triển.
Cá nhân tôi trong một lần tham dự đại hội TDTT toàn quốc từng chứng kiến một lãnh đạo bộ môn trình với ông giám đốc một địa phương lớn (Sở TDTT): “Chú X ở tỉnh Y có một VĐV vào chung kết với VĐV của mình đặt vấn đề xin thắng trận chung kết này để tỉnh chú có một cái HCV mà báo cáo thành tích…”.
Và sau lời trình bày trên, ông giám đốc Sở TDTT đấy đã điện thoại trực tiếp cho HLV của mình chỉ đạo: “Nói cậu T. đánh trận chung kết tối nay không được thắng để nhường huy chương cho tỉnh Y. Phần thưởng cho cậu T. vẫn được tính y như các VĐV đoạt HCV nhé!”.
Tiền đổ vào rất nhiều nhưng mục tiêu và ý nghĩa giảm dần
Chuyện xin huy chương như thế không ít và nói như dân trong nghề là “Tình thương mến thương thì cho mà mua bán đổi chác thì cũng không ít. Chuyện này không công bố công khai nhưng ai cũng biết”.
Kinh phí đổ vào mỗi kỳ đại hội TDTT toàn quốc từ việc xây nhà thi đấu đến đầu tư cho đơn vị đăng cai rồi tập huấn trong, ngoài nước. Nói như một lãnh đạo kỳ cựu của ngành thể thao thì phải tính đến ngàn tỉ đồng cho nhiều khâu, nhiều bước…
Đó là chưa kể đặc điểm của đại hội TDTT lần này là phong trào tập huấn của nhiều địa phương được đẩy mạnh trong đó có cả tập huấn nước ngoài. Hỏi ra chi tiết thì chỉ có tập huấn nước ngoài mới có chế độ cao và đấy là lý do có nhiều môn, nhiều địa phương cứ ào ạt cho tập ở nước ngoài.
Ý nghĩa ban đầu của đại hội TDTT thì rất tốt. Nhưng càng ngày thì phần làm ăn, tính toán gắn với thành tích càng nặng nề hơn so với mục đích và ý nghĩa ban đầu. Chính vì thế mà sự quan tâm của truyền thông cũng giảm hẳn dù kinh phí cho các đại hội ngày càng tăng.
Sự việc trên chắc chắn ngành thể thao biết tất cả. Nhưng vấn đề là có ai dám đối mặt để nắn chỉnh cho đại hội đi đúng đường, đúng hướng và đúng với ý nghĩa ban đầu thay vì ngày càng mang tiếng là đại hội mà cứ như… hội đại.
Mong lắm thay!