Đua xe thế giới: Các đường đua đang “gánh” cả F1 và MotoGP
(Tin đua xe F1) Cuối tuần này, MotoGP sẽ “ghé thăm” trường đua Circuit of the Americas tại Austin (Mỹ), một trong địa điểm đua F1 hiện tại. Vậy trên thế giới có bao nhiều trường đua đã và đang tổ chức cả hai giải đua xe F1 và MotoGP? Hãy cùng tìm hiểu danh sách dưới đây.
Các đường đua thường được sử dụng để thi đấu nhiều thể thức đua xe khác nhau, nhưng hiện chỉ có 5 trường đua cấp 1 (Grade 1) đăng cai hai giải đua xe hàng đầu của thể thức 2 bánh và 4 bánh – Formula 1 và MotoGP.
Circuit of The Americas – Mỹ
Circuit of The Americas (COTA) đã chấm dứt 5 năm vắng bóng của Hoa Kỳ tại F1 khi đăng cai United States Grand Prix vào năm 2012.
Chỉ hai năm sau khi bắt đầu xây dựng đường đua, COTA đã trở thành đường đua dành cho các sự kiện FIA và FIM (cơ quan quản lý F1 và MotoGP) để thay thế Indianapolis, nơi tổ chức chặng đua F1 cuối cùng của Mỹ vào năm 2007.
MotoGP đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận để COTA ra mắt vào mùa giải 2013. Nó được đặt tên là Grand Prix of the Americas do vào thời điểm đó Mỹ còn có hai chặng đua khác, US GP được tổ chức tại Laguna Seca và Indianapolis GP tại Indianapolis Motor Speedway.
Kể từ đó, COTA đã xuất hiện hàng năm ở cả hai giải đấu, ngoại trừ mùa giải 2020 bị ảnh hưởng bởi COVID, và nơi đây đã trở thành một đường đua được các tay đua cũng như người hâm mộ yêu thích.
Lý do là bởi tính chất tốc độ cao của đường đua với những đoạn đường thẳng dài và những khúc cua tốc độ cao. Các khu vực run-off rất rộng khiến COTA phù hợp với MotoGP vì chúng mang lại không gian rộng rãi cho các tay đua có thể giảm tốc độ trước khi đâm vào rào chắn trong trường hợp gặp tai nạn.
Có sự khác biệt gần 30 giây giữa kỷ lục vòng đua COTA cho F1 và MotoGP. Tuy nhiên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì mặc dù tốc độ tối đa của một chiếc xe F1 tương tự như một chiếc xe MotoGP, nhưng F1 có tốc độ vào cua vượt trội hơn nhiều, yếu tố cần thiết trong khu vực sector 1 nhiều cua đổi hướng liên tiếp. Ngoài ra COTA cũng dài tới 5,5km, nên sự khác biệt về thời gian vòng đua là lớn hơn so với các đường đua khác.
Trường đua Barcelona-Catalunya – Tây Ban Nha
Trường đua Barcelona-Catalunya được giới thiệu là Grand Prix của Thế vận hội Olympic khi thành phố Tây Ban Nha tổ chức Olympic 1992. Đường đua nằm trong kế hoạch xây dựng cho Thế vận hội mùa hè năm đó, mở cửa cho công chúng vào năm 1991 khi thay thế Jerez trở thành địa điểm mới cho F1 Spanish GP.
Một năm sau, Barcelona đăng cai thêm chặng MotoGP châu Âu (Jerez tổ chức Spanish GP moto khi đó) cho đến năm 1995 trước khi sang tên Catalan GP.
Barcelona có mặt ở cả hai giải đua kể từ đó, đồng thời trong nhiều năm được sử dụng để thử nghiệm trước mùa giải cho F1 và MotoGP. Vì vậy, các tay đua của cả hai thể thức đều vô cùng quen thuộc với Circuit de Barcelona-Catalunya. Sự thay đổi độ cao, các góc cua nhanh và đường thẳng dài khiến nơi đây trở thành một đường đua đầy thử thách và thú vị.
Tuy nhiên, tương lai của đường đua đang bỏ ngỏ vì Madrid sẽ trở thành chủ nhà mới của F1 GP Tây Ban Nha từ năm 2026, cũng là năm hợp đồng MotoGP của Barcelona hết hạn.
Trường đua quốc tế Losail – Qatar
Qatar là một sự bổ sung mới cho F1, nhưng đây đã là một chặng đua quan trọng của MotoGP trong nhiều năm qua.
Trường đua Losail ra mắt MotoGP vào năm 2004. Họ cùng Bahrain (ở F1) là hai quốc gia đi tiên phong trong việc đưa môn đua xe thể thao vào khu vực Trung Đông.
Chặng đua đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên tổ chức cuộc đua đêm tại MotoGP năm 2008. Qatar chỉ lỡ một mùa giải MotoGP (2020) do COVID-19, nhưng năm 2021, họ đã tổ chức hai cuộc đua vì đại dịch. Đây cũng là năm Losail ra mắt F1 vào giai đoạn cuối mùa giải căng thẳng nhất lịch sử.
Cuộc đua F1 thứ hai của Qatar diễn ra vào năm 2023, một sự kiện nhận nhiều lời chỉ trích từ các tay đua cũng như người hâm mộ vì điều kiện khắc nghiệt, buộc phải áp dụng chiến thuật ba lần dừng thay lốp. Nhiều tay đua bị kiệt sức, trong đó gồm Logan Sargeant, người bỏ cuộc giữa chặng đua.
Tuy nhiên, chặng MotoGP không gặp phải vấn đề tương tự vì nó được tổ chức vào một thời điểm khác trong năm, khi nhiệt độ thấp hơn đáng kể.
Silverstone – Anh
Silverstone đã tổ chức chặng đua F1 đầu tiên vào năm 1950, nhưng phải đến năm 1987, nó mới trở thành địa điểm cố định của British GP sau khi chia sẻ trách nhiệm với Aintree và Brands Hatch.
Năm 1977, Silverstone bắt đầu đăng cai chặng MotoGP tại Anh, nhưng đã mất quyền cho Donington Park vào năm 1987 trước khi giành lại vào năm 2010. Tuy nhiên, những người hâm mộ MotoGP lại muốn Donington Park trở lại.
Đã có những khoảnh khắc gây tranh cãi đối với cả hai giải đấu liên quan đến Silverstone. Vào năm 2018, đường đua đã được thảm lại nhựa đường để loại bỏ phần gồ ghề gây khó khăn cho các tay đua MotoGP. Nhưng Lewis Hamilton lại chỉ trích khi cho rằng đây là vòng đua "nhanh nhất từ trước đến nay" nhưng điều này là "lãng phí tiền bạc, lẽ ra có thể sử dụng vào mục đích tốt hơn".
Chặng MotoGP năm đó đã phải hủy bỏ sau thời gian dài bị trì hoãn vào Chủ nhật vì đường đua trải mới không thể thoát nước mưa và quá nguy hiểm để tiếp tục đua.
Trái ngược lại, Silverstone là đường đua yêu thích của F1 do bầu không khí sôi động, các góc cua đầy thử thách và nhiều điểm vượt.
Silverstone cũng là một vòng đua dài 5,9 km, nên không có gì ngạc nhiên khi có sự khác biệt lớn nhất (32 giây) giữa kỷ lục vòng đua của F1 và MotoGP.
Red Bull Ring – Áo
Áo xuất hiện lần đầu tại F1 với tên gọi Osterreichring, một cấu trúc cực kỳ khó khăn vẫn tồn tại cho đến 1995, tám năm sau khi Áo rời giải đấu.
Đường đua được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1996, khi đường đua A1-Ring thay thế Salzburgring làm chủ nhà của MotoGP Áo GP. F1 đến đường đua mới vào năm 1997, cũng là năm cuối cùng tổ chức chặng đua xe máy trong một thời gian dài do lượng người tham gia thấp. Áo sau đó ở lại F1 cho đến năm 2003.
Người sáng lập Red Bull, Dietrich Mateschitz đã mua đường đua vào năm 2004, nhằm mục đích khôi phục nó trở lại như xưa. Nhờ đó, F1 cuối cùng đã quay trở lại vào năm 2014, hai năm trước khi MotoGP làm điều tương tự.
Red Bull Ring đã trở thành điểm đến quen thuộc của người hâm mộ do vị trí trung tâm châu Âu giúp du khách quốc tế dễ dàng di chuyển hơn. Nó cũng phù hợp cho cả hai loại xe vì đây là vòng đua nhanh với những khúc cua đầy thử thách, thay đổi độ cao và đoạn thẳng dài.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, MotoGP đã sử dụng một cấu trúc khác ở đoạn thẳng sau cua 1 để xe không có tốc độ quá cao khi tới cua 3 trên đỉnh đồi (tránh lặp lại vụ tai nạn năm 2020 giữa Franco Morbidelli và Johann Zarco).
Các trường đua đã từng tổ chức cả F1 và MotoGP trong quá khứ
(Tin thể thao, tin F1) Cuộc đua ngày Chủ nhật tại Suzuka diễn ra rất sôi nổi với nhiều diễn biến hấp dẫn và kết thúc với chiến thắng 1-2 thứ 4 từ đầu năm 2024, cùng hat-trick của Max Verstappen. Dưới đây là những thống kê đáng chú ý nhất trong chặng đua kéo dài 53 vòng tại đường đua Suzuka, Nhật Bản.
Nguồn: [Link nguồn]